Bức tranh cuối cùng của một họa sĩ Điện Biên

56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, đối mặt với từng khoảnh khắc nóng bỏng nơi mặt trận, người nghệ sĩ - chiến sĩ Phạm Thanh Tâm đã vừa chiến đấu, vừa ghi lại những ký họa ngay trong chiến hào. Ông luôn tâm niệm, phải giữ gìn lịch sử và truyền đến thế hệ sau hơi thở của quá khứ bằng những tác phẩm nghệ thuật.

Điện Biên Phủ 1954, Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ, Pháo cao xạ chiến đấu trên cánh đồng Mường Thanh, Chèn pháo, Đường lên Điện Biên, Sơn pháo 75 ly bắn thẳng, Trên mộ liệt sĩ Điện Biên Phủ, Thời gian khổ, Cô gái Thái ở Điện Biên, Chiến sĩ cao xạ viết thư về hậu phương ngay giữa chiến trường… là những tác phẩm ra đời tại mặt trận, những ký họa chiến trường của ông có sức truyền cảm mạnh mẽ, trở thành niềm tự hào, làm rạng ngời thêm những trang sử vàng Điện Biên Phủ. 

Từng cầm súng và cầm cọ đi suốt chiều dài và sự khốc liệt của hai cuộc chiến tranh vệ quốc, từng có nhiều tác phẩm xuất sắc về hai cuộc kháng chiến này, từng là người họa sĩ quân đội có vinh dự gặp cả Bác Hồ và đại tướng Võ Nguyên Giáp - đó chính là họa sĩ quân đội, đại tá Phạm Thanh Tâm (bút danh Huỳnh Biếc khi tham gia Quân giải phóng miền Nam). Ông cũng là người được đông đảo đồng đội, công chúng yêu hội họa và đồng nghiệp gọi là người họa sĩ  Điện Biên…

Bức tranh cuối cùng của một họa sĩ Điện Biên - 1

Cố hoạ sỹ Phạm Thanh Tâm (1933 - 2019). 

Trước hết, với tư cách người lính, 22 tuổi ông có mặt trong đại đoàn 351 tham gia đánh trận tại Điện Biên Phủ, sống trọn “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt…” Với tư cách một nghệ sĩ, từ thực tế nóng bỏng của mặt trận, ông đã sáng tác nhiều ký họa ngay trong chiến hào và sau này là người họa sĩ sáng tác được nhiều tác phẩm nhất về đề tài Điện Biên Phủ.

Ông đã từng có một triển lãm nghệ thuật riêng về Điện Biên, từng có nhiều tranh đẹp về Điện Biên được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, trong bộ sưu tập tranh của nhiều người nước ngoài… như các bức tranh: Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ, Cảnh nhà sàn Điện Biên Phủ, Thời gian khổ, Cô gái Thái ở Điện Biên

Bức tranh cuối cùng của một họa sĩ Điện Biên - 2

Bức tranh "Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ" của họa sỹ Phạm Thanh Tâm hiên đang được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Tranh của ông (cùng cuốn sách Vẽ dưới lửa đạn) đã được phát hành tại Anh và nhiều nước khác, như nhà báo Buchanan - chủ bút nhật báo Wallstreet và Diễn đàn dự báo quốc tế ghi nhận: “Câu chuyện đầy say mê này đã làm thay đổi toàn bộ những định nghĩa, những hiểu biết biết trước kia của chúng ta về cuộc chiến tranh của dân tộc VN”.

Mùa xuân năm nay, người lính của Điện Biên năm xưa tròn 80 tuổi. Những tưởng ông có thể nghỉ ngơi, thảnh thơi với ấm trà, điếu thuốc… nhưng thật bất ngờ, ông vẫn đang miệt mài sáng tạo nghệ thuật bên một bức tranh sơn dầu khổ lớn về đề tài Điện Biên hào hùng… Vâng, một bức tranh sơn dầu khổ lớn với những người lính trong chiến hào Him Lam đang lắng nghe đồng chí Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 141 phổ biến Nghị quyết của Bộ Tư lệnh mặt trận trước giờ xuất kích đánh trận mở đầu chiến dịch Điện Biên…

Phải ghi nhận, bức tranh thật đẹp, dù người nghệ sĩ sáng tạo đã bước sang tuổi 80 và bàn tay cầm cọ đã có chiếu run rẩy. Nhưng nó vẫn tỏa ra những sắc màu lung linh, giàu cảm xúc, bởi đây là ký ức thiêng liêng của người lính, là dòng chảy nghệ thuật luôn tuôn trào trong tâm hồn ông hàng chục năm nay, là tinh hoa, là cấu tạo của tâm hồn người chiến sĩ - nghệ sĩ Điện Biên vô cùng oanh liệt.

