Ánh sáng chốn u minh (truyện ngắn)
Vào tiết thu, thường là tháng mười một, đôi khi có những ngày ẩm ướt, âm u, ảm đạm đến nỗi ngay cả người khoẻ mạnh cũng không chịu nổi. Từ dạo Kamionka không được khoẻ trong người, phải bỏ dở công việc làm bức tượng “bà phước” thì những bữa xấu trời như vậy hành hạ gã còn tệ hại hơn cả bệnh tật của bản thân gã.
Sáng sáng gã lóp ngóp nhỏm dậy khỏi giường, ra lau tấm kính đại cỡ, đoạn ngước nhìn lên cao, những mong được nom thấy dẫu chỉ một mảnh trời xanh. Buồn thay, sáng nào nỗi thất vọng cũng chờ sẵn gã. Màn sương mù xám xịt và nặng chịch lửng lơ ngay bên trên mặt đất; trời không mưa, vậy mà những viên đá lát sân nom tựa những miếng bọt rửa bát sũng nước. Cái gì cũng nhày nhụa, cũng trơn nhẫy, cũng ướt đầm đìa, từng giọt nước rơi đều đều từ ống máng nghe nẫu ruột, chừng như để đo giờ sầu lúc này đang ì ạch lết đi. Cửa sổ xưởng tượng nhìn ra mảnh sân, tiếp đó là khu vườn. Thảm cỏ phía sau hàng rào gỗ gượng ngả một màu xanh ốm yếu, găm chặt trong đó nỗi chết chóc và lụi tàn; còn cây cối với những lá vàng còn sót lại, cành thâm đen vì ẩm, lại bị sương mù bao phủ, thì dường như đang thực sự sống dở, chết dở.
Chiều chiều, giữa những lùm cây vang vọng tiếng quạ khoang, những con quạ khoang bỏ rừng, bỏ đồng ruộng bay về thành phố trú đông, chúng vỗ cánh phành phạch, đậu xuống, ngủ đêm trên những cành cây. Vào những ngày như vậy, xưởng tượng trông tang thương như một nhà xác. Đá cẩm thạch và thạch cao cần có nắng trời, song lúc này, trong căn phòng tối tăm, màu trắng của chúng hoá màu tang; những bức tượng người bằng đất nung đen khi đã mất đi mọi đường nét bỗng hoá thành những hình thù kỳ dị, rùng rợn. Bẩn thỉu và bề bộn khiến căn xưởng càng u buồn. Nền nhà ngập ngụa bụi đất nung bị giẫm nát và bùn đất theo chân từ ngoài đường vào. Tường nhà mờ mờ, ảo ảo, chỉ đôi chỗ có bày những mô hình tay và chân bằng thạch cao; phần còn lại trống không; nơi gần cửa sổ treo một tấm gương nhỏ, bên trên có cái sọ ngựa và bó hoa vải nhuốm bụi đen nhẻm. Chiếc giường một phủ tấm chăn bông cũ, kê trong góc xưởng, kề bên là chiếc tủ đầu giường, trên đặt một giá nến bằng sắt.
Vì phải tằn tiện, Kamionka không thuê nhà ở riêng biệt, gã ngủ luôn tại xưởng. Mọi khi vẫn có một bức bình phong che giường, nhưng giờ đây đã xếp lại để cho người bệnh dễ nhìn ra ô cửa sổ phía chân mình, xem trời có hửng nắng hay không. Một chiếc cửa sổ khác to hơn, trên sát trần nhà, bụi phủ bên ngoài dày đặc đến nỗi, ngay cả những ngày quang mây, ánh sáng qua đó hắt vào phòng cũng là thứ ánh sáng mờ ảo, u buồn. Tuy nhiên, trời không hửng nắng.
