Sự thú vị khi đọc tác phẩm lý luận, phê bình của một người sáng tác

Cảm giác đầu tiên, trùm lấp lên tất cả khi đọc “Dạo gót vườn văn” (bình luận văn học) do NXB Hội Nhà văn mới xuất bản của nhạc sĩ Nguyễn Đình San là sự lôi cuốn, hấp dẫn mà thông thường thì khó có ở sách lý luận bởi tính khô cứng, hàn lâm.

Đọc Dạo gót vườn văn, tôi có cảm giác như đọc văn sáng tác bởi tác giả viết dạt dào cảm xúc, đặc biệt là những bài bình thơ. Cuốn sách cung cấp một cách nhìn khác biệt của tác giả đối với nền văn học hiện đại.

Cách đây khoảng 20 năm, Nguyễn Đình San đã in cuốn sách bình thơ có tên Những bài thơ tình đặc sắc được NXB Phụ nữ ấn hành do ông chọn và bình, bán rất chạy. Sau đó, thi thoảng ông có bình thơ trên báo chí. Cách bình thơ của ông khác biệt với khả năng thẩm thơ nhạy cảm và tinh tế. Có những bài thơ, ta đọc qua thấy chỉ bình thường, nhưng sau khi đọc bài bình của Nguyễn Đình San, thấy thật hay. Thì ra ông đã phát hiện được những ý tứ sâu xa của tác giả bài thơ vùi lấp trong những tầng chữ nghĩa.

Hai chị em của Vương Trọng về phương diện nghệ thuật làm thơ thì không có gì đặc biệt. Nhưng đã chạm được vào trái tim người đọc bởi câu chuyện hết sức cảm động. Nguyễn Đình San viết: “Bài thơ giản dị, chỉ là kể lại việc đứa chị dỗ đứa em bị đói trong lúc bố mẹ chúng cùng ra tòa giải quyết việc ly hôn kèm đôi lời bình luận của tác giả. Cái hay của bài thơ là tạo được sự đối lập giữa cái hồn nhiên, ngây thơ rất vô tư của hai chị em đứa trẻ và sự cố ý làm một việc đe dọa đến tương lai, số phận chúng của các bậc sinh thành”(trang 338).

Nguyễn Đình San phát hiện và bình hai câu thơ đặc sắc trong một bài khác: “Bồng bềnh mây trắng say thương nhớ/Tiếng dế kêu đêm giọng dỗi hờn”. “Câu trên bình thường tuy cũng đã khá cầu kỳ. Nhưng câu dưới đã đẩy ta vào tâm trạng day dứt không nguôi. Tiếng dế sao phải kêu giữa đêm và con côn trùng kia "dỗi hờn" điều chi vậy? Mà chỉ biểu hiện qua “giọng. Câu thơ này như một lời dự báo cho người đọc đón nhận cái “tông (giọng điệu) chính của cả tập thơ” (trang 332).

Sự thú vị khi đọc tác phẩm lý luận, phê bình của một người sáng tác - 1

Cuốn sách "Dạo gót vườn văn" của Nguyễn Đình San.

Nguyễn Đình San bình văn xuôi cũng sâu sắc. Đọc bài ông bình về truyện ngắn Đàn bà hư của Y Nguyên, càng thấy thêm giá trị và tài năng của tác giả truyện ngắn này. 

Như lời giới thiệu của NXB Hội Nhà văn ở đầu sách, Nguyễn Đình San có thế mạnh là được đào tạo chính quy ở một “lò văn chương” có uy tín bậc nhất (Đại học Tổng hợp Văn, nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) nên có vốn kiến văn phong phú và sâu sắc. Điều đó cộng với khả năng tổng hợp, khái quát nên mọi lập luận, lý giải của ông không sa vào những biểu hiện cá biệt, vụn vặt mà dễ có tính thuyết phục cao do nắm bắt được những quy luật mang tính phổ quát. Ông cũng nhìn nhận mọi hiện tượng, sự việc bằng cái nhìn biện chứng của sự phát triển lịch sử chứ không câu nệ ở những điều tưởng như là chân lý bất biến mà lâu nay người ta vẫn mặc định.

Trong cuốn sách, Nguyễn Đình San đưa ra những ý kiến, lý giải khác biệt ở một góc nhìn khác để bạn đọc tham khảo.

Trong lĩnh vực nào cũng có những “tượng đài”, văn nghệ cũng vậy, những tên tuổi lớn vốn dĩ vẫn sừng sững trong quan niệm của nhiều người nhưng theo quan điểm của Nguyễn Đình San, những tượng đài ấy nhiều khi chỉ là sự ngộ nhận, tưởng tượng quá mức của một bộ phận, chứ sự thực chưa xứng đáng như vậy.

Ông cho rằng không thể nói Xuân Diệu là “ông vua thơ tình” vì sự thực nhà thơ này có nhiều bài thơ dở về tình yêu. Ông ghi nhận, rất đề cao nhà thơ này với tư cách nhà phê bình, lý luận thơ, đặc biệt là bình thơ thì đến hôm nay vẫn chưa ai sánh bằng. Ông cũng đề cao Xuân Diệu với tư cách một học giả uyên bác về các nền văn hóa của Trung Quốc, Pháp và dân tộc. Ông cho rằng sở dĩ người ta gọi ông là "vua thơ tình” vì ông làm quá nhiều thơ tình nếu không nói trước Cách mạng  tháng Tám, ông chỉ làm thơ tình và là người mới nhất trong các nhà thơ mới, đi tiên phong trong dòng thơ này.

