Ngồi nhà mua bán tranh

Trong xu thế chuyển đổi công nghệ số diễn ra mạnh mẽ, vài năm trở lại đây, bên cạnh các phòng triển lãm, không gian trưng bày, gallery truyền thống, giới nghệ sĩ còn có thêm kênh giới thiệu tác phẩm mỹ thuật trên không gian mạng.

Đây là cơ hội rộng mở cho nghệ sĩ kết nối, tương tác và giới thiệu tác phẩm, tạo nền tảng tốt giúp thị trường nghệ thuật phát triển. Bên cạnh cơ hội lớn thì cũng có rất nhiều rủi ro. Trong đó phải kể đến vấn nạn tranh giả, tranh sao chép, tranh nhái và những lo ngại về việc nếu cứ chạy theo xu hướng thương mại hóa tác phẩm mỹ thuật có thể khiến họa sĩ khó đạt đến những tác phẩm có tính nghệ thuật đỉnh cao. 

Mua bán tranh trực tuyến đang là cách thức được nhiều người yêu thích nghệ thuật chọn lựa.Không chỉ cá nhân mà nhiều nhóm và cộng đồng trên mạng xã hội cũng đã được thành lập, hội tụ hàng chục nghìn thành viên gồm cả nghệ sĩ và người yêu nghệ thuật, nhà sưu tập... đưa mỹ thuật trở nên gần gũi hơn với công chúng. Thị trường mua bán tranh trực tuyến đang diễn ra sôi động như thế nào? Đây sẽ là nội dung kỳ 1 trong loạt phóng sự “Thị trường tranh trực tuyến: Có phải cứ bán được nhiều là tốt? với nhan đề “Ngồi nhà mua bán tranh”.

Ngồi nhà mua bán tranh - 1 Các sàn giao dịch trực tuyến giúp kết nối nghệ sĩ và nhà sưu tập. Ảnh: Ng. Phương Mua nhanh – bán tiện 

Lướt qua các trang mạng, không khó để tìm thấy những phiên chợ tranh trong thế giới số như "All about Art and Artist" (hơn 80 nghìn thành viên theo dõi), "Vietnam Art space" (hơn 40 nghìn thành viên), "Vietnam Art now "(hơn 10 nghìn thành viên)... Những bức tranh mới sáng tác, thông tin về triển lãm, giao lưu, tọa đàm hay thảo luận về vấn đề thời sự chuyên ngành hội họa đều có thể tìm thấy trên các diễn đàn này. Các thành viên được tự do bày tỏ quan điểm về một vấn đề hay tác phẩm nào đó cũng như chia sẻ công khai tác phẩm chưa khô màu. Công chúng và nhà sưu tập tranh dễ dàng lựa chọn những tác phẩm ưng ý bởi sự đa dạng chất liệu, phong cách, đề tài...

Anh Vũ Hồng Cương, Trưởng Khoa Nội thất và mỹ thuật công nghiệp, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nhận định: “Việc kinh doanh hay giới thiệu quảng bá tác phẩm nghệ thuật bằng online hay mạng internet là xu hướng tất yếu. Đây là cơ hội tốt để làm sao nghệ thuật đến được rộng nhất thậm chí cả với người tưởng chừng không hề quan tâm đến nghệ thuật cũng có thể người ta sẽ được lôi cuốn hấp dẫn bằng cái nhanh, rộng của phương tiện online”.

Với xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, mức độ phổ cập người dùng internet trên toàn cầu (ở nước ta có hơn 60% dân số sử dụng internet) phương thức kinh doanh tác phẩm nghệ thuật thông qua các kênh online đang mở ra cơ hội phát triển lớn. 

Không cần phải đi đến trực tiếp những gallery hay không gian sáng tạo của các họa sĩ, giờ đây, chỉ bằng một cú click chuột là những người có nhu cầu tìm hiểu thị trường mỹ thuật như chị Phạm Quỳnh Hoa ở quận Tây Hồ, Hà Nội đã thấy hàng loạt tác phẩm nghệ thuật hiện ra trước mắt. Với chị, mua tranh trên mạng đã và sẽ là một cách thức hữu hiệu trong việc sở hữu một tác phẩm mỹ thuật trong nhịp sống hiện đại, tiết tấu công việc nhanh và con người bận rộn như hiện nay. Có thểcó những bức tranh nhìn thấy thích thì chị mình mua luôn chứ không nhất thiết là phải bắt buộc mua của họa sĩ nào, không cần là tranh của những họa sĩ có tên tuổi.