Ảnh minh họa
Sau mấy ngày u ám, mây hạ thấp tè, khí trời sũng nước, sương mù dày đặc khiến trời càng tối hơn. Lâu nay, bao giờ Kamionka cũng để cả quần áo đi nằm, bữa nay thấy người ốm yếu hơn nên gã cởi hẳn quần áo, nằm không buồn ngóc đầu dậy. Thực ra gã đau khổ, chán nản, tiều tụy và âu sầu chẳng phải vì gã mắc một căn bệnh cụ thể nào. Chứng suy nhược cơ thể đã đốn gục gã. Gã chưa định lìa đời, song cũng không cảm thấy mình còn sức sống. Những ngày trời u ám, gã cảm thấy thời gian vốn đã dài lại càng dài lê thê khi gã đơn độc một mình. Vợ gã đã qua đời trên hai mươi năm nay, bà con họ hàng nhà gã sinh sống ở tận miền xa, mà gã thì chẳng chịu ở chung với bạn hữu. Mấy năm vừa rồi bạn bè thân quen dần dà xa lánh gã, bởi gã ngày càng bẳn tính. Lúc đầu người ta hay trêu đùa gã, nhưng rồi sau đó, khi gã ngày càng trái tính, khi mỗi lời nói đùa đều khiến gã giận lâu, thì ngay cả những người thân cận nhất cũng thôi quan hệ với gã. Người ta còn bảo gã là kẻ xấu, rằng phải một thế kỷ nữa thì may ra gã mới thành người thánh thiện được. Và rồi người ta sinh nghi tính thật thà của gã. Những kẻ ác bụng thì lại bảo gã la cà trong các nhà thờ chẳng qua là để kiếm chác nhờ quan hệ với các đức cha. Thực ra không phải như vậy. Lòng thánh thiện của gã có thể không bắt nguồn từ niềm tin sâu lắng, song nó vô tư.
Tuy nhiên, có một điều khiến ta lầm tưởng mối ngờ vực là có lý, bởi Kamionka ngày càng keo kiệt. Do tằn tiện, từ mấy năm nay gã ở luôn tại xưởng; có trời biết gã sống bằng cái gì, gã huỷ hoại sức lực mình đến nỗi mặt gã xanh xao vàng vọt, tựa hồ được đắp bằng sáp ong. Gã lánh xa mọi người còn vì một lẽ, để không một ai đòi hỏi gã phải làm một việc gì. Tóm lại, gã là một con người trái tính, chán đời và cùng khổ. Có điều, đây chẳng phải là một tính cách hay gặp, bởi ngay cả những tật xấu của gã cũng mang tính nghệ sĩ. Kẻ nào nghĩ rằng, một khi gã đã keo kiệt như vậy thì chắc gã phải tích cóp được ối tiền của, kẻ đó đã nhầm.
Kamionka quả là một người túng bấn, tại vì có đồng nào là gã ném sạch vào việc mua các bản khắc đồng nhét đầy một cặp, giấu tận đáy tủ, thỉnh thoảng lại giở ra xem, đếm lại rất cẩn thận, giữ khư khư như một kẻ cho vay nặng lãi đang đếm tiền. Gã cố ẩn mình cùng với sở thích này, có lẽ vì nó nẩy sinh trong tình cảnh cực kỳ bất hạnh và hụt hẫng. Có một lần, khoảng một năm sau khi vợ qua đời, gã bắt gặp tại nhà người bán đồ cổ một bức khắc đồng có hình Armida - và gã nhận ra, Armida có khuôn mặt nom y hệt gương mặt người vợ quá cố của mình. Gã bỏ tiền mua ngay tấm hình này và cũng từ dạo đó gã bắt đầu lùng kiếm những bức phù điêu khắc đồng, lúc đầu chỉ những bức có hình Armida, sau này do sở thích ngày càng tăng - gã mua bất kỳ bức khắc đồng nào. Những kẻ bị mất người thân thương nhất thường tìm mọi cách hành hạ thân xác mình, không làm vậy họ không nỡ sống. Còn nói về Kamionka thì chẳng ai lại nghĩ, con người lập dị và ích kỷ luống tuổi này đã có thời từng yêu quý vợ hơn cả mạng sống của mình. Và giá nàng không đi vào thiên cổ, thời có lẽ cuộc sống của gã đã êm thuận hơn, có tiếng tăm và người hơn.
Dẫu sao Kamionka đã nếm trải một tình yêu như vậy, từng mắn phúc, từng trẻ trung và cả tài năng cũng vậy! Lòng thánh thiện mà theo năm tháng hoá thành nếp, tạo thành phong cách sống của gã, cũng có cội nguồn từ đó. Kamionka không thuộc loại người sùng tín, tuy nhiên kể từ ngày vợ qua đời gã thường xuyên cầu nguyện cho nàng, bởi gã nghĩ bụng, đó là việc duy nhất gã có thể làm cho nàng và do vậy vẫn giữ được một sợi dây vô hình nối gã với nàng. Cái tính cách xem ra có vẻ lạnh lùng nọ lại biết yêu không ngưng nghỉ, yêu say đắm và thủy chung. Từ dạo vợ vào cõi vĩnh hằng, toàn bộ sự sống của Kamionka và tất thảy mọi nghĩ suy của gã đều quấn chặt quanh việc nhớ nàng, nhờ đó mà chúng tồn tại như cây non sống được là nhờ hút nhựa sống từ thân cây đại thụ vậy. Tuy nhiên, từ loại nhớ thương như vậy cây người chỉ có thể nhận những chất nhựa độc, được tạo nên bởi xót thương và đau khổ, cho nên Kamionka cũng bị trúng độc, bị ngã quỵ và trở nên thân tàn ma dại. Gã mà không phải là nghệ sĩ thì chắc gã đã không trụ nổi trước sự mất mát này. May thay, sự đam mê nghề nghiệp đã cứu gã, sau ngày vợ qua đời, gã đã dồn tâm lực vào việc khắc tượng nàng. Sẽ vô ích khi bảo người đang sống rằng, đối với người chết thì xây mộ thế nào chả được. Kamionka muốn Zosia ở dưới mồ phải đẹp - và gã dốc hết tâm can khắc tượng vợ mình. Nhờ vậy nửa năm đầu gã không bị quẫn trí, lại còn vợi được nỗi buồn.
Người nghệ sĩ bị hụt hẫng và bất hạnh, may thay nghệ thuật đã cứu được con người này. Từ thời khắc này Kamionka tồn tại thông qua nghệ thuật. Khi chiêm ngưỡng những bức tranh và những bức tượng tại các galeri thiên hạ đâu có nghĩ được là người nghệ sĩ có thể phụng sự nghệ thuật một cách có lương tâm hoặc ngược lại. Về mặt này thì Kamionka không chê vào đâu được. Gã không có cánh ở hai vai, chỉ có chút tài chẳng cao siêu cho lắm, và có lẽ vì vậy mà nghệ thuật không cáng nổi toàn bộ cuộc sống của gã, cũng không bù đắp nổi tất thảy những mất mát của gã - được cái gã hết mực trân trọng nghệ thuật, luôn luôn thành tâm với nghệ thuật. Suốt bao năm ròng hành nghề gã không bao giờ thèm gian dối, không bao giờ làm tổn hại nghệ thuật để được danh thơm, để mua bán, để được tiếng khen và khỏi bị chê bai.
Thời còn sung sướng, khi gã sống như mọi người khác, gã từng đi truyền bá những điều mới lạ của nghệ thuật, còn sau này, khi bắt đầu xa lánh mọi người, thời gã nghĩ về nghệ thuật một cách thành tâm và cao thượng trong căn xưởng cô quạnh của mình. Gã cảm thấy mình cô đơn hết nỗi, song le, chẳng có gì lạ trong chuyện này. Quan hệ của con người hẳn phải có một khuôn mẫu phải chăng, theo đó những người có số phận cực kỳ hẩm hiu sống tách biệt sự đời. Và đó cũng chính là nguyên do của việc họ càng trở nên kỳ dị hết nỗi và có lắm khuyết tật, y như một hòn đá bị quẳng từ dưới suối lên bờ vậy, rêu ắt mọc đầy khi nó không còn được cọ xát với những hòn đá khác nữa.
Giờ đây, Kamionka tật bệnh, không một sinh linh nào thèm đoái hoài đến xưởng tượng của gã, ngoại trừ người đầy tớ gái mỗi ngày hai bận đến dọn dẹp và pha trà cho gã. Cứ mỗi lần vào xưởng như vậy cô bé lại xin ông chủ cho vời danh y. Khốn nỗi, sợ tốn kém nên gã không chịu cho làm như vậy. Rốt cuộc gã càng kiệt sức, có lẽ gã chẳng chịu ăn một chút gì ngoài uống trà. Khốn thay, gã chẳng còn thiết bất cứ thứ gì nữa, cả ăn, cả làm, cả sống. Những suy nghĩ của gã cũng héo tàn tựa hồ những chiếc lá mà hàng ngày gã vẫn thấy rơi qua cửa sổ, những chiếc lá sao mà hợp với cái tiết thu này, với cái ẩm ướt này và với cái cảnh ảm đạm này làm vậy. Trong đời chẳng có khoảnh khắc nào lại tệ hơn cái khoảnh khắc khi người ta nhận ra rằng điều gì mình mong muốn thì đã toại nguyện rồi, điều gì thèm nếm trải thì cũng đã được nếm trải, chẳng còn thiết bất cứ thứ gì trên cõi đời này nữa.
Độ mười lăm năm nay, lúc nào Kamionka cũng ngụp trong ưu phiền, đến nỗi tài năng của gã đã cùn mòn dần. Giờ đây, khi thấy vậy, gã xót xa nghĩ thầm rằng ngay đến nghệ thuật cũng đang ruồng bỏ gã. Gã thấy mình kiệt quệ, mỏi mòn tới tận xương tủy. Gã không nghĩ mình sẽ chóng lìa đời, song gã cũng chẳng tin mình sẽ lành bệnh. Chung cục, gã không còn ấp ủ một tia hy vọng nào nữa. Lúc này giá còn ước muốn thứ gì, thì có lẽ đó là trời hửng nắng, cho ánh mặt trời tràn vào trong xưởng. Thậm chí gã nghĩ bụng, nếu được vậy thì có lẽ gã sẽ lấy lại được niềm tin. Gã là người mẫn cảm với tiết trời ẩm ướt và âm u, vào những bữa xấu trời như thế, nỗi buồn và vết thương lòng của gã càng bị khoét sâu, nhất là lúc này khi cái giờ mà Kamionka gọi là vô vọng đã đến cùng với tật bệnh!
Sáng sáng, khi người hầu gái mang trà vào, Kamionka thường hỏi: Phía xa trời đã hửng lên chưa? - Dạ, làm gì có! - người hầu gái đáp - sương mù dày đặc thế kia, đến người còn chẳng nhìn thấy mặt nhau nữa là. Nghe câu trả lời như vậy người bệnh nhắm nghiền hai mắt, rồi nằm im hàng giờ chẳng buồn nhúc nhích. Ngoài sân vẫn lặng như tờ, chỉ có những giọt nước rơi tí tách, đều đều ngoài máng nước. Mới ba giờ chiều mà trời đã tối sầm, khiến Kamionka phải đi thắp nến. Bởi lực kiệt nên gã làm việc đó chẳng dễ dàng gì. Trước khi lấy bao diêm, gã ngẫm nghĩ hồi lâu, sau đó gã mới chậm rãi duỗi đôi tay mà nét gày hằn rõ qua tay áo cho thấy, sao mà gã tiều tụy, sao mà gã khốn khổ vậy; tiếp đó gã châm đèn, rồi lại nằm bất động cho tới khi người hầu gái vào phòng lần cuối, hai mắt gã nhắm nghiền, tai nghe âm thanh của những giọt nước rơi tí tách ngoài máng nước. Lúc này nom căn xưởng mới dị thường làm sao. Ánh nến rọi vào chiếc giường, nơi Kamionka đang nằm, hội tụ vào một điểm bóng nhoáng trên vầng trán bọc lớp da khô khốc và vàng ệch, tựa hồ được đánh bóng của gã. Phần còn lại của căn phòng chìm trong bóng tối mỗi lúc càng thêm đậm đặc. Lạ thay, khi ngoài trời mỗi lúc một nhá nhem hơn, thì những bức tượng trong nhà lại càng trở nên hồng hào hơn và tràn đầy sinh khí. Khi ngọn nến càng thấp xuống thì những bức tượng kia cang cao thêm và trong ánh lửa chập chờn, cái này càng thấp, cái kia càng cao thêm khiến ta có cảm giác, hình như những bức tượng đó đang cố kiễng chân lên đặng nhìn cho rõ hơn gương mặt héo mòn của nhà điêu khắc, để xem người sáng tạo ra chúng lúc này có còn sống hay không. Và dĩ nhiên, trên khuôn mặt này đã phần nào biểu lộ cái bất động của sự chết. Nhưng khi hai làn môi xám xịt của người bệnh thảng hoặc khẽ mấp máy, chừng như để cầu nguyện, hoặc để nguyền rủa nỗi cô quạnh của mình, thì âm thanh nghe buồn nẫu ruột của những giọt nước vẫn rơi đều đều ngoài kia như đang đo thời gian bệnh tật của gã.
Một tối nọ, người hầu gái vào phòng, bởi có chút hơi men, nên cô nàng có phần mau mồm hơn mọi bữa, cô bé nói: Công việc của con bây giờ ngập đầu, mỗi ngày hai bận vào hầu ông con không làm xuể. Hay là ông cho kiếm một bà phước, bởi nhờ bà phước thời chẳng tốn kém gì mà lại khéo chiều người ốm. Lẽ ra Kamionka ưng lời khuyên đó, phải cái, thói thường những người trái tính vốn bao giờ cũng cưỡng lại những gì người khác khuyên răn, cho nên gã không thuận. Nhưng sau khi người hầu gái ra ngoài, gã bắt đầu suy ngẫm chuyện này. Bà phước hả?... Thực không? Chẳng tốn kém, có điều làm vậy phỏng ích chi, lợi lộc gì?
Cũng như người bệnh phải sống cảnh đơn côi, Kamionka đã nếm trải muôn vàn khổ đau, phải đương đầu với muôn vàn nỗi khốn khó từng làm cho gã điêu đứng nản lòng. Đã bao lần gã ngoẹo đầu ở tư thế bất thuận hàng giờ, rồi sau đó mới sửa gối; đã bao lần giữa đêm thâu gã lạnh run người và Chúa mà biết được một cốc trà nóng lúc đó quý hoá biết nhường nào thì ắt Ngài đã ban cho gã. Khốn thay, chỉ thắp ngọn nến thôi mà gã còn trầy trật làm vậy, thì gã đâu dám nghĩ tới chuyện đi đun nước uống cho mình, có phải vậy không nào? Bà phước có thể làm tất thảy những việc đó với sự tất bật đầy vẻ nuông chiều của những người như vậy. Một khi có người đỡ đần như thế, người bệnh đỡ khổ biết nhường nào! Rốt cuộc người đàn ông khốn khổ đi tới chỗ nghĩ về bệnh tình trong hoàn cảnh hiện nay của mình như là nghĩ về một cái gì đó thuận buồm xuôi gió và gã lấy làm lạ khi nghĩ, sao cái phúc như vậy lại có thể đến ngay cả với gã. Gã còn mường tượng rằng bà phước mà đến đây, mang theo một chút vui và lòng tự tin cho xưởng tượng thì ngoài kia trời ắt quang mây và những giọt nước vẫn rơi hoài, nghe nẫu ruột, sẽ thôi hành hạ gã. Cuối cùng gã thấy tiếc là mình đã không bằng lòng ngay tức khắc với lời khuyên của người hầu gái.
Một đêm dài và buồn lại sắp ập đến, mà người hầu gái thì mãi tận sáng mai mới vào thăm gã. Bây giờ thì gã hiểu rằng, với gã, đêm nay sẽ là một đêm nặng nề hơn tất thảy những đêm đã qua. Rồi gã chợt nghĩ, quả thực gã là một kẻ cùng khổ - và ngược lại với cảnh bần hàn hôm nay, những năm tháng sung sướng ngày trước như đang hiện ra rõ mồn một ngay trước mắt gã. Và cũng như ban nãy, gã nghĩ về bà phước, giờ đây trong bộ não yếu mềm của gã, những năm tháng sung sướng lại gắn liền một cách kỳ dị như vậy với khái niệm mặt trời, ánh sáng và quang mây. Gã nghĩ về người vợ quá cố của mình, gã trò chuyện với nàng, như gã vẫn thường làm mỗi khi trong người cực kì khó chịu. Sau chót gã mệt nhoài, kiệt sức và ngủ thiếp luôn. Ngọn nến đặt trên tủ cạnh giường đang dần dần cháy hết. Ngọn lửa hồng của nó bỗng hoá xanh lè, sau đó bùng cháy mấy lần rồi tắt ngấm. Bóng tối tràn ngập căn xưởng. Và lúc này, ngoài trời những giọt nước vẫn rơi tí tách, đều đều, nghe nẫu lòng đến nỗi chừng như cái tối tăm và sầu muộn của cả đất trời đang được cất lọc qua chúng.
Kamionka ngủ hồi lâu trong mộng mị, nhưng thình lình gã tỉnh giấc với cảm giác trong xưởng có gì đó dị thường. Ngoài trời đã rạng đông, đá hoa cương và cẩm thạch bắt đầu nổi trắng. Tấm cửa sổ rộng kiểu Venexia, nằm thẳng với hướng giường, mỗi lúc càng ngập trong ánh nắng vàng nhạt. Trong làn sáng đó, Kamionka bắt gặp một dáng người đang ngự bên giường. Gã giương to hai mắt, nhìn chằm chằm vào người này: đó là bà phước. Người đàn bà ngồi bất động, mặt quay về phía cửa sổ, đầu cúi gằm. Hai tay nàng đặt trên hai đầu gối, hình như nàng đang cầu nguyện. Người bệnh chẳng thể nhìn được mặt nàng; tuy nhiên gã nom thấy chiếc mũ trùm đầu màu trắng của nàng và cái dáng đen đen của đôi bờ vai có phần gầy guộc. Tim gã đập thình thịch, một loạt câu hỏi hiện lên trong đầu: Người hầu gái đưa bà phước này vào đây lúc nào vậy? bà ta vào đây bằng đường nào? Nhưng sau đó gã lại nghĩ thầm, có lẽ do đuối sức nên gã ngộ nhận vậy thôi, rồi gã nhắm nghiền hai mắt. Sau chốc lát gã lại mở mắt ra. Bà phước vẫn ngồi nguyên vị, không động đậy, chừng như đang chìm đắm trong cầu nguyện. Cảm xúc lạ lùng được tạo nên bởi sợ hãi và mừng rỡ khiến người bệnh dựng tóc gáy. Có cái gì đó khiến gã căng mắt nhìn người đàn bà này. Gã cảm thấy, hình như gã đã từng gặp nàng, có điều ở đâu và khi nào? - Không nhớ nổi. Bỗng gã thèm được nhìn mặt nàng ngay tức khắc, chiếc mũ trùm đầu trắng lại che khuất mất mặt nàng. Kamionka cũng chẳng hiểu sự thể ra làm sao nữa, gã không dám gọi, không dám động vào người nàng, không dám thở mạnh. Gã chỉ cảm nhận một điều là nỗi hãi hùng cùng nỗi vui mừng mỗi lúc càng ôm chặt lấy gã và gã tự hỏi mình với nỗi ngạc nhiên: đó là cái gì vậy?
