Lưu Hữu Phước - Nhạc sĩ của những bản hùng ca giải phóng

Trong nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam, Lưu Hữu Phước là một trong ba cây đaị thụ (cùng với Văn Cao và Đỗ Nhuận). Chẳng những ông đã góp công sức đáng kể vào việc đặt nền móng mà còn là một động lực chính thúc đẩy nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam phát triển rực rỡ suốt hơn nửa thế kỷ 20.

Lưu Hữu Phước - Nhạc sĩ của những bản hùng ca giải phóng - 1Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước

Sự nghiệp sáng tác của ông luôn gắn chặt với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Có thể nói Lưu Hữu Phước như một nhà viết sử bằng âm nhạc. Dấu ấn và tác động xã hội mạnh mẽ từ những bài ca bất hủ của ông suốt một chặng đường dài của Cách mạng Việt nam có thể ví như Tố Hữu ở lĩnh vực thơ vậy. Những ca khúc cách mạng của ông có sức cổ vũ mạnh mẽ mọi tầng lớp công chúng, luôn xốc họ dậy, hoà vào dòng thác cách mạng mà rất nhiêù thế hệ người Việt Nam từng thuộc lòng: Lên đàng, Xếp bút nghiên, Tiếng gọi thanh niên, Bạch Đằng giang, Tuổi 20...

Những bài vừa nhắc ở trên là những ca khúc nổi tiếng được Lưu Hữu Phước sáng tác giai đoạn tiền khởi nghĩa và trong kháng chiến chống Pháp. Đặc biệt trong công cuộc chống Mỹ cứu nứơc, ông lại tiếp tục vai trò cánh chim đầu đàn trong giới nhạc sĩ, tham gia hữu hiệu vào việc tuyên truyền, cổ vũ kháng chiến với hàng loạt ca khúc có sức lay động mãnh liệt lòng người. Đánh dấu sự ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam (20/12/1960) - một sự kiện lớn lao của cách mạng miền Nam, ông sáng tác bài “Giải phóng miền Nam” với bút danh Huỳnh Minh Siêng. Đây là lời hiệu triệu của Tổ quốc đối với mỗi người dân trước hiện trạng quê hương bị dày xéo bởi giặc Mỹ xâm lược.

Bài hát hào sảng, hùng tráng, thúc giục mọi người khẩn trương xốc tới giải phóng miền Nam: “Vùng lên! Nhân dân Miền Nam anh hùng. Vùng lên! Xông pha vượt qua bão bùng. Thề cứu lấy nứoc nhà, thề hy sinh đến cùng, cầm gươm ôm súng xông tới...” Với bút danh Lưu Nguyễn, Long Hưng, ông còn cho ra đời 3 bài hành khúc khác đều rất nổi tiếng, có sức lan toả sâu rộng khắp các vùng quê hương miền Nam, và liền sau đó nhanh chóng bay ra miền Bắc, làm nức lòng quân dân cả nước: Giờ hành động (1962), Hành khúc giải phóng (1962), Bài ca giải phóng quân (1963).

Cùng là hành khúc, cùng tính chất sục sôi, thúc giục với tiết tấu dồn dập, khẩn trương, lại cùng một chủ đề kêu gọi toàn quân dân chớp thời cơ hành động, xốc tới giải phóng quê hương mà mỗi bài một dáng vẻ, không bài nào giống bài nào, khiến công chúng thuộc, ưa thích cả 3 bài. Đó quả là một tài năng lớn.

Về thể loại hùng ca, chính ca, có thể nói ông là nhạc sĩ hàng đầu. Ông có biệt tài trong việc tạo nên những bức tranh cổ động hoành tráng bằng âm thanh với lời lẽ hết sức cô đọng, hàm súc, đạt tính khái quát cao: “Bạn ơi! Gió mới 5 châu nâng bước ta đi! Bạn ơi! Chiến đấu gian nguy ta có sá chi! Trào cách mạng đang bùng cơn giông tố...” (Giờ hành động - 1962); Hoặc: “Vì nhân dân ta ra đi, diệt hết lũ đế quốc Mỹ, cờ giải phóng tung bay hùng vĩ. Đoàn ta ca lên hiên ngang bài hát quyết chiên quyết thắng. Quê hương đón chờ một ngày không xa, một ngày mai khải hoàn vui chan hoà...” (“Hành khúc giải phóng” - 1963). Về phương diện này, ít có nhạc sĩ sánh kịp.

Cũng ngay sau khi giặc Mỹ phát động cuộc chiến tranh leo thang ra miền Bắc, một không khí cực kỳ khẩn trương trùm lên khắp các thành phố, làng mạc. Khắp nhà máy, ruộng đồng, đâu đâu cũng sôi sục lòng căm thù giặc và sẵn sàng lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Phản ánh hiện thực này, Lưu Hữu Phứơc cùng lúc sáng tác hai bài hát: Sẵn sàng chiến đấuThanh niên ba sẵn sàng (1964).

