Người nghệ sĩ “Phải khác” đã đi guốc mộc về với thiên đường

NSND Lê Huy Quang - cộng tác viên thân thiết của Thời báo Văn học nghệ thuật - đã qua đời vào hồi 21 giờ 30 phút ngày 21 tháng 8 năm 2023 (tức ngày 6 tháng 7 năm Quý Mão), hưởng thọ 77 tuổi.

"Cuộc đời. Ai nhớ. Ai quên? Nhưng mà phải khác mới nên chữ người" - đó là lời tuyên ngôn cho lẽ sống và cho cả cuộc đời lao động nghệ thuật không mệt mỏi của NSND, họa sĩ, nhà thơ Lê Huy Quang.

Người nghệ sĩ “Phải khác” đã đi guốc mộc về với thiên đường - 1

NSND Lê Huy Quang. (Ảnh: NSNA Hoàng Kim Đáng)

Trước khi rời cõi tạm, NSND Lê Huy Quang vẫn lao động miệt mài trên cánh đồng nghệ thuật. Ông là Thư ký Tòa soạn Tạp chí Âm nhạc Việt Nam (Hội Nhạc sĩ Việt Nam); Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Mỹ thuật Ứng dụng (Hội Mỹ thuật Việt Nam). Ông là hội viên Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Hội Nhà văn, Hội Nhà báo Việt Nam; Hội viên ba Hội Mỹ thuật, sân khấu và Nhà văn Hà Nội.

NSND Lê Huy Quang cũng dành tình cảm đặc biệt cho Thời báo Văn học nghệ thuật, ngay từ những ngày báo mới thành lập cho đến nay, trong vai trò cố vấn mỹ thuật, ông đảm nhiệm vẽ minh họa cho tất cả truyện ngắn của báo.

Người nghệ sĩ “Phải khác” đã đi guốc mộc về với thiên đường - 2

NSND Lê Huy Quang (thứ hai từ phải qua) nhận bằng khen vì những đóng góp to lớn cho sự phát triển của Thời báo Văn học nghệ thuật.

Vẫn tóc dài, vẫn nhẫn bạc, vẫn guốc mộc,… NSND Lê Huy Quang vẫn mãi ở lại trong ký ức của giới văn chương với hình ảnh một con người “phải khác”, “rất khác”, một nghệ sĩ đa tài với tâm niệm: “Mọi danh lợi ở đời chỉ là thứ hào nhoáng bên ngoài, tác phẩm nghệ thuật mới là thứ còn lại với thời gian”.

Ông thường tự nhận mình là “gã nhà quê xứ Nghệ” nhưng với gia tài trên 300 vở diễn của các thể loại từ tuồng, chèo, kịch dân ca, cải lương, cho đến kịch nói, múa rối, xiếc và ca múa nhạc trên cả nước, hàng chục giải thưởng về hội họa, đồ họa, trang trí sân khấu và thơ ca,… người ta thấy ông không “nhà quê” chút nào mà ông đích thị là một “tay chơi” có tiếng trong giới văn nghệ - một người nghệ sĩ đa tài với cá tính đặc biệt.

NSND Lê Huy Quang sinh 12/11/947, tốt nghiệp lớp Trung cấp và Cao đẳng Mỹ thuật trường Nghệ thuật Hà Nội khóa 1966-1973, tốt nghiệp Đại học Sân khấu - Điện ảnh năm 1982.

Quê cha ở Thạch Hà (Hà Tĩnh), nhưng ông lại được sinh ra và lớn lên ở quê mẹ Đô Lương (Nghệ An). Trong suốt nửa thế kỷ qua, NSND Lê Huy Quang sống và làm việc tại Thủ đô.

Cha ông từng là nghệ nhân tuồng cổ, nên ngay từ thuở nhỏ ông đã bị mê hoặc không gian của sân khấu tuồng. Và sự nghiệp của Lê Huy Quang cũng bắt đầu từ nghệ thuật tuồng truyền thống Việt Nam, ông đã gắn bó với Nhà hát Tuồng trong suốt ba mươi năm với bề dày thiết kế mỹ thuật sân khấu dân tộc.

Từ năm 1976, Lê Huy Quang làm báo, bắt đầu với Tạp chí Sân khấu. Đầu những năm 70 của thế kỷ XX, ông đã trở thành họa sỹ thiết kế mỹ thuật Nhà hát Tuồng Việt Nam, thực hiện ước mơ thời thơ bé của mình. Dường như ông sinh ra để làm nghệ thuật, ông đa tài trên mọi lĩnh vực.

Dọc dài theo suốt những năm tháng cuộc đời mình, ông vẽ để giải tỏa cảm xúc, vẽ như chơi, vẽ cho chính mình. Nhưng bằng cách riêng, các bức vẽ của ông đã để lại một dấu ấn rất riêng trong lòng công chúng. Ông đã vẽ minh họa cho hàng chục tờ báo: Báo Văn nghệ, Văn nghệ Trẻ, Văn nghệ Công an, Thời báo Văn học Nghệ thuật, Báo Lao động Xã hội, Báo Đại đoàn kết, Tạp chí Người Hà Nội, Tạp chí sân khấu, Tạp chí Văn hóa quân sự, NXB Kim Đồng….

