Tạp chí Nhật Lệ, “tráng niên” tuổi 30
Sự có mặt của ông Cao Văn Định, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và ông Hoàng Xuân Tân, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tại Lễ kỷ niệm 30 năm Tạp chí Nhật Lệ ra đời và phát triển và nhiều cộng tác viên thân thiết, dẫu xa xôi như Hà Nội, Đắk Lắk, Bình Định... cho thấy ảnh hưởng của tạp chí văn học nghệ thuật này.
Tạp chí Nhật Lệ là kết quả kết hợp giữa hai cơ quan ngôn luận gồm tờ tin Văn hóa - Đời sống của Sở Văn hóa, Thông tin và tập san Văn nghệ Quảng Bình của Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình, thành Tạp chí Văn hóa Văn nghệ. Tháng 3/1996 thì được đổi tên thành Tạp chí Nhật Lệ và xuất bản mỗi tháng một kỳ.
30 năm ở tuổi “tráng niên”, Tạp chí Nhật Lệ là một trong những tạp chí chuyên ngành văn học nghệ thuật ngày một khẳng định thương hiệu, uy tín nhờ chất lượng tác phẩm, phạm vi “phủ sóng” đối với bạn đọc yêu văn học nghệ thuật.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình Cao Văn Định trao bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông cho Tạp chí Nhật Lệ.
Trong phát biểu của mình, nhà văn Lê Na Tổng biên tập Tạp chí Nhật Lệ, nhà văn xúc động: “Clip Hành trình 30 năm của Tạp chí, dài chưa đến 30 phút, không thể chuyển tải hết tất cả những gì Nhật Lệ đã trải qua, mà chỉ phần nào cho chúng ta hình dung một số dấu mốc quan trọng, một số vấn đề cơ bản của Tạp chí Nhật Lệ trong quá trình không ngừng hoàn thiện và đổi mới, xác lập vị trí trong hệ thống báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép”.
Kỷ niệm, bao giờ cũng là dịp để tri ân. Trước là tri ân các thế hệ lãnh đạo thời kỳ đầu, dẫu đã có người về miền mây trắng; tri ân cộng tác viên và bạn đọc; sau nữa là nhìn lại để bước tiếp trên con đường vì cái đẹp của đời sống, vẻ đẹp của thân phận trong mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật mà Tạp chí Nhật Lệ hướng tới.
Nhật Lệ, tạp chí mang tên một dòng sông ở Quảng Bình. Đó là cơ quan ngôn luận của Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình, tiếng nói của lực lượng văn nghệ sĩ ở địa phương. Nhà văn Lê Na có cách ví von gần gũi: “Tạp chí Nhật Lệ được xem là cơ quan chuyên tuyển chọn trưng bày, giới thiệu sản phẩm, thành quả lao động sáng tạo của lực lượng văn nghệ sĩ với công chúng địa phương mình, và với cả nước”.
30 năm qua, Tạp chí Nhật Lệ đã trải qua 5 đời Tổng biên tập, nhà thơ Văn Lợi, là Tổng biên tập đầu tiên; kế tiếp là nhà văn Hoàng Thái Sơn, nhà văn Hoàng Văn Bàng, nhà thơ Nguyễn Bình An… mỗi thời kỳ đều để lại dấu ấn đáng ghi nhận. Nhà văn Nguyễn Thị Lê Na, Tổng biên tập đương nhiệm, khi được bổ nhiệm là Tổng biên tập trẻ nhất trong 63 tạp chí văn học nghệ thuật của các tỉnh, thành phố.
“Trong hoàn cảnh nào, Tạp chí cũng nhằm một mục đích là phục vụ bạn đọc một cách thỏa mãn nhất các giá trị nội dung và hình thức. Có được 1000 bản cho mỗi số tạp chí được phát hành trong tỉnh và cả 63 tỉnh thành trong cả nước, là cả một quá trình nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ tạp chí đếm trên đầu ngón tay trong bối cảnh hội nhập và phát triển, thế kỷ của công nghệ thông tin, các loại hình báo chí bùng nổ và phát triển hùng hậu”, chị chia sẻ.
Quảng Bình là một trong các địa phương vùng Bắc miền Trung. Quảng Bình là tỉnh có bề dày truyền thống văn hóa, truyền thống lịch sử đáng tự hào; quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp huyền thoại. Nơi đây từng là “tuyến lửa” trong những năm tháng đấu tranh thống nhất nước nhà. Hiện nay Quảng Bình đang nỗ lực vươn lên cùng cả nước, vì cả nước. Nhật Lệ có sứ mệnh cất lên “tiếng nói” từ tâm thức mang dấu ấn văn hóa của vùng đất ấy, con người nơi ấy.
Tạp chí Nhật Lệ có đề tài phong phú, phản ảnh sâu rộng qua nhiều thể loại như truyện ngắn, thơ, truyện dịch văn học nước ngoài, lý luận phê bình văn học, nghiên cứu văn hóa, tranh ảnh nghệ thuật, nhạc, bút ký, tản văn... . Bức tranh về cuộc sống lao động sáng tạo, tâm hồn con người Quảng Bình hiện lên khá rõ nét trên từng số tạp chí.