Lúc này, không ai có thể dửng dưng với thơì cuộc, không thể đứng ngoài bối cảnh chung bởi kẻ thù xâm lược đã đe doạ tới cuộc sống, số phận từng người. Lớn, bé, già, trẻ khi ấy đã nhanh chóng thuộc lòng: “Chuẩn bị sẵn sàng đi chiến đấu. Cánh tay liềm búa, tay bút ta thi nhau. Chị vững tay liềm đồng lúa. Anh vững tay búa công trường sẵn sàng chờ nghe tiềng Đảng gọi lên đường...” (“Sẵn sàng chiến đấu”- 1964).

Đáp lời kêu gọi của Đảng, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản phát động phong trào Ba sẵn sàng. Ngay lập tức, hàng triệu bạn trẻ hưởng ứng, tình nguyện nô nức nhập ngũ, lên đường ra tiền tuýên giết giặc. Lưu Hữu Phước có ngay bài “Thanh niên ba sẵn sàng” (1964) với giai điệu náo nức, phơi phới, rất trẻ trung nhanh chóng được tuổi trẻ khắp nơi đón nhận. Đến hôm nay, nhiều người vẫn còn thuộc lòng bài hát: “Bắc Nam sục sôi sóng trào cách mạng trào dâng lên. Nghe chăng tiếng gọi, tiếng của Đảng gọi thanh niên. Ta xông lên đập tan hoang đế quốc Mỹ giặc xâm lăng...”

Sài Gòn - hòn ngọc của Viễn Đông, thành phố được mang tên bác Hồ kính yêu- là dinh luỹ cuối cùng của chủ nghĩa thực dân mới. Giải phóng Sài Gòn luôn là điều canh cánh trong lòng mỗi chiến sĩ. Đáp ứng nguyện vọng cháy bỏng này, ông đã sáng tác bài Tiến về Sài Gòn. Rất nhiều người - nhất là thế hệ ra đời sau 1975- đều lầm tưởng bài hát được sáng tác vào dịp mùa xuân 1975.

Lại có người nghĩ ông viết hồi tổng tiến công năm Mậu Thân 1968. Thực sự ông đã thai nghén bài hát từ rất lâu và đến năm 1966 được ra đời. Liên quan đến bài hát này, có lần tôi đuợc Lưu Hữu Phước kể cho nghe về xuất xứ và thời điểm sáng tác: “Theo hiệp nghị Giơ-ne-vơ, đến tháng 7/1956 sẽ tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng kẻ thù khi ấy đã lật lọng nên việc không thành. Vĩ tuyến 17 vẫn tiếp tục như một lưỡi dao cưá vào lòng mỗi người dân Việt nam. Ngày ấy mình cũng như mọi người đã nôn nao ý nghĩ phải chiến đấu quét sạch xâm lược, dành lại quê hương. Vậy nên ước vọng tiến về Sài Gòn bắt đầu nung nấu từ những năm tháng ấy. Rồi đến khi MTDTGP miền Nam ra đời (1960), niềm hối thúc trên càng cháy bỏng. Nhưng vì qúa bận rộn nên phải tới 1966, mình mới hoàn thành được bài hát”.

Và ông kể cho tôi nghe câu chuyện vui: “Có lần, vào một buổi chiều, đang ngồi ở cơ quan Viện Âm nhạc, mình nhận được cú điện thoại của một người lạ. Anh ta khẩn khoản đề nghị được làm quen và rứơc mình đến làm “trọng tài” cho anh và một người bạn. Số là họ tranh cãi nhau về bài “Tiến về Sài Gòn”. Anh ta cho rằng tác giả sáng tác vào dịp Tổng tiến công Mùa xuân 1975, còn người bạn nói bài hát viết hồi Mậu Thân 1968. Họ nói với mình chắc chắn sẽ có một người thua. Ngưòi đó sẽ phải bỏ tiền chi cho cuộc nhậu ba người và tặng mình là tác giả bài hát một món quà đích dáng. Mình nói rõ thơì điểm ra đời bài hát nhưng anh ta vẫn muốn đến đón mình vì cần “ba mặt một lời”. Cuộc gặp cuối buổi chiều đó thật vui. Rốt cuộc cả hai người đều chẳng ai thắng, thua vì đều nói sai sự thật. Họ đã chung tiền chi cho hai việc trên nhưng mình kiên quýêt từ chối món quà, chỉ nhận lời liên hoan.

