Tổng kết hành trình 5 năm thực hiện đề án Giải thưởng Sách Quốc gia: Lật giở những trăn trở
Sáng 28/10, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện Giải thưởng Sách Quốc gia. Hội nghị đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định, tiêu chí và công tác tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia, tiếp tục đưa giải thưởng trở thành một trong những giải thưởng uy tín hàng đầu trong lĩnh vực văn hóa, khoa học xã hội nhân văn.
Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị
Giải thưởng Sách Quốc gia đã từng bước khẳng định được thương hiệu của mình
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết: “Qua năm lần tổ chức, Giải thưởng Sách Quốc gia đã từng bước khẳng định được thương hiệu của mình, đang vươn lên ngày càng xứng đáng với danh hiệu giải thưởng cấp quốc gia, trở thành một sự kiện văn hóa nổi bật có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành một ngày hội của những người làm sách, những người đọc sách và thu hút được sự quan tâm đông đảo của dư luận xã hội”.
Đồng chí Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam trình bày báo cáo.
Đối với người sáng tác, giải thưởng đã thu hút nhiều tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu với nhiều độ tuổi khác nhau, cả trong nước và nước ngoài qua đó động viên, khích lệ tinh thần sáng tạo, cống hiến của những người làm công tác nghiên cứu, sáng tác, biên soạn, sự nỗ lực sàng lọc, truyền tải sách hay, sách tốt đến bạn đọc của các nhà xuất bản, cơ sở in, đơn vị phát hành sách trong cả nước.
Đối với người làm sách, các nhà xuất bản, các đơn vị liên kết, Giải thưởng Sách Quốc gia một mặt ghi nhận những nỗ lực của các nhà xuất bản, nhà in, đơn vị phát hành sách trong việc lựa chọn được những xuất bản phẩm có chất lượng cao về tư tưởng, chính trị, văn hóa; có nội dung và hình thức thể hiện hấp dẫn, đạt hiệu quả xã hội cao, đóng góp tích cực vào giáo dục nhân cách con người, nâng cao dân trí, phát triển xã hội; một mặt hỗ trợ chính các đơn vị xuất bản này nâng cao thương hiệu, hiệu quả kinh doanh.
Đối với bạn đọc và xã hội, Giải thưởng Sách Quốc gia tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; góp phần nâng cao nhận thức, vai trò của người đọc đối với sách, góp phần quảng bá văn hóa đọc đến mọi tầng lớp nhân dân và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc tuyên truyền và thúc đẩy văn hóa đọc.
Các đại biểu tham gia Hội nghị.
Bên cạnh đó, Giải thưởng vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế như: việc triển khai cơ chế tài chính còn có một số phức tạp; kinh phí hằng năm cho Giải thưởng Sách Quốc gia còn ở mức rất hạn chế; số lượng các nhà xuất bản, số lượng đầu sách tham gia dự giải chưa thực sự đầy đủ; việc quảng bá và lan tỏa giá trị của sách đạt giải chưa đạt được đúng mục tiêu do hạn chế về nguồn kinh phí cho Giải thưởng;…
Đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện công tác tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia
Tại Hội nghị, ông Hoàng Phong Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, Giải thưởng Sách Quốc gia ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng các bộ, ban ngành như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền Thông, cũng như sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các nhà xuất bản, các công ty sách.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam đề xuất Giải thưởng Sách Quốc gia nên đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp giữa Hội Xuất bản Việt Nam với Bộ Thông tin và Truyền thông bởi công tác phối hợp này đã mang lại kết quả tốt, giúp giải thưởng chất lượng hơn, uy tín hơn.
Ông Hoàng Phong Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Theo bà Lệ Chi, đại diện Công ty Chibooks, Giải thưởng Sách Quốc gia cần tạo điều kiện thuận lợi để sách đoạt giải được giới thiệu, phát hành rộng hơn không chỉ trong nước mà còn có thể đưa sách Việt Nam vượt qua biên giới, giới thiệu đến với bạn đọc quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam đề nghị cần phải tìm cách tái bản các bộ sách quý đến với người đọc một cách dễ dàng bởi thực tế có nhiều cuốn sách, bộ sách quý nhưng người nghiên cứu, bạn đọc lại không thể tiếp cận, những giá trị tốt của sách không đến được với công chúng, không phát huy được giá trị bởi đó là sách làm để biếu tặng chứ không được bán.
PGS.TS Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được qua năm lần tổ chức, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, căn cứ Thông báo kết luận số 158-TB/TW ngày 02/01/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới, Hội Xuất bản Việt Nam được quy định là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp được nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng. Do vậy, đề nghị Chính phủ giao Hội Xuất bản Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án Giải thưởng Sách Quốc gia đoạn 2023-2028 trình Chính phủ, trong đó xác định Hội Xuất bản Việt Nam là cơ quan chủ trì tổ chức Giải thưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chỉ đạo, quản lý công tác tổ chức Giải thưởng của Hội Xuất bản Việt Nam.
Thứ hai, Hội Xuất bản Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức một số hội thảo chuyên đề, lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác xuất bản để kiến nghị hoàn thiện Quy định, quy chế, Điều lệ Giải thưởng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng Giải thưởng Sách Quốc gia, tạo điều kiện để Giải thưởng Sách Quốc gia thu hút nhiều hơn nữa cá đơn vị xuất bản tham gia, từ đó lựa chọn trao giải các tác phẩm, công trình giá trị, đúng định hướng, có sức lan toả, tác động tích cực vào nhận thức xã hội, tạo lập sức mạnh quốc gia.
Thứ ba, để đảm bảo công tác tổ chức Giải thưởng với quy mô rộng hơn, thu hút được nhiều đối tượng và thành phần tham gia, chất lượng của Giải thưởng được nâng lên xứng tầm với giá trị tôn vinh cả về tinh thần và vật chất, đề nghị Chính phủ xem xét giao Bộ Tài chính nghiên cứu bố trí tăng kinh phí so với hiện nay. Nguồn kinh phí này sẽ tập trung cho việc chấm giải và trao thưởng theo Điều lệ Giải thưởng Sách Quốc gia. Kinh phí tổ chức Lễ trao giải, quảng bá sẽ thực hiện theo hình thức xã hội hoá.
Qua 5 năm triển khai thực hiện đề án Giải thưởng Sách Quốc gia, có thể khẳng định, Giải thưởng đã trở thành một sự kiện văn hoá nổi bật thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận xã hội, có sức lan tỏa mạnh mẽ, được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá cao, góp phần quan trọng đưa sách đến được với bạn đọc, lan tỏa và nhân lên những giá trị tri thức, những giá trị văn hóa trong đời sống xã hội, nâng tầm giá trị cho mỗi cuốn sách đoạt giải tương xứng với sự kỳ vọng của đông đảo bạn đọc; trở thành tài sản tinh thần quý giá trong mỗi gia đình và đất nước.
Bình luận