Thầy Lê Đình Kỵ với lớp Văn khóa VIII Đại học Tổng hợp Hà Nội
Mùa thu năm 1963, cách đây tròn 60 năm, chúng tôi - các học sinh hệ Phổ thông và cán bộ hệ chuyên tu, sau khi vượt qua kỳ thi tuyển sinh vào khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, nô nức tựu trường năm học đầu tiên. Lúc đó thầy Lê Đình Kỵ vừa tròn 40 tuổi, đảm nhiệm giảng dạy môn Lý luận văn học và Văn học Việt Nam hiện đại cùng các thầy Hà Minh Đức (giảng viên chủ nhiệm lớp), Phan Cự Đệ, cho lớp chúng tôi. Chúng tôi rất tự hào vì ngay từ hồi đó, các thầy đã là những tên tuổi quen biết trong giới văn chương miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Lê Đình Kỵ - nhà lý luận văn học uyên bác
Từ đầu những năm 60 thế kỷ trước, thầy Lê Đình Kỵ đã xuất hiện trên văn đàn với tư cách là dịch giả về lý luận văn học, cây bút trẻ viết lý luận, phê bình.
Bài “Cuộc thảo luận và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô” do thầy trích dịch, đăng trên tập san Nghiên cứu văn học của Viện Văn học số tháng 4/1960 sau này được tập hợp cùng 2 bài dịch khác trước đó, trong đó có bài dịch chung với Vũ Thư Hiên, đăng vào sách Những cuộc thảo luận về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô (Nxb Văn học, 1961).
Nhưng đáng kể nhất là cuốn sách giáo khoa nổi tiếng về lý luận văn học của L.Timofeep (Liên Xô) Nguyên lý lý luận văn học (2 tập, Nxb Văn học, 1962), hồi đó do thầy chủ biên dịch (cùng các nhà giáo - dịch giả Cao Xuân Hạo, Bùi Khánh Thế, Nguyễn Hải Hà, Minh Hải, Nhữ Thành).
Với vốn tiếng Pháp thành thạo, tích lũy được từ nhà trường Pháp - Việt mà thầy theo học đến bậc tú tài và sau này được bổ sung, hoàn chỉnh thêm tiếng Nga bằng con đường tự học ráo riết, các công trình dịch thuật lý luận nói trên do thầy chủ trì đã là sách gối đầu giường của bao thế hệ học sinh cấp III, sinh viên chuyên ngành văn chương, đặc biệt về lý luận văn học, trong những năm 60, 70 thế kỷ trước.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ
Bản thân tôi, nhờ may mắn được đọc kịp thời 2 cuốn sách nói trên mà trong năm học cuối cấp III (lớp 10 hệ Phổ thông hồi đó) kiến thức chuyên ngành lý luận văn học từ Liên Xô của tôi được bổ sung và nâng cao. Tôi đã đoạt giải học sinh giỏi văn của tỉnh Vĩnh Phúc năm học 1962 - 1963, rồi tự tin thi vào khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trúng tuyển, định hướng học tập, nghiên cứu chuyên sâu về lý luận văn học trọn đời suốt từ đó đến nay.
Những năm 60, thầy Lê Đình Kỵ là một trong những cây bút lý luận - phê bình trẻ, xuất hiện đều đặn trên báo chí văn nghệ Trung ương, với cách viết năng động và góc nhìn, tiếp cận mới, tìm tòi về phong cách và cá tính nghệ thuật của các tác giả thơ ca, như: “Từ ấy với Phong trào Thơ Mới” (tạp chí Văn nghệ, số tháng 1/1960); “Mấy cảm nghĩ về thơ Tố Hữu từ sau tập Việt Bắc” (tập san Nghiên cứu văn học, số tháng 12/1960); “Tơ tằm và Chồi biếc - đọc thơ Cẩm Lai”, (Tạp chí Văn học, số tháng 1/1964)…
Những dịp các tổ chức văn chương, nghệ thuật có uy tín như: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học - nghệ thuật Việt Nam, họp Đại hội, đọc các bài thầy Lê Đình Kỵ, thầy Hà Minh Đức, thầy Phan Cự Đệ trả lời phỏng vấn của các tờ báo là cơ quan ngôn luận của các tổ chức nói trên, chúng tôi xem các thầy như là những tấm gương của người cầm bút gắn bó với đời sống văn học - nghệ thuật của đất nước, dấn thân cho nghiệp văn nghiên cứu lý luận - phê bình. Các thầy đều sớm trở thành hội viên chuyên ngành lý luận - phê bình của Hội Nhà văn Việt Nam vào các năm 1967, 1968.
