Chùm truyện trào phúng của Slawomir Mrozek

Slawomir Mrozek, là nhà văn, kịch tác gia, họa sĩ biếm họa nổi tiếng của Ba Lan. Ông được tôn vinh là nhà văn trào phúng số một của đất nước đại bàng trắng tại vùng Đông Âu. Những tác phẩm châm biếm giầu tính bi hài của ông thường nêu lên vấn đề quan hệ giữa cá nhân với tập thể, những truyện trào phúng phê phán thói hư tật xấu là nhằm phản bác lối tư duy thấp kém, những nghịch lý của đời thường và phương cách giáo dục thô thiển. Truyện của S. Mrozek chứa đựng nhiều ý tứ, lắm triết lý và răn đời tinh tế. Có những truyện người ta phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới cảm thụ hết được chiều sâu của tác phẩm, càng đọc càng phát hiện ra nhiều ý tưởng, càng suy ngẫm càng thấy hay. Dưới đây xin trân trọng giới thiệu chùm truyện ngắn của ông.

Chùm truyện trào phúng của Slawomir Mrozek - 1

Slawomir Mrozek, là nhà văn, kịch tác gia, họa sĩ biếm họa nổi tiếng của Ba Lan.

Tượng nhà phân tâm học

Đại hội các nhà phân tâm học toàn thế giới đã thông qua quyết nghị dựng tượng Zygmunt Freud, người sáng lập môn phân tâm học. Phương án đầu tiên dự kiến tượng Freud sẽ to như thật, bằng đá hoa cương hoặc bằng đồng đỏ, cùng hai người đàn bà làm biểu tượng. Người đàn bà thứ nhất là biểu tượng của tiềm thức, ngồi trên đùi trái của nhà phân tâm học, còn người đàn bà thứ hai, tức ý thức, trên đùi phải của ngài.

Chùm truyện trào phúng của Slawomir Mrozek - 2

Zygmunt Freud (1856 - 1939) - Ông là người đặt nền móng và phát triển học thuyết phân tâm học.

Còn một điều phân vân, cho hai tay của Freud làm gì đây. Không nói tay phải, bởi đương nhiên là tay phải của ngài phải đặt lên đầu nàng Ý Thức. Nhưng tay trái đặt vào đâu, việc cho tay trái của ngài đặt lên đầu nàng Tiềm Thức có nhiều ý kiến không  nhất trí.

Nhưng rồi một vấn đề quan trọng hơn đã khiến người ta gác chuyện không nhất trí nói trên lại, để bàn sau. Đó là, trong quần thể tượng đài thiếu hẳn biểu tượng của siêu ý thức. Bởi lẽ Freud không thể có tới ba chân, nên người ta đã đặt người đàn bà biểu tượng siêu ý thức đứng sau lưng ngài.

Tuy nhiên, vị trí thống soái của siêu ý thức, cho dù chỉ đúng về mặt khoa học (siêu ý thức phải chiếm ưu thế đối với ý thức và tiềm thức) đã lưu ý các nhà phê bình rằng, bản thiết kế  không phân biệt rành rọt giữa ý thức và tiềm thức. Cả hai người đàn bà biểu tượng này ngồi ngang bằng nhau, mỗi người trên một đùi của nhà phân tâm học.

Cho nên người đàn bà biểu tượng của tiềm thức đã được chuyển từ đùi Freud  xuống ngồi chỗ bàn chân ngài.

Bây giờ thì mọi cái đã đúng thứ tự cần có. Nàng Tiềm Thức ngồi nơi  bàn chân nhà bác học, đúng vị trí của mình, trên nữa là nàng Ý Thức, còn  nàng Siêu Ý Thức cao hơn cả. Phương án này loại trừ được vấn đề, tay trái, tức cánh tay phía nàng Tiềm Thức của Freud làm gì.

Khi làm lễ cắt băng khánh thành tượng đài người ta lại thấy Freud đang gãi đầu. Thật là chuyện đáng xấu hổ, bởi lẽ cử chỉ này chứng tỏ ngài có điều gì đó phân vân, thậm chí phiền lòng.

Ngay lập tức người ta cho che tượng lại, sau đó thay bức tượng bằng một tác phẩm điêu khắc trừu tượng - một quả cầu trên khối lập phương. Mỗi người xem ắt tìm thấy trong tác phẩm điêu khắc này cái người ta muốn, còn ngành tâm thần học đã có thể phát triển mà không gặp trắc trở nào.

Nhà thám hiểm bị lãng quên

Ngày nay không còn ai nhớ đến thuyền trưởng Lewandowski, mặc dầu ông là một trong những người đầu tiên đã khám phá ra không chỉ Bắc cực, mà cả  Nam cực. Các nhà thám hiểm khác như Amundsen, Nobile, Peary hay Byrd đều đã đi vào lịch sử, còn Lewandowski - không.

