Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Sau nhiều năm lâm bệnh ung thư, khi thì qua, khi thì nặng trở lại, nhà thơ thương binh Hoàng Cát đã về cõi vĩnh hằng vào ngày 1 tháng 7 năm 2024, đúng vào đầu tháng có kỉ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, hưởng thọ 83 tuổi. Nhà thơ sinh năm 1942 tại quê nhà Nghệ An, nhưng đã cư trú liên tục tại Hà Nội từ năm 1960.

Ông thuộc số những nhà thơ thương binh viết nhiều và rất nặng lòng về Thương binh - Liệt sĩ. Ấy là chùm thơ trong hệ thống nhiều trăm bài thơ về tình đời, gồm: tự thán, cảm hứng về bản thể; tình yêu đối với gia đình, tình yêu đối với phái đẹp cùng bạn bè; ký ức chiến tranh, đời sống thời hậu chiến...

Đời Hoàng Cát có nhiều trắc trở, buồn đau và chính ông cũng là thương binh (hạng A) thời chống Mỹ cứu nước, bởi thế viết về sự mất mát trong chiến tranh, thơ ông xối trào cảm xúc, nhiều khi chạm đến tận cùng nỗi niềm xót xa như máu ứa của Cõi Người (tên tuyển thơ cuối cùng của Hoàng Cát). Ông bị "tai nạn" nghiệp văn, đời sống khó khăn nhiều năm, người vợ "vàng bạc" cũng bị ung thư, lên bàn mổ sáu lần. 

Cảm hứng tình đời trong thơ Hoàng Cát là giãi bày chân thật và sôi nổi về sự việc, tâm trạng, thường thường nảy sinh từ cá nhân - chủ thể để từ đó đi ra cộng đồng - khách thể. Chứng cớ là thơ viết về thương binh - liệt sĩ của ông, trước tiên viết nhiều về bản thân, sau đó là người trong gia đình, bạn quân ngũ...

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát - 1

Một số tập thơ của Hoàng Cát.

Năm 2009, ông Nghĩ về cái chân đã mất tại một trận đánh vào dịp Tết Mậu Thân - 1968): “Chẵn bốn mươi năm, cái chân ta đã mất/ Chiến tranh trong ta, với ký ức đa chiều/ Chưa giây phút nào ta nguôi ngoai máu thịt mình thân thiết/ Nó đã khiến dư vị cuộc đời thêm mặn chát tình yêu.../ Cái chân trái thân thương của ta ơi!/ Có lẽ từ lâu mi đã thành li ti cát bụi/ Mi đã vì ta mà sớm phải giã từ/ Nếu ngày ấy mi không đưa tấm thân mi hứng đạn/ Toàn bộ thân thể ta chắc đã hóa đất rồi/ Ta chịu ơn mi - chân trái ơi - cho tới ngày nắng tắt/ Bốn mươi năm ta da diết, khôn nguôi!/ Ta muốn được về nơi mi nằm lại/ Thăm lại rừng cây bom giập nát tơi bời/ Và thăm lại chính đời ta thuở ấy/ Thuở xanh veo, trong suốt của kiếp người/ Chưa vô được với Miền Trung đau đáu/ Ta gửi vào thơ nỗi thao thức riêng lòng/ Bốn mươi năm, chân trái không còn nữa/ Ta còn đây sự êm ả mây trôi…”

Hoàng Cát nhắc nhiều lần trong thơ về cái chân trái đã mất ấy của ông, bên cạnh những bài riêng trọn vẹn thì có nhiều câu, cụm câu. Cần dẫn thêm Ba nén hương là bài tác giả rất tâm đắc nhưng một số bạn đọc (trong đó có tôi, Phạm Đình Ân) còn băn khoăn về việc cúng giỗ cái chân. Nhưng nhà thơ Hoàng Cát vừa qua đời, xin dẫn lại bài thơ, để linh hồn ông được mát mẻ nơi chín suối:

BA NÉN HƯƠNG

Nén hương này: con thắp giỗ mẹ

Bom ập đến, mẹ lìa cõi thế.

Nén hương này: anh thắp giỗ em

Em ở lại miền Nam, không có mộ để anh tìm.

Nén hương này: tôi thắp giỗ chân tôi

Chiến tranh cướp đi, hai chục năm rồi.

Ba nén hương: Một mình tôi làm giỗ

Giỗ chính mình. Giỗ mẹ. Giỗ em tôi...