Nhưng sự kiện gây ấn tượng mạnh mẽ trong chúng tôi hồi đó, khiến chúng tôi phải băn khoăn suy nghĩ nhiều, là cuộc tranh luận mang tính chất học thuật về cuốn sách Các phương pháp nghệ thuật thuộc phần IV bộ giáo trình bộ môn Lý luận văn học có tên chung là Những nguyên lý về lý luận văn học của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, do thầy Lê Đình Kỵ viết (Nxb Giáo dục, 1962).
Cuộc tranh luận khởi đầu bằng bài báo của một nhà giáo đăng trên tập san Nghiên cứu văn học số tháng 11/1962 và dừng lại ở bài tổng kết cuộc tranh luận đăng trên Tạp chí Văn học (tên mới của Nghiên cứu văn học trước đó) số tháng 11/1963. Thầy Lê Đình Kỵ đã có bài trao đổi với tác giả mở đầu tranh luận với mình, nhan đề “Mấy đính chính cần thiết”, đăng trên Nghiên cứu văn học số tháng 2/1963.
Là sinh viên năm thứ nhất của khoa Văn Đại học Tổng hợp hồi đó, theo dõi toàn bộ cuộc tranh luận diễn ra trong tròn 1 năm với sự tham gia của gần chục cây bút lý luận có tên tuổi đương thời và được giới học đường, giới lý luận - phê bình cùng đông đảo độc giả quan tâm, chúng tôi không khỏi không ái ngại, lo âu cho thầy Lê Đình Kỵ.
Nhiều ý kiến khi tham gia tranh luận, đã chú mục chỉ ra cái gọi là “bất cập, chưa thỏa đáng” trong quan điểm lý luận của thầy xung quanh 2 khía cạnh nguyên lý lý luận văn học cơ bản: mối quan hệ giữa phương pháp nghệ thuật với thực tại, thế giới quan; vấn đề tính giai cấp và tính người trong hình tượng văn học nghệ thuật.
Bài tổng kết cuộc tranh luận dài 21 trang tạp chí nói trên, mặc dầu đã ghi nhận những cố gắng và mạnh dạn đề xuất vấn đề của Lê Đình Kỵ trong giai đoạn bước đầu xây dựng của bộ môn lý luận văn học theo quan điểm của mỹ học Mác - Lênin, nhưng vẫn cho rằng ở một số chỗ tác giả cuốn giáo trình “có lệch lạc và sai lầm” cần khắc phục, vì vậy chỉ nên xem đây là một “tài liệu tham khảo để người đọc cần tiếp tục suy nghĩ và thảo luận thêm” (N.M. - “Nhìn lại cuộc trao đổi ý kiến về cuốn Các phương pháp nghệ thuật của Lê Đình Kỵ”, Tạp chí Văn học số tháng 11/1963, tr.21).
Đến đây, thầy Lê Đình Kỵ vẫn bình tĩnh, đơn phương “chịu trận”, không phản biện gì thêm, để sự việc tự dịu lắng dần lại.
Chúng tôi hồi đó ở ký túc xá Láng của khoa Văn, hàng ngày vẫn gặp thầy lên lớp và đến bữa thì tới nhà ăn (thầy và con trai ngụ trong phòng nhỏ của tập thể giáo viên xa nhà). Rồi đến khi lên lớp học trình “Phương pháp nghệ thuật” do thầy thuyết trình trong năm học thứ 3 ở khu sơ tán huyện Đại Từ (Thái Nguyên), thầy đã từ tốn, dựa trên quan điểm mácxít - lêninnít, làm rõ, tránh những suy diễn, ngộ nhận về cơ sở lịch sử - xã hội của phương pháp nghệ thuật, đặc thù của tư duy và thủ pháp của mỗi phương pháp nghệ thuật trong lịch sử văn học nhân loại và ở ta; các yếu tố khách quan và chủ quan chi phối phương pháp nghệ thuật; vấn đề phong cách và cá tính nghệ thuật; tính giai cấp đặc thù và tính nhân loại phổ quát của hình tượng văn học điển hình…
Thầy bảo: sách của thầy đã soạn và xuất bản đương nhiên vẫn là tài liệu tham khảo trong học tập đã đành, nhưng các em cần đọc thêm những cuốn sách khác cùng đề cập đến vấn đề khoa học của phương pháp nghệ thuật được xuất bản cùng thời với sách của thầy, là: Phương pháp sáng tác trong văn học nghệ thuật của Hồng Chương (Nxb Sự thật, 1962); Nguyên lý mỹ học Mác - Lênin - Phần IV: Phương pháp nghệ thuật của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô (Nxb Sự thật, 1963, thầy Hoàng Xuân Nhị dịch). Từ đó, mà có sự so sánh, đối chiếu, tự rút ra những kết luận cần thiết về vấn đề khoa học, nếu còn tranh cãi chưa có hồi kết…
Thầy cũng dặn là cần theo dõi tiếp những sách do thầy xuất bản sau này, để thấy tiến trình tư duy học thuật thăng trầm của một tác giả mà thể tất cho “tai nạn nghề nghiệp” mà họ ngẫu nhiên gánh chịu (!).