 Trong cuốn sách, Nguyễn Đình San cũng không đánh giá cao sự nghiệp văn học của Hoàng Trung Thông về cả hai lĩnh vực sáng tác và lý luận. Ông viết: Hai câu thơ được coi là nổi tiếng của nhà thơ này trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” chỉ là văn vần hóa một khẩu hiệu rất thiết thực của Đảng khi đó là toàn dân cần dốc sức tăng gia sản xuất để có lương thực nuôi quân đánh giặc. Còn hai bài Bộ đội về làng và Những cánh buồm có sức lan tỏa là nhờ ở việc phổ thành ca khúc của hai nhạc sỹ tài năng Lê Yên và Hoàng Vân, chứ trước khi thành bài hát, không ai biết đến. Tập lý luận của nhà thơ này có tên Đường chúng ta đi không có gì đặc biệt, không thể so được với những người viết lý luận khác khi đó. Ông viết: Nhiều người đã thấy cái chức quan của Hoàng Trung Thông trong lĩnh vực văn nghệ mà ít nhiều bị lóa mắt nên thấy sự nghiệp cầm bút của nhà thơ này có phần đồ sộ thêm. Nguyễn Tuân cũng được nhiều người cho là “ông vua tiếng Việt”. Nguyễn Đình San lại viết: Đó là một sự suy tôn mang yếu tố cảm tính nhiều hơn là căn cứ khoa học. Phải chăng do cái tính ngông, bất cần, có phần kiêu bạc của nhà văn họ Nguyễn đã khiến nhiều người đề ông lên quá cao, trên sự thật. Bởi ngẫm những trước tác ông để lại, còn thua kém nhiều nhà văn cùng thời. Ngay cả ngôn từ, chữ nghĩa của ông thì cũng không phải là vượt trội so với nhiều nhà văn tài năng khác cùng thế hệ và kế tiếp.   

Nguyễn Đình San đưa ra những phát hiện  như, ông cho rằng sở dĩ nền văn nghệ hiện nay của nước ta có thể có ít nhiều thành tựu nhưng không có đỉnh là do sự hạn chế về tài năng của người sáng tác chỉ là một phần. Phần rất rõ nữa là sự nhút nhát, non kém bản lĩnh do quá hạn chế về trình độ hiểu biết của các nhà xuất bản mà hơi một chút là “sợ bóng sợ vía” dẫn đến không chấp nhận những tác phẩm hay, hoặc nếu sử dụng thì lược bỏ những chỗ hay, sâu sắc nhất của tác giả, dẫn đến tác phẩm chỉ tròn trịa, thậm chí vô thưởng vô phạt. Ông khẳng định: Chính những người biên tập, những nhà xuất bản kém cỏi này đã tiêu diệt hết tài năng của các nhà văn tài năng, sắc sảo.

Cách đây không lâu, Nguyễn Đình San đã cho ra mắt độc giả cuốn Nhạc Việt nam – Những vùng sáng tối do NXB Văn hóa dân tộc ấn  hành. Trong mặt bằng lý luận phê bình ở nước ta vốn dĩ kém phát triển so với sáng tác thì Dạo gót vườn văn của Nguyễn Đình San là một tập sách giúp cho công chúng thêm một góc nhìn về một số vấn đề của văn chương hiện đại.

Đỗ Viết Thành

Nghệ thuật và cuộc sống
Nghệ thuật và cuộc sống

Môi trường dù trong lành, thanh khiết đến đâu thì vẫn có những bụi bẩn. Âm thanh dù trong trẻo đến mấy vẫn có tạp...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhà lãnh đạo 50 năm của hãng xe Suzuki qua đời

Nhà lãnh đạo 50 năm của hãng xe Suzuki qua đời

Ông Osamu Suzuki, người đứng đầu hãng xe hơi nổi tiếng Suzuki Motor trong suốt năm thập kỷ, đã qua đời vì bệnh u lympho, hưởng thọ 94 tuổi. Ông là người đã đưa Suzuki từ một thương hiệu nội địa Nhật Bản trở thành một tên tuổi lớn trên thị trường toàn cầu, đặc biệt nổi bật ở phân khúc xe nhỏ.

Đồng yên giảm sâu gần đáy 5 tháng

Đồng yên giảm sâu gần đáy 5 tháng

Đồng yên Nhật tiếp tục dao động quanh mức thấp nhất trong 5 tháng so với đồng đô la Mỹ. Điều này phản ánh sự khác biệt trong cách tiếp cận chính sách giữa Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) khi thị trường bước vào giai đoạn cuối năm.

Bình chọn 15 sự kiện Văn học nghệ thuật tiêu biểu năm 2024: Lan tỏa và khơi dậy niềm tự hào

Bình chọn 15 sự kiện Văn học nghệ thuật tiêu biểu năm 2024: Lan tỏa và khơi dậy niềm tự hào

Nhằm đánh giá những kết quả nổi bật của văn học nghệ thuật trong một năm vừa qua, ngày 27/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Thời báo Văn học nghệ thuật, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Bình chọn 15 sự kiện Văn học nghệ thuật tiêu biểu năm 2024.