Về việc nâng cao chất lượng công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật 

Xưa nay, công tác lý luận, phê bình luôn là công tác quan trọng, được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm.

“Lý luận, phê bình là một thành tố hữu cơ trong đời sống văn học, nghệ thuật; có chức năng thẩm định, đánh giá tác phẩm, tác giả, phát hiện các giá trị, các quy luật, dự báo, phát hiện cái mới; tham gia điều chỉnh, định hướng cho sự vận động, phát triển của văn học, nghệ thuật. Lý luận, phê bình và sáng tạo văn học, nghệ thuật bao giờ cũng đồng hành, tác động tương hỗ lẫn nhau để làm nên tiến trình văn học, nghệ thuật của một dân tộc” (Theo TS. Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương).

Mặc dù ai cũng biết sáng tạo văn học, nghệ thuật đi trước, phê bình văn học, nghệ thuật hình thành sau. Tuy nhiên, ít ai quan tâm, phê bình lại có tính định hướng cho sáng tác. Vì thế, nếu chúng ta làm tốt công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật thì sẽ có hiệu quả tích cực đối với hoạt động sáng tác và nhận thức của độc giả, góp phần nâng cao thị hiếu thẩm mỹ và văn hóa cho công chúng.

Như vậy có thể thấy vai trò to lớn của lý luận phê bình (LLPB) nói chung và phê bình văn học (PBVH) nói riêng. Những bài viết có chất lượng về LLPB không chỉ giúp công chúng hiểu sâu hơn về tác giả, tác phẩm mà còn giúp công chúng hiểu rõ hơn về trường phái văn học, nghệ thuật mà họ quan tâm.

Ở một góc nhìn khách quan, người sáng tác đóng vai trò là độc giả cho tác phẩm của chính mình, khi đọc các bài viết phê bình sẽ hiểu rõ hơn tác phẩm của mình thông qua những nhận xét, đánh giá của người làm LLPB. Có thể đơn cử về hình ảnh thơ “Đầu súng trăng treo” trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu. Độc giả thường tiếp nhận theo hai nghĩa, nghĩa thực và nghĩa tượng trưng. Nghĩa thực là hình ảnh ghi nhận khi người lính đứng gác trong đêm có trăng, nhìn từ xa thấy trăng như chạm vào nòng súng; hiểu theo nghĩa tượng trưng là cây súng biểu tượng về tinh thần chiến đấu và vầng trăng là biểu tượng của hòa bình.

Nhưng khi phỏng vấn trực tiếp thì tác giả Chính Hữu nói rằng đó là hình ảnh thực. Vậy là từ góc độ người sáng tác thì tác giả nói về hình ảnh thực. Còn khi đến với người tiếp nhận, người làm công tác PBVH thì câu thơ được hiểu theo cả hai nghĩa. Từ đó có thể thấy, LLPB tác động đến sáng tác. Sáng tác là cơ sở để LLPB tồn tại và phát triển. Chính vì vậy, hoạt động LLPB không thể thiếu để song hành cùng sáng tác.

Về việc nâng cao chất lượng công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật  - 1

Trại viết Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Khóa VI Khu vực phía Bắc

Tầm quan trọng của công tác LLPB là không thể phủ nhận nhưng lâu nay, công tác LLPB nói chung và PBVH nói riêng chưa được quan tâm và coi trọng đúng mức. Mặc dù, sau mấy chục năm đổi mới, công việc sáng tác của các văn nghệ sĩ nói chung và sự phát triển của nền văn học nước ta có thành tựu đáng kể. Điều này được ghi nhận trong Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị:

“Công tác lý luận văn học, nghệ thuật có bước đổi mới, lý giải khoa học hơn quan hệ giữa văn học, nghệ thuật với chính trị, giữa hiện thực và nghệ thuật. Tư tưởng văn học, nghệ thuật truyền thống của cha ông đã được quan tâm nghiên cứu. Các thành tựu văn học, nghệ thuật thế kỷ XX được đánh giá lại thỏa đáng. Một số phương pháp nghiên cứu văn học, nghệ thuật phi truyền thống được vận dụng, bước đầu đem lại kết quả tốt. Phê bình văn học trong thời kỳ đổi mới có tác động tích cực đối với sáng tác, phát hiện cái tốt, ủng hộ cái mới, tiến bộ trong hoạt động sáng tạo”. Như vậy người làm công tác LLPB không thể không vui mừng khi thành tựu được ghi nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã được nêu trên thì công tác LLPB vẫn bộ lộ nhiều hạn chế và điều đó cũng được chỉ rõ trong Nghị quyết số 23-NQ/TW: “Hoạt động lý luận văn học, nghệ thuật còn lạc hậu về nhiều mặt, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, giảm sút tác dụng tích cực đối với sáng tác. ...”.