30 năm với 352 kỳ xuất bản, Tạp chí Nhật Lệ đã đăng tải hàng chục ngàn tác phẩm thuộc các thể loại văn học nghệ thuật có giá trị cao về nội dung tư tưởng và nghệ thuật không chỉ mang đậm dấu ấn văn hóa mà còn là bức tranh sinh động về cuộc sống, chiến đấu và lao động sáng tạo của con người Quảng Bình hôm qua và hôm nay.
Nhà thơ, đại tá Mai Nam Thắng, một cộng tác viên ở Hà Nội, dù là con em Quảng Bình nhưng đánh giá nghiêm cẩn: “3 thập niên vừa qua, Tạp chí Nhật Lệ đã ghi được dấu ấn chặng đường sáng tác của rất nhiều tên tuổi, trong đội ngũ đông đúc các tác giả, đã làm nên diện mạo văn học một vùng đất, hòa vào dòng chảy văn học Việt Nam đương đại... và xứng đáng là một tờ báo văn nghệ của quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp giàu truyền thống cách mạng và nhân văn”.
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, một trong những “cây đa, cây đề” của văn học nghệ thuật Quảng Bình cho biết, nhìn vào Tạp chí Nhật Lệ, có thể hình dung được tất cả, sức vóc đội ngũ, nội lực văn chương và nghệ thuật của Quảng Bình. Gần như biện chứng, khi đội ngũ văn nghệ sĩ mạnh lên, chất lượng của tạp chí văn học nghệ thuật địa phương nơi đó càng cao. Cũng từ qua Tạp chí này, nhiều hội viên Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật Quảng Bình, bên cạnh những nhà văn lớp trước như Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Thế Tường đã có đội ngũ trẻ trung tiếp nối. Đó là các nhà văn Nguyễn Thị Lê Na, Nguyễn Hương Duyên, ThS. Hoàng Thụy Anh, Trác Diễm, TS. Mai Liên Giang; các nhà thơ Thái Hải, Đỗ Thành Đồng. Nhiều tài năng văn chương trẻ đã và đang đầy nội lực sáng tạo, như nhà thơ Ngô Mậu Tình, Hoàng Thùy, Lê Minh Thắng, Trần Thị Huê...
Tổng biên tập Nguyễn Thị Lê Na tri ân các thế hệ đi trước và những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tạp chí.
Theo Tổng biên tập, nhà văn Nguyễn Thị Lê Na, không chỉ phát hiện, “ươm mầm” năng khiếu ở địa phương, Tạp chí Nhật Lệ đã xây dựng được đội ngũ cộng tác viên khá mạnh và rộng khắp trong cả nước, trong đó có nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi trên văn đàn như Bảo Ninh, Trần Quang Đạo, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Việt Chiến, Đoàn Văn Mật...
“Để có được sự yêu mến của độc giả, sự cộng tác tích cực của bạn viết, trước hết, nhờ đội ngũ biên tập viên Tạp chí lao động nghiêm túc với phương châm vừa thu hút được tác phẩm có chất lượng, vừa chú trọng bồi dưỡng, giới thiệu tác giả trẻ trong tỉnh”, nhà văn Nguyễn Thị Lê Na cho biết.
Là một cơ quan báo chí, Tạp chí Nhật Lệ đã tăng cường bám sát tôn chỉ mục đích, luật báo chí và nhiệm vụ chính trị của địa phương để phản ánh kịp thời, sâu sắc về vùng đất và con người Quảng Bình thông qua lăng kính sáng tạo của văn nghệ sĩ. “Mọi nguồn lực không ngoài mục đích nâng cao chất lượng nội dung và đổi mới về hình thức, hướng đến những giá trị tốt đẹp, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn học của mọi đối tượng độc giả, nhằm xứng đáng là một tờ báo văn nghệ của quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp giàu truyền thống cách mạng và nhân văn”, Tổng biên tập khẳng định.
Trước kỷ niệm 30 năm Tạp chí Nhật Lệ ra số đầu tiên không lâu, Quảng Bình kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh, 75 năm “Quảng Bình quật khởi”, 35 năm ngày tái lập tỉnh. Tạp chí Nhật Lệ nhận rõ sứ mệnh, đã và đang cố gắng tiếp nối thành quả các thế hệ đi trước để lại, trưởng thành và phát triển, khẳng định vị trí của mình trên văn đàn cả nước.
Bám sát tôn chỉ, mục đích, giữ vững định hướng đồng thời phải nâng cao chất lượng tác phẩm thật không dễ dàng. “Mọi lĩnh vực của Tạp chí phải luôn mang đậm tính nghệ thuật, tính chiến đấu, thực sự là công cụ đắc lực của Đảng bộ tỉnh trên lĩnh vực tư tưởng và văn học nghệ thuật. Tạp chí cần quan tâm hơn nữa đến việc phát hiện, tạo nguồn cho lực lượng kế cận, chú trọng công tác chuyển đổi số, xây dựng đội ngũ cộng tác viên có chất lượng cao nhằm tạo sức “bền” cho tạp chí”, phát biểu của ông Cao Văn Định, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa có ý nghĩa chỉ đạo, vừa là sự chia sẻ, thấu cảm.
Ngày 17/7, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Hội Văn học Nghệ...
Bình luận