Màu của tâm hồn

Cây xanh là một phần không thể thiếu của Hà Nội. Người Hà Nội thường nao lòng khi những bông sữa đầu mùa tỏa hương, khi những cây bàng chuyển mầu lá đỏ, hay đi dưới những vòm xanh của rặng sấu xào xạc…

Màu của tâm hồn - 1 Không gian hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) được trồng nhiều loại cây

Nhưng, phải đến những năm gần đây, tình yêu cây xanh trong mỗi người, mới thật sự được "đánh thức" và gắn với trách nhiệm kiến tạo mầu xanh cho cộng đồng. Mầu xanh ý thức, mới thật sự là mầu xanh bền vững.

1 Phố cổ Hà Nội luôn có những con ngõ hun hút, tối om. Nhưng khi đi vào sâu hơn, đôi khi, người ta thấy một không gian được mở ra. Thường, đó là một cái sân nho nhỏ làm không gian chung. Thường thì bếp núc, nồi niêu, xoong chảo đủ cả… Ðấy chính là dấu tích kiến trúc xưa - giếng trời. Nhà phố cổ mặt tiền hẹp, chạy dài. Từ xa xưa, người ta đã nghĩ ra cách làm giếng trời. Nếu muốn tìm một giếng trời "nguyên bản", không đâu xa là Ngôi nhà Di sản ở 87 phố Mã Mây. Ở khoảng không gian nhỏ xinh ấy, người ta dành không gian cho những cây xanh vươn lên đón nắng. Phố cổ chật hẹp. Nhưng chính người Hà Nội, nhiều đời nay, rất sành chơi cây cảnh!

Những căn nhà ống cứ bị chia nhỏ ra mãi. Bây giờ, người ta trồng cây theo… trục đứng. Tôi có thú vui khi ngắm các tầng trên của những căn nhà phố cổ. Ở dưới thì lộn xộn, mà nhìn lên trên cao, thường xuyên bắt gặp những khu vườn xanh thẫm êm đềm. Ít ai ngờ rằng, khu phố cổ có mấy chục héc-ta lại có một Câu lạc bộ (CLB) cây cảnh riêng - CLB Bonsai Phố cổ. Xoay xở cuộc sống trong những không gian chật hẹp không ngăn được tình người với cây. Người ta thường phải đưa cây lên… tầng thượng. Ở trên cao, hè nắng, đông lạnh, chăm sóc cây tốn công sức hơn bình thường rất nhiều. Thế mà có những người có cả trăm chậu cây. Nhà thì chật, nên điểm mạnh của CLB là cây cảnh mi-ni.

Có những cây chỉ cao độ hai gang tay nhưng tuổi đời lên đến cả trăm năm. Anh Ðỗ Anh Ðức, một thành viên có tiếng của CLB chia sẻ: Ngoài những cây truyền thống như sanh, si, đa, tùng…, thành viên CLB thích chọn những cây gắn bó với người Hà Nội. Ðó là lộc vừng, là hoa sữa, là cơm nguội… hay bàng. Thế là, dù ở trong nhà, người ta vẫn được thưởng thức sắc màu của phố khi những bông sữa đơm hoa mỗi độ thu về, hay khi cây bàng chuyển mầu lá đỏ! Người phố cổ còn chơi phong lan. Lan ưa ẩm và mát. Nhưng phải đưa lên sân thượng nắng gió. Chăm được những khu "vườn treo" ấy, cũng đòi hỏi sự kỳ công hơn chăm lan ở bất kỳ nơi nào khác.

Trong câu chuyện với những người Hà Nội cũ, có hai thứ không thể thiếu về cây xanh. Thứ nhất là cổ thụ. Người Hà Nội xưa hầu như ai cũng làu làu những chuyện cây đa Nhà Bò, cây đa Cửa Quyền, cây đa đền Bà Kiệu, cây gạo rồi cây lộc vừng bên hồ Hoàn Kiếm… Kế đến, là những chuyện "thu nước non nghìn dặm trong bồn chậu" - thú chơi cây ở 36 phố phường. Suốt bao thế hệ, người Hà Nội gắn bó với cây theo cách riêng của mình như thế. Không ngạc nhiên khi người Pháp xây dựng các tuyến phố, rồi trồng cây ở bên đường, dù ghét thực dân, những hàng cây ấy được người Hà Nội đón nhận, rồi trở nên thân thuộc. Nói đến cây xanh Hà Nội, người ta thường kể đến hàng sấu Phan Ðình Phùng, những cây bàng lá đỏ trên phố Tràng Thi, hay cây cơm nguội vàng dốc Yên Phụ…

