Hành trình “Từ hiện thực đến trừu tượng, từ truyền thống đến hiện đại” của họa sĩ Hùng Khuynh
Với họa sĩ Hùng Khuynh, các sáng tác được lấy cảm hứng từ dân gian thì không gì phù hợp bằng việc thể hiện chúng qua chất liệu sơn mài. Sơn mài không chỉ giúp người họa sĩ bảo tồn tinh hoa nghệ thuật dân gian, mà còn có thể mở rộng giới hạn của nó, đưa nó vào đối thoại với ngôn ngữ hiện đại.
Tổng kết hành trình 40 năm lao động nghệ thuật
Như một sự tổng hợp, chọn lọc những tinh hoa trong toàn bộ sự nghiệp của mình, triển lãm “Bộ sưu tập Sơn mài Hùng Khuynh: Từ hiện thực đến trừu tượng, từ truyền thống đến hiện đại” của họa sĩ Hùng Khuynh gồm 50 tác phẩm sơn mài được sáng tác từ giai đoạn khi ông mới vào nghề cho đến các sáng tác mới ra đời trong những năm gần đây. Triển lãm diễn ra đến ngày 5/10/2024 tại phòng triển lãm Art Space, 42 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Triển lãm thu hút đông đảo công chúng đến tham quan ngay trong ngày đầu khai mạc.
Triển lãm giúp công chúng có thể hình dung một cách rõ nét về chặng đường hoạt động nghệ thuật của họa sĩ Hùng Khuynh, thấy được sự chín muồi trong kỹ thuật, sự thăng hoa của một tư duy nghệ thuật độc đáo.
Đến với triển lãm, người xem sẽ bắt gặp những hình ảnh dân gian quen thuộc của nghệ thuật tuồng, chèo, lễ hội, phong tục, các họa tiết điêu khắc đình, chùa và cả những câu ca dao, hò vè,...
Công chúng tham quan triển lãm.
Một số tác phẩm sơn mài nổi bật của họa sĩ Hùng Khuynh xuất hiện trong triển lãm lần này có thể kể đến như: Cấu trúc xoay vần (2023 – 2024); Xuân về trên rẻo cao (2021 – 2022); Những ngày hội (2020-2022); Nhịp thời gian (2017); Vinh quy (2015); Khát vọng (1999);…
Tuy khai thác chất liệu dân gian nhưng tranh của ông lại không hề xưa cũ, chúng được thể hiện mới mẻ và đầy sáng tạo. Sợi dây giao thoa với hiện đại trong tranh của họa sĩ Hùng Khuynh nằm ở kỹ năng và tư duy của người họa sĩ trường phái “cấu trúc”.
Đến tham quan triển lãm, họa sĩ Thế Hùng chia sẻ, ông vô cùng ấn tượng và cảm phục trước sự đam mê và tài hoa của người bạn đồng nghiệp Hùng Khuynh. Theo họa sĩ Thế Hùng, đây là một diện mạo đáng chú ý của hội họa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Hùng Khuynh đã tạo được bản sắc riêng và gặt hái được nhiều trái ngọt trên con đường nghệ thuật mình đã chọn.
Họa sĩ Thế Hùng (trái) và vợ chồng họa sĩ Hùng Khuynh trong lễ khai mạc triển lãm.
Họa sĩ Hùng Khuynh chia sẻ cảm xúc của mình.
Sáng tạo đề tài dân gian bằng chất liệu thuần túy của dân tộc
Sơn mài là chất liệu truyền thống, đã cùng người Việt Nam ghi dấu lịch sử trong văn hóa và nghệ thuật từ thủa xa xưa đã. Mỗi lớp sơn, mỗi đường nét, mỗi ánh sắc vàng, son, then đều mang trong mình câu chuyện của dân tộc, nhưng cũng phản chiếu sự phức tạp đa chiều của đời sống đương đại.
Sử dụng chất liệu sơn mài với họa sĩ Hùng Khuynh như một hành trình nghệ thuật để tôn vinh, làm tỏa sáng những giá trị văn hóa truyền thống. Sơn mài là nơi ông có thể gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa sự mộc mạc của truyền thống và sự tinh tế của nghệ thuật hiện đại.
“Sơn mài là một chất liệu có tầng tầng ý nghĩa, tạo nên cho người họa sĩ những tư duy về chiều sâu, chiều rộng, xa gần, về cả hiện tại và tương lai. Khi vẽ tranh sơn mài, qua những kỹ thuật phủ, mài và tạo ra những lớp mòn… khiến tôi liên tưởng đến đời sống của chúng ta, ngày qua ngày với biết bao biến đổi. Sơn mài vừa giúp tôi thẩm thấu về chuyên môn đồng thời gợi lên cho tôi nhiều suy tư về đời sống thực tại”, họa sĩ Hùng Khuynh chia sẻ.
Sử dụng chất liệu sơn mài với họa sĩ Hùng Khuynh như một hành trình nghệ thuật để tôn vinh, làm tỏa sáng những giá trị văn hóa truyền thống.
“Từ hiện thực đến trừu tượng, từ truyền thống đến hiện đại” là sự chiêm nghiệm của họa sĩ Hùng Khuynh trong quãng thời gian hoạt động nghệ thuật của mình và đây có thể được xem là triết lý làm nghệ thuật của ông.