1989

Ông có bốn bài về em trai - liệt sĩ Hoàng Ba. Trong bài Nhớ em trai, ông viết: “Em đã thành ngày. Em đã thành đêm/ Nghĩ về em, anh thường ngồi yên lặng/ Mười tám tuổi đời, chưa trọn vẹn là trai/ Đã vĩnh viễn trở về trong cõi vắng/Em nằm lại nơi đâu, hỡi sông núi rộng dài? Trước Ảnh em trai, người anh ruột thịt nghẹn ngào: Em đi ngày ấy... rồi đi mãi.../ Ngã xuống nơi nao giữa chiến trường/ Phần mộ em đâu, không thể biết/ Tháng ngày em mất, cũng mù sương/ (...) Anh cất hình em, giữ ảnh em/ Nụ cười hiền hậu, mái đầu nghiêng/ Mắt như con gái, thường e thẹn/ Em có hay - anh buốt giữa tim?”.

Sau khi viết về bản thân và em trai, tác giả đã đi từ cá nhân - chủ thể ra cộng đồng - khách thể. Tiểu biểu là bài thơ Sau tiếng bom kể về việc tác giả “Tàn phế rồi, còn suýt chết thêm ba lần, khi đã nằm co ro trên cáng” trong tình huống ngặt nghèo, người lính cáng người thương binh, bỗng chốc thành liệt sĩ; anh ấy tên Linh bị nát thân, rồi sau đó địch bêu đầu trên cành cây. Thật thảm thương vô hạn, tội ác của kẻ thù gây nên chiến tranh phi chính nghĩa!

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát - 2

Nhà thơ Hoàng Cát và nhà thơ Phạm Đình Ân.

Sau năm 1975, đất nước thống nhất, Hoàng Cát đã có một số chuyến đi thăm lại chiến trường xưa. Ông làm thơ về nỗi mất mát bởi chiến tranh. Đó là những bài thơ để lại trong tâm khảm người đọc nỗi day dứt không nguôi: Vết thương chưa khép bao giờ, Chiến tranh chưa kết thúc, Kỉ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Thăm chiến địa năm xưa, Thăm nghĩa trang Trường Sơn, Hoa nở muộn trên nghĩa trang Trường Sơn, Khóc bạn chiến trường, v.v. Nổi bật nhất là bài thơ dưới đây:

TRÁI TIM TÔI LÀ MỘT NẤM MỒ

Trái tim tôi là một nấm mồ;

Tôi chôn cất Mẹ tôi bị bom tàn sát,

Tôi chôn cất em trai tôi, không thấy xác

Trên chiến trường phía Nam.

Trái tim tôi là một nấm mồ;

Tôi chôn Tiến - người Tĩnh Gia, Thanh Hóa

Đi công tác, rồi không về nữa,

Suốt tháng tôi tìm, nhặt được dép cao su.

Trái tim tôi là một nấm mồ;

Tôi chôn cất, ấp iu người em tình nghĩa

(Linh ở Yên Thành, Nghệ Tĩnh)

Tôi cụt chân, Linh cáng cứu tôi;

Địch xả liên thanh, Linh nát người.

Máy bay đổ quân, chặt Linh thành hai mảnh !...

Tôi đã chôn biết bao bè bạn

Giữa tim tôi, giữa tuổi trẻ đời tôi

(Khải, Bí, Xin, Dành, Quyện, An...)

Không nhớ hết từng người;

Vì cuộc sống vẫn còn phải sống!...

Tôi giữ mãi những nấm mồ được ấm

Giữa ngực tôi ...

Trong khoảng hai mươi lăm bài thơ viết về thương binh - liệt sĩ, đây là sáng tác được nhiều độc giả, bạn nghề quan tâm nhất. Chính tác giả cũng nhắc đi nhắc lại nhiều lần với mọi người khi bàn đến đời mình, đến những trang viết về thương binh - liệt sĩ. Thi ảnh “trái tim nấm mồ” từ lâu đã trở thành biểu tượng thơ của riêng Hoàng Cát. Bài thơ có tứ - khi mà tứ thơ hầu như ít được ông quan tâm - đã găm sâu vào tâm khảm người đọc, người nghe. Thi sĩ nói đến khách thể trong chủ thể vừa bi thương vừa hùng tráng.