Lâu nay, ta vẫn từng nghe nói “Người làm sao chiêm bao làm vậy” và “Văn sao người vậy”. Điều này đúng ở nhiều trường hợp, nhưng vận vào Lưu Hữu Phước thì không hẳn. Nhạc của ông hào sảng, mạnh mẽ, rắn rỏi, đầy chất thép, còn con người ông lại mềm mại, dịu nhẹ, tinh tế và ý nhị. Những bài ca cách mạng của ông qua các chặng đường lịch sử là những bản hiệu triệu, là tiếng kèn xung trận, phù hợp với số đông đang ào ào xông lên phía trước, quyết chiến quyết thắng, nhưng con người ông lại có vẻ trầm tĩnh, không ồn ào.

Ông tạo nên những giai điệu hoành tráng với hình tượng âm nhạc là lời hiệu triệu những bước chân, còn phong cách con người ông lại nhẹ nhàng, có vẻ rất phù hợp với những lời thủ thỉ, tâm tình. Tôi nhớ mãi một chi tiết: Khi ông đã trở vào TP. HCM làm việc và sinh sống, một lần ông ra Hà Nội họp Quốc hội, tôi đã tranh thủ gặp để phỏng vấn (lúc này tôi đang là phóng viên âm nhạc của một tờ báo).

Mặc dù thời gian kín, lại có nhiều người đến thăm, nhưng ông vẫn dành cho tôi trọn một buổi tối. Lúc tôi đến là 19h. Ông vẫn không quên hỏi tôi:

-Cậu hẹn giờ này thì đã kịp ăn tối chưa?

Tôi vô cùng cảm động. Khi tôi đặt vấn đề:

-Em muốn phỏng vấn anh- một nhạc sĩ của những dòng thác cách mạng, một nhạc sĩ mà mỗi ca khúc của anh đã là những lời hiệu triệu thống thiết, có sức lay động trái tim hàng triệu con người...

Tôi chưa kịp nói hết, ông đã nói luôn:

- Cậu đừng đặt vấn đề quá lớn và đừng quá đề cao mình như vậy. Mình có dám hiệu triệu gì đâu. Mình chỉ nói tiếng nói của lòng mình trước thời cuộc. Chỉ có điều thế hệ bọn mình, cái riêng, cái tôi hoà quyện với cái chung mà thôi.

Tôi càng cảm phục người nghệ sĩ lớn vào bậc nhất, nhì trong giới âm nhạc mà luôn nhỏ nhẹ, khiêm nhường từ ý nghĩ, phong cách đến lời nói, nhất là với tôi chỉ đáng học trò của ông.

Nhưng ông quan niệm là một chuyện, còn ý nghĩa, giá trị khách quan cuả mỗi tác phẩm do ông tạo nên lại là chuyện khác. Ai và phương tiện tối tân nào có thể đo được tác động lớn lao của những bài ca do ông viết nên đối với triệu triệu ngưòi dân Việt Nam? Những gía trị phi vật thể, những hiệu ứng tinh thần trên không sờ nắn và cân đong đo đếm đựơc, nhưng khả năng thúc đẩy con người hành động lại vô tận, khôn lường, cũng không thể hình dung hết được.

Làm nên thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng 8/1945, bên cạnh nhiều bản hùng ca khác, chắc có sức mạnh tình cảm ở những Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên của ông. Và những Bài hát giải phóng quân, Hành khúc giải phóng, Tiến về Sài Gòn, Giải phóng miền Nam có giá trị tương đương với bao nhiêu tấn bom đạn chúng ta nã vào kẻ thù? Chẳng ai làm việc so sánh này, nhưng chắc chắn trong kết cục chiến thắng của dân tộc ta, vai trò những ca khúc của ông chiếm một vị trí rất lớn lao.

Còn là tác giả của hai bài hát trữ tình thành kính, sâu lắng nổi tiếng về lãnh tụ Hồ Chí Minh (Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Tình Bác sáng đời ta) và một số ca khúc dành cho thiều nhi sống mãi với thơì gian (Reo vang bình minh, Thiếu nhi thế giới liên hoan), nhưng nói đến Lưu Hữu Phước, trước hết phải nói đến những bản hùng ca bất hủ. Cùng với những trang sử vàng chói lọi rạng danh dân tộc, Lưu Hữu Phước và những bản hùng ca đó luôn sống mãi trong tâm khảm của nhiều thế hệ công chúng Việt Nam./.

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

“Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật” là một hội thảo ý nghĩa được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), giúp lan tỏa những giá trị của Điện Biên Phủ trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Đồng thời, thúc đẩy sự thăng hoa, bền bỉ, nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo cho các văn ng

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

Trong khuôn khổ chương trình “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”, đoàn đại biểu là các văn nghệ sĩ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có dịp đến thăm và tặng quà cho học sinh Trường Tiểu học Him Lam, đồng thời phát động cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Hoan Hô chiến sỹ Điện Biên”. Sự kiện do Thời báo Văn học nghệ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điệ