Ông cho biết, giống như một người lữ hành đi trên con đường nghệ thuật, người nghệ sĩ sẽ không đi lướt qua những thứ mình nhìn thấy mà họ còn muốn khám phá những ý nghĩa ẩn sâu trong đó. Hiện thực thì ai cũng có thể nhìn thấy nhưng để hiện thực đó nó trở nên có ý nghĩa thì người họa sĩ phải nghiên cứu và không ngừng đào luyện. Họ đi đến trừu tượng rồi lại quay về hiện thực, cứ như vậy, rồi đến một ngày họ sẽ tìm được cái cội nguồn, cái cốt lõi của nghệ thuật.
“Từ truyền thống đến hiện đại” cũng vậy, ông coi nghệ thuật là nhịp cầu nối liền thời gian. Từ cội nguồn dân gian, họa sĩ Hùng Khuynh tìm về với những giá trị văn hóa đã được khắc sâu trong tâm hồn của dân tộc qua bao thế hệ. Với ông, dân gian không chỉ là quá khứ, mà còn là dòng chảy sống động qua từng nét vẽ, từng lớp màu. Và mỗi người nghệ sĩ phải không ngừng rèn luyện, không ngừng sáng tạo để đến một ngày họ nhận ra đi đến tận cùng truyền thống, sẽ gặp hiện đại.
“Với chất liệu sơn mài truyền thống, tôi muốn tạo nên một không gian để sự hòa quyện đó diễn ra, nơi mà nghệ thuật dân gian không chỉ sống lại mà còn được tái sinh trong bối cảnh mới, mở ra những chân trời mới cho sự sáng tạo. Tôi, một người họa sĩ, tựa như kẻ lữ hành giữa những giá trị đó, vừa học hỏi, vừa tiếp thu, để hiểu sâu hơn về bản chất của con người và cuộc sống trong sáng tạo của mình”, họa sĩ bày tỏ.
Các sáng tác của ông cho thấy những chiêm nghiệm sâu sắc về mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại, giữa dân gian và hiện đại.
Nghệ thuật của họa sĩ Hùng Khuynh là hành trình không ngừng nghỉ, ở đó, ông tìm kiếm, khám phá và tìm cách chuyển hóa cái hữu hình thành vô hình, cái cụ thể thành cái trừu tượng. Ở đó, ông chiêm nghiệm sâu sắc về mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại, giữa dân gian và hiện đại.
Một số tác phẩm được trưng bày tại triển lãm:
Tác phẩm "Nhịp thời gian" (2017)
Tác phẩm "Xuân về trên rẻo cao" (2021 – 2022).
Tác phẩm "Những tố nữ" (2008).
Tác phẩm "Cấu trúc xoay vần" (2023 – 2024).
Tác phẩm "Cô gái với cây vĩ cầm" (2008).
Tác phẩm "Rối nước" (2015).
Tác phẩm "Dòng giống tiên rồng" (2020).
Tác phẩm "Hát chèo" (2005).
Tác phẩm "Khát vọng" (1999).
Tác phẩm "Tứ nữ hội làng" (2015).
Họa sĩ Hùng Khuynh sinh năm 1954 tại Hải Hậu, Nam Định, là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam khóa 1979-1984. Trong 40 năm hoạt động nghệ thuật ông đã giành nhiều giải thưởng và tham gia một số các triển lãm trong nước và quốc tế. Giải thưởng: - Giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô, 1982 - Giải thưởng Hội mỹ thuật Việt Nam, 1994 - Giải thưởng “Huy chương Bạc” Mỹ thuật Toàn quốc, 1995 - Giải thưởng mỹ thuật ASIAN, 2000 Triển lãm: - Triển lãm mỹ thuật Toàn quốc – Hà Nội, 1980, 1985, 1990, 1995, 2000, 2005, 2010, 2015, 2020 - Triển lãm Đồ họa thường niên – Bungary, 1985; Hungary, 1986; Tiệp Khắc, 1987 - Triển lãm Mỹ thuật Châu Á–Thái Bình Dương – Moscow, 1989 - Tham dự giải Quốc tế đồ họa – Nhật Bản, 1991 - Triển lãm cá nhân – Huế, 1992 - Triển lãm cá nhân – TP. Hồ Chí Minh, 1993 - Triển lãm cá nhân – Hà Nội, 1994 - Triển lãm cá nhân – 16 Ngô Quyền, Hà Nội, 1996 - Triển lãm mỹ thuật ASIAN – Hà Nội, 1998, 2000 - Triển lãm tranh sơn dầu Việt Nam – Bắc Kinh, 1999 - Triển lãm tranh sơn mài Việt Nam – Bắc Kinh, 2000 - Triển lãm tranh sơn dầu Việt Nam – Hàn Quốc, 2001 - Triển lãm tranh sơn mài Việt Nam “Đối thoại giữa các nền văn minh” – Trụ sở Liên Hợp Quốc, Geneve, 2002 - Triển lãm tranh sơn mài cá nhân – Hà Nội, 2004 - Triển lãm tranh sơn mài Toàn quốc Chào mừng Hội nghị APEC – Hà Nội, 2006 - Triển lãm tranh sơn mài Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội – Hà Nội, 2010-2011 - Triển lãm Bộ sưu tập tranh sơn mài Hùng Khuynh: Từ Hiện thực đến Trừu tượng, từ Truyền thống đến Hiện đại, 2024 – Art Space, Đại học Mỹ Thuật Việt Nam, Hà Nội, 2024. |
Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Cây đại thụ của nền âm nhạc đương đại Việt Nam, đã để...
Bình luận