Nguyên nhân của sự lãng quên này có thể là do một học thuyết kì cục mà Lewandowski đã suốt đời bênh vực. Khi phát hiện ra Bắc cực, Lewandowski khẳng định rằng, đó hoàn toàn không phải là Bắc cực mà là Nam cực nằm ở phía bắc do đã có một sự trục trặc nào đó trong tự nhiên. Tất nhiên ông đã gặp ngay một lập luận nói rằng, nếu có một cực nào đó ở Bắc, thì đương nhiên nó là Bắc cực chứ sao. Tuy nhiên học thuyết của Lewandowski là học thuyết theo triết lý Platon, nghĩa là  bắt nguồn từ giả thuyết duy tâm cho rằng, tên gọi là sự thật của sự vật, chứ không phải sự vật là sự thật của tên gọi. Giả thuyết duy tâm đó bị khoa học bác bỏ từ lâu, khiến Lewandowski đã không còn làm gì được nữa.

Chùm truyện trào phúng của Slawomir Mrozek - 3

Ảnh minh họa

Tuy nhiên ông không chịu thua cuộc. Phớt lờ những lý lẽ của những người theo chủ nghĩa hiện thực, ông chứng minh một cách lô gích rằng, một khi Cực do ông phát hiện ở phía bắc là Cực Nam thì Bắc cực phải nằm ở phía nam. Khi người ta cứ tiếp tục chế nhạo, ông đã dùng thử nghiệm bênh vực quan điểm của mình là quan điểm chính xác về lô gích, song do tiền đề sai nên là điên rồ. Vượt qua vô vàn khó khăn, ông đã tới được Nam cực, sau đó ông tuyên bố rằng, ở đây ông đã phát hiện ra Bắc cực. Được hỏi, làm thế nào để phân biệt được Bắc cực nội tại với Nam cực nội tại, bất luận  cực nào nằm ở Bắc, cực nào nằm ở Nam, ông ta trả lời: “Tôi cảm nhận điều đó”.

Câu trả lời này, một câu trả lời thật là chủ quan đến vô lý đã kết liễu số phận của ông. Người ta coi ông là một kẻ cuồng si bệnh hoạn, và không còn để ý đến ông nữa. Ông đã qua đời trong sự lãng quên cho tới tận ngày nay.

Tại sao bây giờ ta lại nhắc tới Lewandowski? Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng, hành tinh của chúng ta đang có gì đó bất ổn. Không một ai hài lòng với tiến trình và sự vận hành của các vấn đề trái đất của chúng ta. Vậy thì có lẽ học thuyết nhầm hai Cực của nhà thám hiểm, thuyền trưởng Lewandowski đáng được xem xét lại.

Nobel

Nhà thơ, người được giải Nobel văn học đến thị trấn của chúng tôi tham dự cuộc giao lưu với công chúng. Chúng tôi lấy làm vinh dự lắm, bởi lẽ nhà thơ lớn mà thị trấn của chúng tôi lại bé. Có nhiều bài phát biểu, có đội nhạc chào mừng, sau đó là đại tiệc trong hội trường rực rỡ mầu hoa.

Cuộc đại tiệc đang giữa chừng, người được giải Nobel cảm thấy bụng dạ bất an, cần phải vào nhà vệ sinh, ông ta bèn lẻn ra ngoài. Một hồi lâu chẳng thấy vị thượng khách quay vào. ông Thị trưởng đành phải thân chinh ra ngoài đó xem sao, biết đâu vị khách bị ngất xỉu.

Ở ngoài tiền sảnh ông Thị trưởng gặp bà già trông coi nhà vệ sinh và ông nhà thơ được giải Nobel.

    - Tôi không cho ông ta vào nhà vệ sinh đâu! - bà cụ trông coi nhà vệ sinh nói oang oang với ông Thị trưởng. - Ông ta không có tiền lẻ để vào cửa.

    - Nhưng thưa cụ, ông ta có Nobel!

    - Đúng, ông ta cũng nói với tôi như vậy. Tôi cũng đã định cho ông ấy vào, thậm chí chẳng phải tiền nong gì hết, tôi già rồi, tôi thương người lắm. Có điều một khi ông ta đã tự thú nhận mắc căn bệnh hiểm nghèo này thì tôi chẳng thể linh động cho ông ta vào được nữa. Việc gì tôi lại để cho ông ấy làm lây bệnh sang các khách hàng của tôi, có phải không nào? Một khi có Nobel(*)thì ông ta hãy đi chữa trị, chứ đừng mò tới các nhà vệ sinh lịch thiệp. Không tài nào thuyết phục nổi bà già, ông nhà thơ được giải Nobel đành đi ra ngoài chỗ có bụi cây. Ông ta bảo, chẳng hề chi, song hình như ông ta bực mình.

Sau khi ông khách rời thị trấn, bà già nọ bị mất việc. Bây giờ trông coi nhà vệ sinh là một chàng thanh niên tốt nghiệp đại học, có tri thức, nên hiểu rõ Nobel là gì. Có điều, chẳng biết mai này có còn Nobel nào khác đến thị trấn chúng tôi nữa hay không?

(*)Nobelium là nguyên tố phóng xạ nhân tạo mang tên nhà bác học Thụy Điển Alfred Nobel, cũng là tên của căn bệnh bị nhiễm chất phóng xạ - ND.

Lê Bá Thự dịch

Tin liên quan

Tin mới nhất