Phát huy giá trị “Bảo vật quốc gia - Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam”

Quốc huy Việt Nam - biểu tượng thiêng liêng, tự hào thể hiện khát vọng mãnh liệt, thiết tha về một nền hoà bình, độc lập, tự do và về một quốc gia phát triển thịnh vượng sánh vai cùng bè bạn quốc tế trên khắp các châu lục. Quá trình hình thành, ra đời của Quốc huy Việt Nam là câu chuyện đặc biệt gắn liền với lịch sử đất nước và hành trình đấu tranh, bảo vệ dân tộc, đồng thời cũng là câu chuyện đầy thú vị, gắn với cuộc đời, sự nghiệp của người Hoạ sĩ tài ba Bùi Trang Chước.

Chiêm ngưỡng bản phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam

Hình ảnh Quốc huy Việt Nam được thể hiện trên các sự kiện, địa điểm trên đất liền cũng như biên giới, hải đảo, trong các giấy tờ quan trọng, qua đó thấy được tầm quan trọng, sự thiêng liêng của Quốc huy Việt Nam.

Hướng tới kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945-2023), 78 năm ngày thành lập Bộ Nội vụ và ngày truyền thống ngành Tổ chức nhà nước (28/8/1945-28/8/2023), kỷ niệm 2 năm Bộ sưu tập bản phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của Hoạ sĩ Bùi Trang Chước được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 25/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời nhân sự kiện Hoạ sĩ Bùi Trang Chước được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho ba cụm tác phẩm, trong đó có tác phẩm mẫu Quốc huy Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức khai mạc Trưng bày: “Bảo vật quốc gia - Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam”, giới thiệu gần 200 hiện vật gốc, tài liệu, hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của danh hoạ Bùi Trang Chước.

Phát huy giá trị “Bảo vật quốc gia - Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam” - 1

Triển lãm “Bảo vật quốc gia - Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam”. (Nguồn ảnh: Báo công an Nhân dân)

Trong đó đặc biệt giới thiệu hành trình sáng tạo mẫu Quốc huy Việt Nam. Giới thiệu một số văn bản khởi nguồn cho việc sáng tác Quốc huy Việt Nam, như: Công văn số 87-NG ngày 28/01/1951 của Bộ Ngoại giao gửi Ban Thường trực Quốc hội v/v đề nghị làm Quốc huy, Quốc ấn; Công văn số 467-NG ngày 08/6/1951 của Bộ Ngoại giao v/v phát động cuộc thi hoạ mẫu Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Trưng bày: “Bảo vật quốc gia - Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam” gồm 3 phần. Phần 1 chủ đề “Quốc huy Việt Nam - biểu tượng tự hào dân tộc”, giới thiệu một số tài liệu, hình ảnh Quốc huy Việt Nam được thể hiện trên các sự kiện, địa điểm trên đất liền cũng như biên giới, hải đảo, trong các giấy tờ quan trọng… qua đó thấy được tầm quan trọng, sự thiêng liêng của Quốc huy Việt Nam.

“Hành trình sáng tạo mẫu Quốc huy Việt Nam” là chủ đề phần 2 giới thiệu một số văn bản khởi nguồn cho việc sáng tác Quốc huy Việt Nam và hành trình sáng tạo mẫu Quốc huy của họa sĩ Bùi Trang Chước, từ những nét phác thảo đầu tiên với những cây tre, con trâu, bông lúa… hay hình dáng đa dạng, màu sắc phong phú, chủ đề thân thuộc cùng những lời tự sự về hành trình sáng tác mẫu Quốc huy của họa sĩ.

Phát huy giá trị “Bảo vật quốc gia - Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam” - 2

Phác thảo chi tiết mẫu Quốc huy Việt Nam trưng bày tại triển lãm. (Nguồn ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)

Phần 3 chủ đề “Họa sĩ Bùi Trang Chước - người tạo hình Quốc huy Việt Nam”, giới thiệu chân dung, quê hương, gia đình, quá trình học tập, lao động, sáng tạo của họa sĩ Bùi Trang Chước, khắc họa hình ảnh của người nghệ sĩ đa tài với nhiều tác phẩm có giá trị ứng dụng: Mẫu Quốc huy, mẫu tem, tiền, huy hiệu, chân dung Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Hành trình để mẫu quốc huy được trả về đúng tên tác giả

Các hiện vật tại triển lãm “Bảo vật quốc gia - Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam” chứa đựng nhiều câu chuyện đặc biệt về thân thế, sự nghiệp của họa sĩ Bùi Trang Chước và cả hành trình để mẫu quốc huy được trả về đúng tên tác giả, được công nhận là bảo vật quốc gia.