Nghị quyết số 33/NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” cũng đánh giá: “Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa theo kịp thực tiễn sáng tác”.

Những biểu hiện xơ cứng hay cách đánh giá còn phiến diện của hoạt động LLPB là một thực tế; công tác LLPB chưa theo kịp thực tiễn sáng tác cũng là một thực tế đáng quan tâm sâu sắc. Hiện nay, có những Hội VHNT địa phương (cấp tỉnh) chưa có Chi hội Lý luận phê bình; có Hội VHNT dù đã có chi hội LLPB nhưng số lượng hội viên rất ít so với các Chi hội chuyên ngành khác; tuổi bình quân của người làm công tác này cũng già hơn so với các Chi hội thơ hay văn xuôi. 

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương từng nhận định: “...Nhìn vào thực trạng công tác phê bình văn học nghệ thuật thời gian qua, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng: So với thực tiễn sáng tác rất sôi động, đa dạng, phong phú, thậm chí phức tạp hiện nay, phê bình đang có vẻ trầm lắng, chưa phát huy hết vai trò và sức mạnh của mình. Trong những bất cập và hạn chế từ lâu chưa được giải quyết thì thực tiễn lại đang xuất hiện những vấn đề mới, phức tạp, khiến chúng ta không khỏi lo lắng. Sự thiếu hụt về đội ngũ, nhất là ở các lĩnh vực nghệ thuật như âm nhạc, múa, điện ảnh, mĩ thuật, nhiếp ảnh... diễn ra từ nhiều năm qua đã được chỉ ra nhưng các giải pháp khắc phục chưa thực sự hiệu quả... Trước hàng loạt sự kiện, hiện tượng nóng bỏng xuất hiện trong đời sống văn học, nghệ thuật, nhiều khi phê bình còn lúng túng, thiếu nhạy bén chính trị và nghệ thuật, chưa phản ánh kịp thời, thậm chí còn mơ hồ trong nhận định, đánh giá và lý giải. Những biểu hiện đó khiến phê bình đang phải đối diện với nguy cơ hiện hữu là sự “quay lưng” của giới sáng tác và công chúng văn nghệ”.

Trên cơ sở những đánh giá của Đảng trong các nghị quyết và các ý kiến của các đồng chí lãnh đạo về văn học nghệ thuật, có thể thấy, dù đã đồng hành cùng sự nghiệp đổi mới của đất nước đã gần 40 năm qua nhưng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam đang đứng trước sự thiếu hụt: thiếu nền tảng khoa học vững chắc, thiếu tính hệ thống, thiếu tính chiến đấu, thiếu thiếu tiếng nói tri âm với lực lượng sáng tác.

Về nguyên nhân của thực trạng trên, qua tìm hiểu, có một số ý kiến cho rằng vấn đề đầu tư cho sáng tạo văn học, nghệ thuật, trong đó có lĩnh vực lý luận, phê bình chưa được quan tâm đúng mức vì có thực mới vực được đạo như ông cha ta đã nói.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung và trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng, đời sống kinh tế tuy hết sức quan trọng nhưng cũng không phải là yếu tố quyết định đối với những tác phẩm đỉnh cao về nội dung và nghệ thuật mà phụ thuộc nhiều vào tài năng và tâm huyết của người nghệ sĩ, tức là chủ thể sáng tạo.

Dễ dàng nhận thấy khi tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị lớn xuất hiện, nếu người làm công tác phê bình không quan tâm, thậm chí thờ ơ thì sáng tác không có cơ hội được khẳng định mình theo nghĩa khoa học và PBVH không phát huy được tính định hướng, sự đồng hành cùng sáng tác.

Bên cạnh việc thiếu tài năng, tâm huyết, cần phải kể đến đến những khó khăn về đội ngũ - khi số lượng các cây bút lý luận phê bình văn học nghệ thuật dám dấn thân vào công việc nhọc nhằn này chưa nhiều. Quan sát thực tiễn đời sống văn học, nghệ thuật, chúng ta dễ nhận ra tại các hội VHNT địa phương, Chi hội Lý luận, phê bình có ít người tham gia.

Tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, Chi hội thơ trên 60 người, Chi hội văn xuôi gần 40 người thì Chi hội LLPB chỉ có vỏn vẹn 12 người, phần lớn là người trên 50 tuổi. Hoạt động của Chi hội vẫn tập trung vào công tác nghiên cứu lý luận, phê bình hướng đến các tác phẩm của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh được in ấn hoặc đăng trên một số báo, tạp chí khoa học chuyên ngành. LLPB chủ yếu về văn học, chưa quan tâm đến các mảng điện ảnh, hội họa… và chưa có được những tác phẩm “nặng ký”. Cũng không thể biện minh rằng công tác LLPB cả nước còn hạn chế thì địa phương cũng hạn chế như một lẽ đương nhiên.

Nhìn chung, hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay không phải không gặp những khó khăn, hạn chế nhất định. Các tập sách hoặc bài viết về LLPB hiện vẫn chỉ mới dừng lại ở nội dung nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp, nhận thức của nghệ sĩ, phát hiện những vấn đề mới trong sáng tác, nghiên cứu… nên giá trị định hướng hoạt động sáng tạo và tiếp nhận văn học nghệ thuật chưa cao, chưa xứng tầm với vai trò vốn có, với sứ mệnh của công tác này.

Về hình thức tổ chức các hoạt động LLPB vẫn theo cách làm truyền thống, thiếu sự sáng tạo, đột phá; ít nhiều vẫn thiếu tính chuyên nghiệp nên chưa tạo nên những cuộc trao đổi cởi mở, chưa mở rộng và chưa dẫn dắt được công chúng thưởng thức văn học, nghệ thuật.

Phần lớn các tác phẩm LLPB nặng về khen ngợi, biểu dương, ít đề cập yếu tố “phê” mới quan tâm yếu tố “bình”. Có nhiều bài viết, phần “bình” chỉ đặt cuối tác phẩm và vẫn mang tính “vỗ về”, e ngại khi “phê phán”.  Thực trạng đó cho thấy đã đến lúc cần đặt vấn đề đổi mới phương thức phối hợp nhằm nâng cao chất lượng của công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trước yêu cầu mới.

Vậy, làm cách nào để nâng cao chất lượng công tác LLPB nói chung và LLPBVH nói riêng? Thiết nghĩ, trước thực trạng này, một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trong tình hình mới cần được thực hiện như sau:

Một là, các trường đại học có đào tạo chuyên ngành về công tác LLPB cần trang bị cho sinh viên những kiến thức mới về lý luận, phê bình và thực trạng.

Hai là, các cơ quan chức năng cần tổ chức các hội thảo khoa học để trao đổi, thống nhất việc chỉ đạo, định hướng, quản lý, tổ chức hoạt động và xử lý các vấn đề nhạy cảm, quan trọng, phức tạp trong đời sống văn học, nghệ thuật hiện nay.

Ba là, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, mỗi đơn vị xây dựng quy chế phối hợp với các ban, ngành có liên quan, cùng phối hợp trong công tác LLPB và sáng tác văn học. Ví dụ trong cùng Hội Liên hiệp là sự phối hợp giữa chi hội LLPB và các Chi hội thơ, văn xuôi…

Bốn là, các cơ quan có chức năng lãnh đạo người làm công tác LLPB cần đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Năm là, các cơ quan quản lý cần có cơ chế động viên, khích lệ các cây bút lý luận, phê bình nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo. Mặt khác, các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, ngoài trau dồi bản lĩnh, cần phát huy trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, không ngừng tích lũy kiến thức và gắn bó sâu sát với đời sống thực tiễn.

Sáu là, cần quan tâm thường xuyên đến việc phát triển đội ngũ, kết nạp và bồi dưỡng hội viên mới làm công tác LLPB, nhằm phát triển và trẻ hóa đội ngũ, đáp ứng yêu cầu của thời đại.

Nhận thức được khó khăn, hạn chế, thiết nghĩ các tác giả viết lý luận, phê bình, sau khi được định hướng và được thổi bùng đam mê, nhiệt huyết, chắc chắn kết quả hoạt động sẽ được nâng cao về chất lượng và hiệu quả để đáp ứng sứ mệnh “Lý luận, phê bình là một thành tố hữu cơ trong đời sống văn học, nghệ thuật; có chức năng thẩm định, đánh giá tác phẩm, tác giả, phát hiện các giá trị, các quy luật, dự báo, phát hiện cái mới; tham gia điều chỉnh, định hướng cho sự vận động, phát triển của văn học, nghệ thuật”.

Đỗ Nguyên Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.