Phố Hà Nội có nhiều "thế hệ cây" khác nhau. Cây cổ thụ, cây người Pháp trồng, rồi cây do chính quyền thành phố trồng từ ngày hòa bình lập lại đến bây giờ. Tôi vẫn gọi những hàng cây gắn bó với người Hà Nội là "hàng cây tâm hồn". Nó không đơn thuần là một hạng mục của "hạ tầng đô thị" nữa. Bởi thế, chăm sóc cây xanh ở Hà Nội không phải chuyện dễ, không thể lúc nào cũng tiếp cận một cách khoa học máy móc. Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Ðức Mạnh bảo: "Có những thời gian, thành phố trồng những loại cây không phù hợp với đô thị. Nhưng cây xanh là văn hóa, là tâm hồn người Hà Nội. Thí dụ như những cây bàng lá đỏ gắn bó với bao thế hệ người Hà Nội. Nhưng, cây bàng là cây có nhiều sâu róm, rất bất tiện trong chăm sóc, quản lý, chúng tôi không trồng thêm. Nếu khi một cây chẳng may gãy đổ, nhất là khu vực phố cổ, phố cũ thì chúng tôi cũng sẽ thay bằng một cây bàng khác. Còn tuyệt nhiên không "dám" tự thay cây nào cả".

Năm 2016, khi Hà Nội xây dựng chương trình trồng một triệu cây xanh đến năm 2020, không ít người băn khoăn chương trình lại rơi vào tình trạng "trồng phong trào". Trong khi đó, con số một triệu cây không phải là nhỏ, nhất là chỉ tính cây bóng mát. Nhưng nếu nhìn lại cả tiến trình cây xanh Hà Nội, tôi không nghi ngờ điều ấy. Cái chính là làm sao để người ta không chỉ lo chuyện "xanh nhà", mà còn góp sức "xanh ngõ", "xanh phố"? Ðể làm được điều này, Hà Nội không chỉ ra quân, giao chỉ tiêu như thường lệ, mà còn giám sát, vận động nhân dân trồng, bảo vệ cây. Thế rồi, đến giữa năm 2020, thành phố đã trồng được hơn 1,5 triệu cây xanh. Không chỉ số lượng cây bóng mát vượt mục tiêu đề ra, thành phố còn được phủ xanh bởi không biết bao nhiêu "vườn hoa mi-ni" khắp từ thành thị đến làng quê.

Ðúng vào khoảng thời gian thành phố phát động chương trình trồng một triệu cây xanh, một nhóm bạn trẻ đã cho ra đời mô hình "Biến điểm đổ rác thành vườn hoa" ở phố Trần Bình (quận Cầu Giấy). Mô hình ấy đã "chạm" vào điểm nhạy cảm nhất trong ý thức về môi trường, về cây xanh của người Hà Nội. Người ta yêu cây xanh, và ghét rác thải, nhưng thiếu cách làm để biến tình yêu ấy thành hành động. Chính quyền, các đoàn thể đã "nắm" lấy cơ hội đó triển khai những cuộc vận động. Ðể rồi, từ đó bùng nổ thành một phong trào lan tỏa rộng khắp. 100% các phường trên địa bàn đều có phong trào biến chân rác thành vườn hoa. Những bãi rác "kinh niên" ở nhiều ngõ ngách bị xóa bỏ. Chỉ tính riêng quận Hà Ðông đã có hơn 200 điểm đen về rác được biến thành vườn hoa. Tại quận Ba Ðình, có một vườn hoa được đặt tên rất hay là "Vườn hoa Ðoàn kết" ở tổ dân phố 12, phường Thành Công. Phó Trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ 12 tâm sự: "Vườn hoa có tên Ðoàn kết là vì đã tập hợp được nhiều tổ chức, đoàn thể với người dân đồng lòng tham gia để "dẹp" rác, trồng cây. Từ khi có công trình "Vườn hoa Ðoàn kết", người dân rất phấn khởi. Mỗi buổi sáng thức dậy thấy không khí trong lành hơn". Có thể thấy nét hồ hởi của những bác cựu chiến binh, những chị em phụ nữ, và cả những bạn thanh niên… khi chăm sóc vườn hoa vốn thuộc về nơi "cha chung không ai khóc". Ở nội đô phổ biến mô hình "vườn hoa mi-ni", thì ở ngoại thành, có thể bắt gặp rất nhiều đường hoa… Người dân tự bỏ tiền mua hoa, tự đem hoa của gia đình ra đóng góp vào những vườn hoa chung.