Phát huy giá trị “Bảo vật quốc gia - Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam” - 3

Họa sĩ Bùi Trang Chước

Đầu năm 1953, Nhà in Bộ Tài chính đã biệt phái họa sĩ Bùi Trang Chước sang Ban Pháp chê, Phủ Thủ tướng làm nhiệm vụ sáng tác Bằng khen, Huân, Huy chương cho Chính phủ. Tại đây, ông bắt đầu tham gia cuộc vận động sáng tác mẫu Quốc huy Việt Nam do Chính phủ phát động từ tháng 6-1951.

Sau những lần được đề nghị chỉnh sửa, đến tháng 9/1955, Họa sĩ Bùi Trang Chước đã hoàn thành mẫu Quốc huy cuối cùng gồm 1 bản màu và 2 bản tách màu đen trắng để trình tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa I. Sau khi đưa ra bàn thảo và được chỉnh sửa một vài chi tiết, Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức được Quốc hội phê duyệt.

Ngày 14/01/1956, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 254-SL v/v ban bố mẫu Quốc huy Việt Nam và được đăng chính thức trên Công báo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa số 22 ngày 08/8/1956. Ngày 21/7/1956, Thủ tướng phủ ban hành Điều lệ số 973-TTg v/v dùng Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Những bản phác thảo mẫu Quốc huy của Họa sĩ Bùi Trang Chước (tức Nguyễn Văn Chước) chính là nguồn gốc, là cơ sở, tiền đề, nền tảng cho Quốc huy chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đồng thời các bản phác thảo này còn mang những dấu ấn đặc biệt về chủ đề, nội dung, ý nghĩa từng chi tiết tác phẩm, mang âm hưởng, hơi thở của dân tộc trong từng mẫu vẽ và vô cùng phong phú về hình ảnh, màu sắc, độc đáo về hình thức, bố cục, trình bày, giá trị nghệ thuật…

Mấy chục năm qua, chúng ta đã từng chứng kiến những cuộc tranh chấp công lao của những nhân vật tham gia hoặc có mặt trong những sự kiện lịch sử đặc biệt là trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Chuyện “Lý Thông cướp công Thạch Sanh” không phải là hiếm thấy. Câu chuyện tranh chấp bản quyền tác giả quốc huy Việt Nam sau mấy chục năm “bất phân phải trái” đã khép lại bởi những vật chứng, nhân chứng rất rõ ràng, công tâm, đầy thuyết phục. Lẽ phải đã thuộc về hoạ sỹ Bùi Trang Chước. Ông đã được công nhận và vinh danh. Sức mạnh của công lý đã thắng, sự thượng tôn pháp luật đã đứng về lẽ phải và sự thật.

Hoạ sĩ Bùi Trang Chước, là một nghệ sĩ đa tài với nhiều tác phẩm có giá trị ứng dụng: mẫu Quốc huy, mẫu tem, tiền, huy hiệu, chân dung: Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh; mẫu huy hiêụ Bác Hồ đúc bằng kim loại quý để nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân đem vào vũ trụ…

Hoạ sỹ Bùi Trang Chước đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam tặng nhiều Huân chương, giải thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất (1988), Huân chương Lao động hạng nhì (1988), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2023. Tên ông - Bùi Trang Chước đã được đặt cho hai đường phố tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Đà Nẵng.

Ông cũng vinh dự được Trung tâm Tiểu sử quốc tế Cambridge của Liên hiệp Vương quốc Anh vinh danh vì sự nghiệp cống hiến của ông cho hội họa. Ông cũng có tên trong danh sách "Danh nhân quốc tế" của tổ chức Who's Who (Ai là Ai) xuất bản lần thứ 13 (năm 1999) và trong danh sách "Những người xuất chúng vì quốc tế" xuất bản lần thứ 7 (năm 1998). Ông còn được Nhà nước Dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương ISALA cao quý.

Đinh Quang Tỉnh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Honda City và các đối thủ: Thiết kế nào vừa lòng người Việt nhất?

Honda City và các đối thủ: Thiết kế nào vừa lòng người Việt nhất?

Phân khúc sedan hạng B tại Việt Nam luôn nóng bỏng với những cái tên như Honda City, Toyota Vios, Hyundai Accent, Mazda2 và Kia Soluto. Mỗi mẫu xe mang phong cách thiết kế riêng, từ sự sắc sảo, thể thao của City đến vẻ bền bỉ của Vios hay thời thượng của Accent. Vậy đâu là thiết kế chinh phục người Việt nhất?

Những SUV đáng chú ý sẽ ra mắt trong năm 2025

Những SUV đáng chú ý sẽ ra mắt trong năm 2025

Khi mà thị trường ô tô ngày càng phát triển, các thương hiệu lớn đang chuẩn bị cho ra mắt những mẫu xe mới với thiết kế và công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.