Thơ viết về thương binh - liệt sĩ của chính nhà thơ thương binh Hoàng Cát đã được tác giả chọn in vào thơ tuyển Cõi người (2023), gồm 776 bài. Đó là một đóng góp quan trọng vào thơ ca Việt Nam nói chung. Đối với ông, “Chiến tranh đã lùi xa nhưng ám ảnh vẫn còn mãi mãi”. Nhà thơ từng thổ lộ: “Tôi được sống qua nhiều lần chết hụt/ Nên càng yêu tha thiết cuộc đời này”. Sinh thời, Hoàng Cát rất muốn gọi tên Văn nhân, Thi sĩ. Để kết thúc bài viết này xin dẫn thơ của Văn nhân - Thi sĩ Hoàng Cát: “Thơ tôi là lý lịch của đời tôi. Thơ tôi là lửa cháy”.

Phạm Đình Ân

Tin liên quan

Tin mới nhất

Sen tắm Takumizima: Nâng tầm trải nghiệm tắm với phong cách Nhật Bản tinh tế

Sen tắm Takumizima: Nâng tầm trải nghiệm tắm với phong cách Nhật Bản tinh tế

Trong nhịp sống hiện đại, phòng tắm không chỉ là nơi vệ sinh cá nhân mà nó còn là không gian để thư giãn, gột rửa sự mệt mỏi, tái tạo năng lượng sau một ngày làm việc dài. Giữa thị trường thiết bị vệ sinh đa dạng, sen tắm Takumizima nổi lên như một lựa chọn sáng giá, mang đến sự kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ tiên tiến, thiết kế tinh xảo và chất lượng bền bỉ chuẩn Nhật B

Xu hướng thời trang 2025: Áo phông và jean lên ngôi – Chester Charles dẫn đầu làn sóng tối giản đẳng cấp

Xu hướng thời trang 2025: Áo phông và jean lên ngôi – Chester Charles dẫn đầu làn sóng tối giản đẳng cấp

Thế giới thời trang đang bước vào một giai đoạn mà sự thoải mái và cá tính lên ngôi. Năm 2025, xu hướng nổi bật là sự trở lại của những thiết kế cơ bản nhưng không hề đơn điệu, trong đó, quần jeans chất liệu mềm và áo phông cotton mang logo “CC” từ thương hiệu Chester Charles đang thu hút sự chú ý của giới mộ điệu và tín đồ yêu thời trang tối giản.

Y tế tư nhân vì sức khỏe nhân dân

Y tế tư nhân vì sức khỏe nhân dân

Hội Hành nghề Y tư nhân Việt Nam đã tổ chức Đại hội Đại biểu khóa III (nhiệm kỳ 2025-2030) vào ngày 5/7 vừa qua. Các đại biểu đã có nhiều tham luận phấn đấu để Y tế tư nhân tham gia tích cực hơn nữa vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đại hội đã bầu ban lãnh đạo mới với sự tham gia của nhiều chuyên gia y tế giỏi ở nhiều lĩnh vực.

Cú sốc cung mới của OPEC khiến thị trường dầu mỏ quay trở lại tình trạng thặng dư

Cú sốc cung mới của OPEC khiến thị trường dầu mỏ quay trở lại tình trạng thặng dư

Quyết định tăng sản lượng đột ngột của OPEC+ đang đẩy thị trường dầu mỏ toàn cầu tới nguy cơ dư cung trong nửa cuối năm 2025. Dù mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và giúp Tổng thống Trump hiện thực hóa lời hứa giảm giá nhiên liệu, động thái này cũng tạo áp lực lớn cho các nhà sản xuất, trong đó có Mỹ và chính nội bộ OPEC.

Giá vàng sẽ đi về đâu trong ngắn và trung hạn?

Giá vàng sẽ đi về đâu trong ngắn và trung hạn?

Bất chấp dữ liệu việc làm mạnh mẽ từ Mỹ, giá vàng vẫn giữ được đà tăng nhẹ trong tuần qua nhờ lo ngại về nợ công và địa chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, giới chuyên gia Phố Wall vẫn chia rẽ về hướng đi của vàng trong ngắn hạn, trong khi nhà đầu tư cá nhân tiếp tục nghiêng về xu hướng tăng.

Dấu ấn của Viện Phim Việt Nam tại Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng lần thứ ba

Dấu ấn của Viện Phim Việt Nam tại Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng lần thứ ba

Tôi được biết chị Lê Thị Hà - Viện trưởng Viện Phim Việt Nam tại một hội thảo điện ảnh lớn và rất ý nghĩa trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng lần thứ ba (DANAFF III) vừa qua, Hội thảo “Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)”. Hội thảo được tổ chức với mong muốn nhìn nhận và đánh giá một cách toàn diện những thàn