Hà Nội xanh hơn, đẹp hơn dễ thấy nhất ở các tuyến phố. Ðể giải quyết nhu cầu đi lại, nhiều dải phân cách bị thu hẹp. Lẽ thường, cây xanh sẽ ít đi. Nhưng thành phố triển khai trồng cây đa tầng tán. Tầng trên cùng thường là chiêu liêu, bàng lá nhỏ; tầng giữa thường là sang, cọ dầu, ban hoàng hậu, muồng hoàng yến; tầng dưới là cây cảnh khóm như tường vi, dâm bụt; thảm cây thì được bố trí các loại như lài tây, bạch trinh xen lẫn giữa thảm cỏ xanh. Những tuyến phố nội đô như: Hoàng Diệu, Giảng Võ, Kim Mã, Láng Hạ…, vốn trước chỉ có cây bóng mát, dưới chân là lớp gạch bê-tông, thì bây giờ bê-tông bị gỡ đi, những tầng cây khác mọc lên. Ðược trồng đồng bộ nhất là các tuyến phố cửa ngõ Thủ đô, những đoạn đường vành đai mới đưa vào hoạt động trong những năm gần đây như: Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công, Hoàng Sa, Trường Sa… Trong các tuyến phố trồng cây đa tầng tán, thành phố chú trọng những loại cây để làm sao vào tất cả bốn mùa, phố vẫn nở hoa. Nhờ thế, Hà Nội có những "hàng cây tâm hồn" mới. Ðó là lộc vừng trải thảm đỏ mùa hoa rụng trên tuyến Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Bông. Ðó là mầu tím của giống phượng mới trên đường Láng. Ðó là những đường hoa ban, đường hoàng yến... ở các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ…

Quy hoạch chung phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu xây dựng Hà Nội "xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại". Ðể đạt được mục tiêu ấy, nỗ lực của chính quyền là không đủ. Cần có sự chung sức của cộng đồng. Và Hà Nội đang từng bước đi đúng lộ trình ấy. Tình yêu cây xanh vốn là cái "gien" trong mỗi người, được "đánh thức" và gắn với trách nhiệm kiến tạo mầu xanh cho cộng đồng.

Hà Nội còn có một cách làm hay khác. Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội phát động phong trào xây dựng trường học "Xanh - sạch - đẹp - an toàn". Phong trào ấy được triển khai, được đưa vào chấm điểm thi đua. Thầy trò phải bắt tay vào làm thật. Hầu hết các trường đều có những vườn hoa, tiểu cảnh, từ mầm non cho đến trung học phổ thông. Ðến Trường mầm non Việt Hưng (quận Long Biên), ngay từ tường rào, đã thấy đủ loại hoa được trồng trong chai nhựa, lốp xe cũ; hoa ở trong sân, ở cầu thang, ban công… Ðấy là một trong rất nhiều thí dụ về mầu xanh trong trường học.

Tình trạng phá hoại cây xanh vẫn chưa chấm dứt. Vẫn còn tình trạng xây dựng vườn hoa, đường hoa "đầu voi, đuôi chuột"… Song, khi những tâm hồn thơ bé sớm được ươm mầm ý thức sống xanh, thì đó là sự bảo đảm của mầu xanh bền vững trong tương lai.

Theo Nhân Dân

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Sáng 28/3, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội), PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc).