Nỗi đam mê và trong bụi gai có hoa hồng
Tôi khá bất ngờ khi thấy anh Trương Văn Thuận đến thăm và mời đến tham quan Gallery mang tên Bình Minh nằm trên một con đường khá lịch lãm của quận 3 (29A Ngô Thời Nhiệm). Và tôi lại càng thêm bất ngờ khi thấy trong phòng tranh này quy tụ khá nhiều tên tuổi hội họa từ Nam chí Bắc, trong đó có những bức tranh quý của lớp người từ thời Mỹ thuật Đông Dương, như Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái; những cây cọ đã qua kháng chiến như Lưu Công Nhân, Mai Long, Trần Lưu Hậu; những tên tuổi thuộc lớp hàng đầu ở Sài Gòn như Văn Đen, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm, Đinh Cường...
Anh Thuận cho biết, anh đã mê tranh từ khi còn ngồi dưới giảng đường đại học, những bức vẽ nhiều màu sắc, từ chân dung, phong cảnh, ẩn dụ cho đến lập thể, trừu tượng luôn gợi trong đầu anh những ý niệm về cuộc sống muôn màu của thế giới, thôi thúc anh phải tìm tòi, khám phá.
Ông Trương Văn Thuận, chủ Gallery Bình Minh
Mặc dù là cán bộ công an, trong một thời gian khá dài trải qua hết công tác trinh sát đến điều tra, và những tháng ngày sau này cắm cúi ngồi trên bàn viết, nhưng anh Thuận vẫn không quên dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về lĩnh vực này. Năm 1990, anh bắt đầu sưu tập tranh, mua những họa phẩm của các tên tuổi mình yêu thích và vừa với túi tiền, ở thời điểm đó, nhiều họa sĩ nổi tiếng trong nước vẫn còn sáng tác và sản phẩm văn hóa này cũng còn ở mức chưa đắt đỏ lắm.
Bất cứ loại hình mỹ thuật nào, người sưu tập ngoài sự hiểu biết và đam mê, còn phải có tài chính, nhưng có người đã tích tiểu thành đại, chịu khó giao lưu, trao đổi, theo thời gian dần tích lũy được một "kho tàng" mà từ cái thuở ban đầu không hề dám nghĩ tới. Sau ngày về hưu, năm 2017, anh Thuận lấy số vốn từ bộ sưu tập ra mở phòng tranh, không chỉ kinh doanh để có thu nhập, mà còn tạo ra sân chơi để nâng cao thú vui tao nhã của mình, đồng thời thu hút "tao nhân, mặc khách", một địa chỉ sinh hoạt văn hóa đáng yêu của các nghệ sĩ tài danh cả nước.
Đạo diễn, nhà văn Xuân Phượng (giữa) tới thăm Gallery Bình Minh
Tranh được xếp vào "đệ nhị thanh tao" (nhất chữ) từ thuở xa xưa và ngày càng được những người hiểu biết, yêu thích tôn vinh. Giá trị của nó luôn tăng theo thời gian, những họa sĩ tài danh được quý trọng không thua kém bất cứ nhân vật nào trong lịch sử và hiện đại. Trong khoảng hai thập niên trở lại đây, khi thế giới nhận ra những nét cọ tài hoa, những độ sâu trong phản ánh cuộc sống của một xã hội có bề dày lịch sử và văn hóa, các họa phẩm của Việt Nam ngày càng có trọng lượng trong những cuộc đấu giá do những công ty lừng danh như Sotheby's, Christie's (Anh), Lã Vọng (Hồng Kông)... tổ chức.
Từ vị trí ít được quan tâm, tác phẩm của những tên tuổi Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí... đã nâng tầm lên mức hàng triệu đôla. Giá tranh trong nước đang dần nâng lên, mặc dù chưa xứng đáng với "mặt bằng" chung của thế giới nhưng ít ra cũng khẳng định giá trị tinh thần cũng như tài sản văn hóa mang tính ưu việt về trí tuệ, sự sáng tạo vô biên.
Tôi hâm mộ những người làm công việc như anh Thuận, đã đưa vào đời sống những thông điệp nhân văn, góp phần nâng cao dân trí xã hội. Bán tranh là một việc khó, đó là sự nhẫn nại của người đam mê, nhiều hơn là tính toán lợi nhuận. Với một quốc gia nghèo và dân trí còn thấp như nước ta, những người làm nghệ thuật cao cấp và bán những món hàng mỹ thuật tuyển chọn luôn phải đương đầu với những thử thách của thương trường, tôi đã từng ví có nơi tìm khách am hiểu, thụ hưởng những giá trị của các tác phẩm ấy chẳng khác gì đi tìm nước ở... vùng Sừng Châu Phi.
Tác phẩm “Thiếu nữ và hoa sen”, tranh sơn dầu của tác giả Nghiêm Xuân Hưng, Hà Nội
Người ta có thể bỏ ra hàng chục tỷ để mua một chiếc ô tô bóng lộn, nhưng đứng trước một họa phẩm có giá khoảng mươi ngàn đôla thì cứ ngần ngừ, toan tính mãi. Người ta có thể ùn ùn kéo nhau đi xem một chương trình tấu hài, nhưng khá lác đác khi đến thưởng thức một vở nhạc kịch giao hưởng. Anh Thuận rất am hiểu điều đó, vì vậy anh luôn tìm cách phổ biến, quảng bá món ăn tinh thần này đến công chúng, với sự kiên trì, trách nhiệm của người đã đặt con tim của mình vào "cuộc chơi".
Vốn đã không nhiều, thời gian qua, không ít Gallery lại lần lượt rơi rụng, chúng ta hết sức hoan nghênh và đồng cảm với "sự dũng cảm" của những người như anh Thuận. Nhìn về mặt khác, thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa điểm được du khách quốc tế chọn lựa trong hành trình tham quan Việt Nam và nơi họ thường tìm đến là các địa chỉ, cơ sở văn hóa. Bảo tàng hay Gallery có vai trò hết sức quan trọng trong việc thể hiện lịch sử dân tộc, tài năng con người, cũng như bản sắc văn hóa của một quốc gia. Qua đó, họ có thể đánh giá phần nào đời sống tinh thần và dân trí của xã hội.
Văn hóa luôn luôn gắn liền với dân trí, việc xây dựng một xã hội văn minh khó khăn rất nhiều so với thời gian chuyển đổi một nền kinh tế, không thể kêu gọi chung chung hay tổ chức khích lệ các hoạt động theo "thời vụ", mà cần có những chính sách thích hợp, nhất quán "chia lửa" với những người dám xông vào "trận địa" này. Anh Thuận từng nói với tôi: "Nếu thấy công việc khó khăn mà thối lui, thì nghệ thuật làm sao phát triển, thì con người làm sao hiên ngang đứng trong trời đất..." , rõ ràng có những ngành nghề đã lấy đi thời gian, sức lực của người dấn thân, lấy đi một cách âm thầm và nhanh chóng mà ít ai tường tỏ.
Một tác phẩm xuất sắc của Nghiêm Xuân Hưng
Có thể nói Gallery Bình Minh có một bộ sưu tập khá dồi dào về số lượng lẫn chất lượng, trong cách bố trí khoa học và bắt mắt, tôi nhìn thấy phong cách của nhiều tác giả quen thuộc và cũng có những cái tên khá lạ nhưng tác phẩm thì lại chín chắn, có độ sâu, gợi cảm. Thưởng thức nghệ thuật là một tính cách rất riêng, thuộc về cảm nhận của mỗi con người, ở Gallery Bình Minh có thể đáp ứng sự thụ hưởng muôn màu, muôn vẻ ấy. Trong bụi gai có hoa hồng! Tôi nghĩ về nỗi đam mê và dám "hy sinh" vì nghệ thuật của anh Thuận như vậy...
Bình luận