“Đến bây giờ, đề tài người lính, đề tài Điện Biên Phủ… vẫn tràn đầy trong tôi, thậm chí có những lúc, tôi cảm thấy như mình đang mắc nợ với lịch sử khi được là nhân chứng của những sự kiện quan trọng, nhưng vẫn chưa thể hiện được bao nhiêu bằng các tác phẩm hội họa. Điều đó thôi thúc tôi cố gắng cầm cọ vẽ để tiếp tục sáng tác những tác phẩm kể lại cho mai sau về một thời máu lửa đầy hào hùng của dân tộc” - Họa sĩ, chiến sĩ Điện Biên Phủ Phạm Thanh Tâm tâm sự.

“Ngày ấy, tôi là một họa sĩ Điện Biên, và nhiều lần khi đứng bên này đồi, nhìn sang bên kia đồi, tôi rất xúc cảm về những người lính E141 chuẩn bị đánh trận Him lam mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Tôi cũng rất ấn tượng về hình ảnh đồng chí chủ nhiệm chính trị đang đọc thư của Bác Hồ gửi các cán bộ và chiến sĩ chuẩn bị đánh trận Điện Biên và triển khai nghị quyết của trung đoàn trong chiến hào… Những hình ảnh ấy theo tôi hàng chục năm qua, và đã nhiều lần thôi thúc tôi cầm cọ…

Thêm một lần duyên nợ với tôi, là năm 1967, khi tôi được cử vào tham gia chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh với bút danh là Huỳnh Biếc, quân giải phóng miền Nam, tôi lại được biết anh, người chủ nhiệm chính trị đánh trận Him Lam - Điện Biên Phủ nổi tiếng năm xưa, và nay đang là cán bộ phụ trách công tác tuyên huấn - chính trị của mặt trận này - Một chiến dịch được kể như Điện Biên Phủ thứ hai của chúng ta…

Rất tiếc chưa kịp tay bắt mặt mừng sau hàng chục năm gặp lại anh, lại được cùng một mặt trận với anh như ngày nào Điện Biên Phủ, thì tôi bàng hoàng nghe tin anh hy sinh trong một trận B52 rải thảm vào Bộ chỉ huy…

Thương tiếc anh vô ngần..”

*

54 năm sau, khi vào tuổi 80, những ký ức năm xưa đã thôi thúc người họa sĩ tên tuổi này, và ông đã chẳng cầm lòng để lại cầm cọ vẽ bức tranh sơn dầu khổ lớn; Chủ nhiệm chính trị Lê Nam triển khai nghị quyêt chiến dịch tại mặt trận Him Lam, nối tiếp dòng tranh Điện Biên Phủ ngời sáng của ông, đã từng đi vào nhiều bảo tàng mỹ thuật trong và ngoài nước. Nhưng riêng bức tranh này, bức tranh ông nghĩ là tác phẩm mỹ thuật cuối cùng của đời mình, ông đã trao tặng những người con của Trung tá liệt sỹ Lê Nam.

Bức tranh cuối cùng của một họa sĩ Điện Biên - 3

Tôi là người có mặt trong buổi lễ trao tặng bức tranh ấy tại nhà riêng của họa sĩ Phạm Thanh Tâm. Khi trao bức tranh cho những người con của Trung tá liệt sỹ Lê Nam, những dòng nước mắt đầy xúc động đã chảy dài trên gương mặt của ông, và muốn nói một điều gì đó để chia tay tác phẩm cuối cùng của cuộc đời mình, ông đã không thể nói nên lời…

Trương Nguyên Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

TS. Phạm Việt Long, văn nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc

TS. Phạm Việt Long, văn nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc

Tôi đến tư gia thăm nhà văn, TS. Phạm Việt Long sau ngày cơ quan cũ của ông tổ chức ra mắt “Tín ngưỡng thờ mẫu từ góc nhìn văn hóa”, NXB Dân Trí năm 2024. Ông tặng tôi tập sách, hay nói đúng tầm là công trình nghiên cứu này. Sách dày đến gần 600 trang, bìa cứng, trang trọng.