Người nghệ sĩ “Phải khác” đã đi guốc mộc về với thiên đường - 3

Một số tranh minh họa của NSND, họa sĩ Lê Huy Quang trưng bày tại triển lãm “Nghệ thuật minh họa báo chí xuất bản Việt Nam 2023”. (Ảnh: Huyền Thương)

Với nhiều năm lăn lộn trong hậu trường và cánh gà sân khấu: “Sân khấu vui buồn tình yêu say đắm / Nước mắt nụ cười đều hóa Nhân Gian”, được “sống” cùng sân khấu và từ đó có những trải nghiệm về quá trình sáng tạo nghệ thuật từ chính lao động của bản thân trên sàn diễn, ông đã có nhiều bài viết – những suy nghĩ của riêng mình – về văn học, nghệ thuật.

Người nghệ sĩ “Phải khác” đã đi guốc mộc về với thiên đường - 4

Một tác phẩm viết về sân khấu của NSND Lê Huy Quang.

Trong số 300 vở diễn ông từng thiết kế mỹ thuật, thì có tới gần 100 vở tuồng của các nhà hát tuồng trong Nam ngoài Bắc, trong đó có thể kể ra đây những vở nổi tiếng một thời của Nhà hát Tuồng Việt Nam như “Lý Chiêu Hoàng”, “Nghêu Sò Ốc Hến”, “Hoàng hôn đen”, “Chu Văn An”, “Thánh Gióng”, “Ôtenlô”, “Ơđíp làm vua”… 

Ông còn là một nhà thơ đầy cá tính với những cách tân ồn ào dư luận một thời. Ông đi tìm cho mình một lối thơ lạ giữa muôn ngàn cái mới đã có. Đặc biệt là “Phải khác”- tên bài thơ cũng đồng thời là tên tập thơ dày dặn gồm 108 bài của Lê Huy Quang (NXB Hội Nhà văn, 2009) viết từ những năm 1968 với những “cách tân” độc đáo, thể hiện rõ cái phong cách nghệ thuật rất riêng của ông.

Với tư cách là một người làm báo, ông đã viết hàng trăm bài báo, để phản ánh nhiều mặt của cuộc sống với góc nhìn riêng của một nghệ sĩ – về những gì là tốt đẹp nhất cũng như những mảng tối của nó. Trong bài thơ “Nghề báo” NSND Lê Huy Quang quan niệm:

Không uốn cong ngòi bút

Quỵ lụy trước đồng tiền

Một tấm lòng trung thực

Vì hạnh phúc nhân dân…

Thật sự hiếm có một NSND lại là Hội viên của đồng thời 4 Hội như ông. Về chặng đường hoạt động nghệ thuật của mình NSND Lê Huy Quang từng tâm sự: "Hội họa cho tôi trí tuệ, lý trí; thơ cho tâm hồn bay bổng, trữ tình; sân khấu - loại hình nghệ thuật tổng hợp - cho tôi một cái nhìn đầy đủ về cuộc sống, cái đẹp, cùng những nhân vật của xã hội; công việc làm báo cho tôi tính chính xác, cẩn trọng, bình tĩnh với tư cách của một công dân. Tất cả công việc tôi làm quy tụ lại chỉ ở hai phương tiện: bút lông và bút sắt. Tôi hình như sinh ra để yêu nghệ thuật và làm nghệ thuật".

Với trên 20 Giải thưởng, Huy chương Vàng, Bạc về mỹ thuật sân khấu, hội họa, đồ họa, minh họa, bìa sách và thơ ca; Lê Huy Quang đã khẳng định mình trong lòng đồng nghiệp, bạn bè và khán giả.

Nhà văn Phùng Văn Khai từng viết về ông: “Cuộc sống là cuộc sống. Cũng như Lê Huy Quang là Lê Huy Quang. Anh dẫu guốc mộc phong sương vẫn phải thực thi công việc đời giao cho mình. Những niềm riêng cất riêng vào một góc. Còn những sự chung vẫn phải lao động đến tận cùng. Đó là thuận theo lẽ phải trong cuộc sống”.

Theo thông tin từ gia đình, lễ viếng được cử hành từ 9:00 sáng đến 10:00 sáng vào thứ 5, ngày 24 tháng 8 năm 2023 (tức ngày 9 tháng 7 năm Quý Mão), tại Nhà Tang Lễ Quốc Gia – Bộ Quốc Phòng số 5 Trần Thánh Tông, phường Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng Hà Nội. Lễ truy điệu lúc 10:00 sáng cùng ngày.

Lễ an táng được tổ chức cùng ngày tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên, Hòa Bình.

Huyền Thương (tổng hợp)

Tin liên quan

Tin mới nhất