Khôi phục làng nghề truyền thống Gốm Đồng Nai: Bài toán khó nhưng cần lời giải gấp

Gần 100 năm trước, năm 1925, sản phẩm gốm Biên Hòa (Đồng Nai) đã được Chính phủ Pháp tặng bằng khen danh dự tối ưu và Ban tổ chức triển lãm tặng Huy chương Vàng. Nhưng rồi quy mô sản xuất sút giảm, nhiều làng nghề bị mất dạng… Hiện Gốm Đồng Nai đang trăn trở với công việc phục hồi.

Một thời vang bóng

Làng nghề gốm Đồng Nai truyền thống nằm ở vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Ra đời khoảng đầu thế kỷ XX, gốm Đồng Nai ngoài kỹ thuật chế tác bắt nguồn từ gốm bản địa, còn tiếp thu kỹ thuật tạo tác từ gốm Cây Mai (Sài Gòn) và kỹ thuật làm gốm của người Hoa từ sau năm 1679, tạo nên một dòng gốm đặc sắc.

Đặc biệt, từ khi Trường Bá nghệ Biên Hòa được thành lập vào năm 1903, dưới sự hỗ trợ của các chuyên viên người Pháp, việc sản xuất gốm đã theo quy trình sản xuất khoa học chuyên nghiệp. Gốm mỹ nghệ được đem đi dự triển lãm quốc tế và giành được nhiều huy chương vàng tại Paris (1925,1933), Indonesia (1934), Bangkok (1955)...

Từ khi Nhà nước có chính sách đổi mới, có chủ trương phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp làng gốm phát triển mạnh. Hiện có hơn 100 cơ sở sản xuất, trong đó Công ty gốm Việt Thành là doanh nghiệp Nhà nước. Các cơ sở tập trung tại các phường Tân Vận, Bửu Hoà, hai xã Tân Thạnh và Hoá An...

Năm 2000, làng gốm mỹ nghệ Biên Hòa có hơn 300 cơ sở làm nghề với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 5 triệu USD/năm. Sản phẩm Gốm Đồng Nai chiếm lĩnh nhiều thị phần tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và đã xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á và Châu Âu.

Khôi phục làng nghề truyền thống Gốm Đồng Nai: Bài toán khó nhưng cần lời giải gấp - 1

Nghệ nhân Gốm Đồng Nai 

Trong hơn một thế kỷ phát triển Gốm Đồng Nai không chỉ là một giá trị văn hóa mang tính biểu tượng mà còn là nghề đã nuôi sống nhiều thế hệ cư dân nơi đây. Song hiện tại làng nghề này đang ngày càng teo tóp dần, thợ và các nghệ nhân làm gốm giảm vì nghề gốm không làm cho đời sống của họ được cải thiện khi mà các ngành nghề công nghiệp khác với mức thu nhập cao, lao động giản đơn hơn đang áp đảo.

Cạnh đó, do những khó khăn về thị trường, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như sự chậm trễ trong cơ chế chính sách đang khiến nghề gốm truyền thống phải đối mặt với không ít những thách thức khó khăn. Nghệ nhân Huỳnh Anh Dũng (xã Tân Thạnh) cho biết thêm: khoảng chục năm gần đây nghề gốm suy giảm mạnh. Nguyên nhân chính là nguyên liệu sản xuất là đất sét cao lanh, đất đen. Các lò nung gốm nằm trong khu dân cư không được đốt bằng củi khi chuyển qua đốt bằng gas… tất cả làm cho giá thành sản phẩm tăng cao.

Ông Nguyễn Viết Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai cũng chia sẻ một nguyên nhân khác, Theo đó, việc di dời cơ sở sản xuất để đảm bảo môi trường gặp nhiều thủ tục rườm rà, hỗ trợ vốn không đủ để đầu tư nhà xưởng mới nên hơn 60% cơ sở gốm đã đóng cửa. Hiện chỉ còn chưa đầy 40 cơ sở với doanh thu xuất khẩu đạt chưa đầy 1 triệu USD…

Khi nhà nước và nhân dân cùng vào cuộc

Nghề gốm mỹ nghệ được xem là một nghề truyền thống ở Đồng Nai, nó không chỉ là sản phẩm đời sống thông thường mà còn là một sản phẩm văn hóa. Xác định được giá trị của nghề truyền thống này, UBND tỉnh Đồng Nai đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cấp tập trung mục tiêu khôi phục nó. Trước hết là Quyết định số 783/QĐ-UBND, Quyết định này công nhận nghề Gốm mỹ nghệ Đồng Nai là nghề truyền thống đồng thời quy định một số nội dung hỗ trợ di dời, bảo tồn và phát triển các cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bằng vốn ngân sách.

Tỉnh cũng xây dựng triển khai đề án khôi phục và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống rất khoa học. Từ năm 2018, hội thảo “Bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” đã được tổ chức. Với 15 báo cáo khoa học, hội thảo đã chỉ ra các giải pháp bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Bản thân các lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng quan tâm tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các làng gốm, đích thân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã trực tiếp tới tận cơ sở và và chỉ đạo những nội dung cụ thể.