Lúc này căn phòng hoàn toàn sáng tỏ. Và ngoài trời chắc phải là một buổi ban mai tuyệt vời. Thình lình ánh sáng ập vào xưởng mà chẳng cần cửa nào, nó mạnh mẽ, rực rỡ và hân hoan như thể đang độ xuân về hoặc tiết trời tháng năm. Những đợt sóng ánh vàng cuộn dâng như trận lụt ập vào phòng, chúng ngập tràn đến nỗi, những bức tượng đá cẩm thạch cũng bị chìm nghỉm và hoà tan trong biển sáng này, tường nhà hoà quyện với chúng để rồi sau đó tan biến hẳn - và Kamionka nằm đó như đang nằm trong một không gian vô tận, chan hoà ánh sáng. Giờ đây gã nhận thấy rằng chiếc mũ trùm đầu của bà phước mất dần nét trắng, viền mũ rung rinh, nhoà tan, lan toả tựa làn sương trắng và cũng hoá thành ánh sáng. Bà phước chậm rãi quay mặt về phía người bệnh - và bỗng nhiên con người khốn khổ cô đơn này bắt gặp trong vầng hào quang sáng chói gương mặt thân quen, trăm phần yêu thương của người vợ quá cố của mình. Gã vụt đứng dậy khỏi giường, và từ lồng ngực gã bật ra tiếng gọi, trong đó chứa đựng những năm ròng đẫm lệ, những nhớ thương, buồn tủi và thất vọng. Zosia! Zosia! Và gã ôm chầm lấy nàng, ghì chặt nàng vào mình. Còn nàng cũng đưa hai tay ôm lấy cổ gã. Ánh sáng mỗi lúc càng tràn trề. Chàng không quên em - rốt cuộc cô nàng cất lời - vậy nên em đã về đây để cho chàng đi được thanh thản. Kamionka vẫn ôm chặt nàng trong vòng tay mình, dường như gã sợ cái bóng ma ban phước sẽ biến luôn cùng với thứ ánh sáng này. Anh đã sẵn sàng, - gã đáp lại, - miễn là em ở lại cùng anh. Nàng mỉm cười với gã bằng nụ cười thiên thần, đoạn rút một tay ra khỏi cổ gã, chỉ xuống phía dưới, rồi nàng nói: Anh đã đi rồi còn gì: nhìn kìa! Theo hướng tay nàng chỉ, Kamionka nhìn ra xa, xuống phía dưới chân, ngó qua khuôn cửa sổ sát trần của căn xưởng tối tăm, cô quạnh của mình; trên chiếc giường trong căn phòng đó xác của gã nằm sóng xoài, mồm há hốc trên khuôn mặt vàng ệch nom y như một cái hố đen ngòm. Và gã nhìn vào cái xác tiều tụy đó như nhìn vào một vật xa lạ. Thế rồi, sau giây lát mọi thứ biến mất dần khỏi mắt gã, bởi thứ ánh sáng bao quanh chúng chừng như bị gió âm phủ xua đẩy đã lui về miền xa xăm...
Nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự bên tượng đài nhà văn Henryk Sienkiewicz (Ba Lan), Nobel văn học năm 1905.

Sau các tập thơ "Người ở đầu nguồn", "Bóng cây chu đồng", "Hồn chiêng", "Cánh bông dàn mải miết", Thơ chọn...
Bình luận