Trong các nền tảng internet thì mạng xã hội Facebook thực sự phát huy tác dụng khi giúp được các họa sĩ Việt giới thiệu tranh của mình một cách nhanh nhất đến với công chúng. Đặc biệt đối với các họa sĩ chưa bao giờ có triển lãm hoặc sống tại các vùng sâu vùng xa. Kênh online giúp xóa nhòa về khoảng cách địa lý, thời gian, giúp nhà sưu tập Lê Thu An ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) mua được bức tranh của họa sĩ ở tận Đắc Lăk nhanh chóng và tiện dụng: “Có trường hợp của bạn Nguyễn Thị Dung, ở Đắc Lắc là tôi có mua qua online. Hoàn toàn là nhìn qua mạng, qua chuyển khoản tới họa sĩ và họa sĩ chuyển tranh về cho mình. Bức tranh đó giống như những gì mình tưởng tượng và xem trên mạng. Tôi ngắm các tác phẩm của họa sĩ từ trước đến giờ, cả một quá trình và thấy rằng có cảm thụ được một số tác phẩm của bạn ấy. Thấy thích thì là tôi lựa chọn” – chị Lê Thu An chia sẻ.

Những bức tranh được mua - bán diễn ra như một buổi đấu giá online. Nhiều họa sĩ đã tìm được cho mình những nhà sưu tập. Ban đầu, việc đưa tác phẩm lên mạng chỉ để chia sẻ nhưng khá bất ngờ khi nhiều người vào xem và hỏi mua, việc mua bán cũng nhanh chóng, dễ dàng. Cũng như nhiều họa sĩ khác, khi vẽ xong tác phẩm, họa sĩ Hồng Huyên rất thích đăng tranh lên mạng để quảng cáo và nhận sự góp ý của đồng nghiệp. Dù bán được hay không thì đó cũng là sự động viên, cổ vũ trong sáng tác. Còn theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Anh Tuấn, trước đây, bất cứ họa sĩ nào muốn đưa tranh đến công chúng đều phải thông qua hệ thống nhà triển lãm hoặc có người nào đó lọt vào con mắt của nhà sưu tập hay của các gallery thì mới có cơ hội giới thiệu tranh. Nay với nền tảng công nghệ internet giúp cho người yêu mến nghệ thuật tiếp cận gần hơn với các tác phẩm và người nghệ sĩ cũng có cơ hội đem tác phẩm đến gần hơn với mọi người.

Cơ hội kết nối cho họa sĩ trẻ

Không thể phủ nhận giá trị thực sự của mạng xã hội khi nó phát huy được năng lượng tích cực, giúp cho họa sĩ trẻ, mới sáng tác giới thiệu tranh của họ một cách nhanh nhất đến với công chúng. Nhiều họa sĩ chưa danh tiếng đã tự tin hẳn khi thấy tác phẩm của mình được đón nhận trên mạng. Chợ tranh online chính là nơi cho các họa sĩ chưa có triển lãm hoặc không có điều kiện trưng bày tác phẩm của mình ở các thành phố lớn đến gần hơn với người yêu mỹ thuật như chia sẻ của họa sĩ Lê Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nghệ sĩ trẻ (Hội Mỹ thuật Việt Nam): “Tôi cũng tham gia đăng tranh và theo dõi thường xuyên để biết được thị trường tranh như thế nào. Trong thời đại công nghệ số thì các nghệ sĩ có thể giới thiệu tiếp cận được nhiều với công chúng. Đấy là một cách để nghệ sĩ khẳng định tên tuổi của mình. Là một nghệ sĩ trẻ tôi mong muốn nhiều hơn sự quan tâm đến nghệ thuật của khán giả”.

Thị trường mỹ thuật online đang dần sôi động. Đặc biệt, trong đợt dịch covid, kênh online phát huy hiệu quả trong việc thực hiện các dự án xã hội qua triển lãm và đấu giá online. Theo họa sĩ Phạm Hà Hải, đây là điều mà các gallery truyền thống khó có thể thực hiện được, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội: “Rõ ràng khi mà giãn cách thì online giúp cho chúng ta kết nối được với nhau. Kết nối giữa các nghệ sĩ với chương trình, chương trình với người chơi tranh hoặc là mua tranh ủng hộ. Online rất hiệu quả”.

Sự phát triển của internet đã làm thay đổi rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, trong đó có mỹ thuật. Nếu như trước đây, người yêu hội họa tiếp cận tác phẩm qua các cuộc triển lãm thì ngày nay mọi việc trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn nhờ kênh online. Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường mua bán tranh trực tuyến đã góp phần đưa mỹ thuật trở nên gần gũi hơn với công chúng thông qua những cách thức mới mẻ, hiện đại và hấp dẫn. 

Song hành với các phòng tranh truyền thống, sự xuất hiện của các trang bán tranh trực tuyến trên mạng như là một tín hiệu vui khi thị trường mỹ thuật Việt Nam kịp thời bắt nhịp và hòa nhập với xu thế phát triển chung của thế giới. Tuy nhiên, hoạt động của thị trường mua bán tranh online vẫn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Nội dung này sẽ được đề cập trong kỳ 2 trong loạt phóng sự “Thị trường tranh trực tuyến: Có phải cứ bán được nhiều là tốt?”, với nhan đề “Mặt trái của thị trường tranh trực tuyến”.

Theo VOV

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Sau 8 năm kể từ ngày công diễn vở opera Lá đỏ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trở lại ấn tượng với opera Vầng trăng Him Lam, tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 – 2025.