Khôi phục làng nghề truyền thống Gốm Đồng Nai: Bài toán khó nhưng cần lời giải gấp - 2

Sản phẩm Gốm Đồng Nai 

Cùng với Nhà nước là rất nhiều các nghệ nhân, các chủ doanh nghiệp không vội vàng giã từ nghề, trái lại vẫn lưu trong mình ngọn lửa gốm cháy mãi. Có thể kể đến tấm gương của ông Mai Thanh Xin người thành lập nên Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu Gốm Biên Hòa. Ông đã bỏ thời gian công sức tiền bạc từ Nam ra Bắc tham gia các sự kiện liên quian đến gốm. Đồng thời không ngừng tìm kiếm khách hàng, mở rộng các kênh phân phối trên toàn quốc với khát vọng làm "sống" lại hào quang một thời của dòng gốm cổ. Đó cũng là ông La Vĩnh Hưng, 61 tuổi, một nghệ nhân gạo cội ở lò gốm Phong Sơn nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Tân Vạn, Thành phố Biên Hòa sống chết với nghề dù cả lò chỉ còn lại 4 anh em chung ý chí…

Nhà nước đã đầu tư, những thợ gốm lành nghề vẫn luôn giữ ngọn lửa lò nung cháy mãi… nhưng câu chuyện phục hưng gốm Đồng Nai trở lại thời huy hoàng vẫn còn là bài toán chưa thể giải ngay.

Vẫn cần có những giải pháp khả thi

Gốm mỹ nghệ Đồng Nai là sự kết hợp giữa nghệ thuật gốm Pháp và gốm cổ truyền Việt, là sự kết tinh của kinh nghiệm điêu luyện làm gốm thủ công với kỹ thuật hiện đại của công nghệ Pháp. Phục hưng nghề gốm là trách nhiệm nghĩa vụ của nhiều cơ quan đơn vị và cư dân làm gốm.

Đối với chính quyền và hệ thống chính trị cơ sở: Cần xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho các làng nghề. Nhà nước cần tạo môi trường pháp lý ổn định, khuyến khích và động viên các chủ doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn vào phát triển ngành nghề, dịch vụ. Chính sách phát triển gắn với bảo vệ môi trường và kết hợp phát triển du lịch; theo đó sản phẩm gốm cần chuyển nhanh sang theo hướng sản xuất sạch. Bên cạnh đó rất cần tới việc xây dựng làng nghề sinh thái, điểm hấp dẫn du khách đến thăm quan, mua sắm, trở thành địa danh du lịch của tỉnh Đồng Nai.

Về hoạt động marketing và tiêu thụ sản phẩm cần cải tiến, sao cho Gốm Đồng Nai được tiêu thụ thông qua mạng lưới phân phối gồm cửa hàng, đại lý tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc và quảng bá trên thế giới. Tích cực tạo điều kiện để mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trên cơ sở ký kết các hợp đồng buôn bán nhằm tạo ra một thị trường có tính chất lâu dài và ổn định. Mở rộng hệ thống thông tin kinh tế, đặc biệt là thông tin thị trường, giá cả nhằm giúp các cơ sở sản xuất xử lý thông tin thị trường.

Để chiếm lĩnh thị trường, Gốm Đồng Nai cần tạo ra dòng sản phẩm khác biệt với các làng gốm khác dựa trên tinh hoa của gốm Đồng Nai nhưng đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng. Việc công nghiệp hóa hàng loạt sản phẩm cần kết hợp với sản xuất thủ công vì chính các sản phẩm thủ công tạo ra phong cách “độc lạ” và “duy nhất” dễ thu hút được khách hàng cao cấp. Đây cũng chính là kinh nghiệm mà các nghệ nhân Nhật Bản phổ biến cho làng nghề Phù Lãng (Bắc Ninh).

Quan trọng và quyết định nhất là công tác đào tạo nghề được nâng cao hơn một bước. Làm được điều này bên cạnh sự nỗ lực của các làng nghề thì cần có sự quan tâm hỗ trợ của UBND tỉnh, các sở ban ngành chức năng. Nên có chính sách, cơ chế tuyển chọn và đào tạo, truyền dạy kỹ thuật, nhằm tạo ra những tay thợ đầu đàn trong các lò gốm gia đình. Trong quá trình đào tạo, người học nghề cần có hỗ trợ về tài chính bằng ngân sách nhà nước hoặc nguồn tài trợ khác bằng các chương trình liên kết từ các tổ chức xã hội trong và ngoài nước.

Nguyễn Văn Mạnh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Trưng bày “Quà tặng của nhân gian”: Hội tụ nhiều nghệ nhân cùng những sáng tạo độc đáo

Trưng bày “Quà tặng của nhân gian”: Hội tụ nhiều nghệ nhân cùng những sáng tạo độc đáo

Với mong muốn gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống của các làng nghề Việt Nam và tôn vinh sự sáng tạo, tài hoa của các nghệ nhân, Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp cùng Công ty TNHH Việt Mốt tổ chức trưng bày với chủ đề “Quà tặng của nhân gian”.