Quả nhiên, sau tác phẩm đầu tay Các phương pháp nghệ thuật (1962) ít nhiều không suôn sẻ khi đi vào công chúng tiếp nhận, từ cuối những năm 60 đến khi qua đời (2009), trong 40 năm, thầy đã cho xuất bản hơn 15 đầu sách tiểu luận, chuyên luận nghiên cứu, phê bình, trong đó có bộ tuyển tập các bài tiểu luận - phê bình nhan đề Trên đường văn học (2 tập, 1995); cuốn Phương pháp sáng tác (trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 1986) - như là sự tái bản có sửa chữa bổ sung, chỉnh lý từ cuốn sách gây tranh luận sôi nổi một thời hơn 20 năm trước.
Năm 2001, thầy Lê Đình Kỵ được nhà nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên. Và với danh mục di sản tác phẩm thầy để lại, kể cả công trình đầu tay Các phương pháp nghệ thuật (1962), Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ được xem như là một cây bút lý luận - phê bình - nghiên cứu văn học độc đáo, một trong những tác giả văn học lớn, đặc sắc của văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX.
Lê Đình Kỵ sáng mắt, sáng lòng từ cội nguồn tư duy mácxít - lêninnít
Năm 1975, thầy Lê Đình Kỵ cùng thầy Hà Minh Đức hoàn thành việc tuyển chọn, biên soạn những ý kiến của C. Mác, F. Ănghen, V. Lênin bàn về văn học, nghệ thuật, rút từ những văn bản gốc.
Trước đó, ở ta, từ những năm kháng chiến chống Pháp đến sau hòa bình lập lại, chúng ta phải dựa vào những công trình tương tự của J. Freville (Pháp) dịch ra tiếng Việt để tìm hiểu và nghiên cứu, học tập ý kiến của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Lần này, ý kiến của 3 vị lãnh tụ tiền bối được tuyển chung vào một cuốn sách dày hơn 600 trang in với bố cục mới 4 phần, làm rõ những nguyên lý mácxít - lêninnít về mối quan hệ giữa văn học - nghệ thuật với đời sống xã hội; về quan hệ giữa thế giới quan và sáng tác; về sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa - văn nghệ mới do giai cấp vô sản lãnh đạo cùng hồi ký về 3 vị lãnh tụ của những người đương thời.
Thầy Lê Đình Kỵ đảm nhiệm việc tuyển chọn từ những ý kiến của V. Lênin. Phần các ý kiến của C. Mác và F. Ănghen do thầy Hà Minh Đức phụ trách.
Sách do Nhà xuất bản Sự thật phát hành rất kịp thời ngay sau ngày thống nhất đất nước, phục vụ tích cực cho việc quán triệt từ gốc rễ tư duy lý luận văn nghệ Mác - Lênin ở vùng giải phóng miền Nam Việt Nam vừa thoát khỏi ách nô dịch của văn hóa thực dân mới.
Sách cũng cho thấy các thầy của khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội đã đi tiên phong trong việc thấm nhuần sâu sắc, vận dụng tư tưởng mỹ học Mác - Lênin để có cơ sở giải quyết một cách sáng tạo các vấn đề đặt ra của đời sống văn học - nghệ thuật đất nước trong hoàn cảnh mới là cấp thiết đến nhường nào!
Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Một trăm năm ngày sinh Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ”
Cũng từ đây hai thầy triển khai các chuyên luận nghiên cứu về những vấn đề cơ bản trong lý luận Mác - Lênin về văn học, nghệ thuật; trong đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với thầy Hà Minh Đức thì đó là chuyên luận C. Mác, F. Ănghen - V. Lênin và một số vấn đề lý luận văn nghệ (Nxb Sự thật, 1982).
Với thầy Lê Đình Kỵ thì đó là 2 cuốn sách tập trung bàn về đường lối văn học văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam:
- Sáng mắt, sáng lòng (Nxb Văn học, 1979), tập tiểu luận gồm 5 bài nghiên cứu về những ý kiến lý luận bàn về văn hóa, nghệ thuật của các vị lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam: Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu.
Tập chuyên luận này được thầy Lê Đình Kỵ hoàn thành năm 1974, đồng thời với chuyên luận Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng - vũ khí, trí tuệ, ánh sáng của Hà Xuân Trường (Nxb Sự thật, 1975), nhưng phải đợi đến năm 1979 mới xuất bản tại Nhà xuất bản Văn học.
Sách cho thấy tác giả Lê Đình Kỵ, một trong hai nhà nghiên cứu đã quan tâm sâu sắc đến việc tìm hiểu về sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Mác - Lênin về văn hóa văn nghệ vào Việt Nam qua ý kiến của các nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta. Đó là cả một quá trình bền bỉ, kiên định, từng bước được bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Lê Đình Kỵ đã làm rõ: các vị lãnh đạo Đảng ta, cũng đồng thời là nhà văn hóa, nhà văn nghệ, am hiểu sâu sắc đặc thù của văn học nghệ thuật hướng về những giá trị tinh thần cao đẹp chân - thiện - mỹ, mỗi người trên cương vị của mình đã có sự quan tâm nhấn mạnh, những cách diễn đạt, diễn ngôn mang phong cách, dấu ấn riêng, thúc đẩy sự thực thi có hiệu quả đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần làm phong phú kho tàng lý luận mácxít - lêninnít trên phạm vi toàn cầu.
Sau tập tiểu luận này, đáp ứng yêu cầu về giảng dạy đường lối văn học nghệ thuật của Đảng Cộng sản Việt Nam như là sự vận dụng lý luận văn nghệ Mác - Lênin trên mặt trận văn hóa, văn nghệ ở Việt Nam, thầy Lê Đình Kỵ đã viết chuyên luận gần 100 trang, in vào Giáo trình Cơ sở lý luận văn học tập III (Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1983).
Chuyên luận là sự kế thừa và phát triển, nâng cao những ý kiến đã được trình bày trong Sáng mắt, sáng lòng nói trên, khái quát lịch sử hình thành và phát triển của đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập (1930), đặc biệt từ Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) - văn kiện đầu tiên trình bày cương lĩnh văn hóa mới do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, đến văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976).
Dõi theo các văn kiện chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam đã công bố trong hơn 30 năm, qua các ý kiến phát biểu của các nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam và căn cứ vào thành tựu của việc xây dựng nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam từ sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, tác giả Lê Đình Kỵ đã khẳng định: Đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam là một bộ phận hợp thành không thể thiếu được của đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nhiều năm qua. Nó thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu sắc trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin khoa học, cách mạng, xem chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội là những mặt trận cách mạng phải tiến hành đồng bộ, có tầm quan trọng ngang nhau. Văn hóa, văn nghệ - một lĩnh vực tinh tế, nhạy cảm, có nhiều nét đặc thù, góp phần tạo dựng, bồi đắp nền tảng tinh thần lành mạnh cho xã hội, “soi đường cho quốc dân đi”. Một khi văn hóa “đi sâu vào tâm lý quốc dân” nó sẽ nâng cao phẩm giá, nhân cách con người mới, trở thành mục đích và động lực sự phát triển, ổn định xã hội. Con đường tươi sáng của văn hóa - văn nghệ Việt Nam là từ văn hóa dân chủ mới, tiến lên văn hóa xã hội chủ nghĩa, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khoa học, dân chủ và nhân văn.
Chuyên luận mở đầu mang tính chất giáo trình bậc Đại học của Lê Đình Kỵ đã là những gợi ý thiết thực cho việc biên soạn các giáo trình có quy mô và hệ thống về đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam bao quát đầy đủ qua những thời kỳ lịch sử, giai đoạn cách mạng kế tiếp nhau, do khối các trường Đại học ngành Văn hóa - thông tin, các trường Đảng khối Tuyên giáo tổ chức biên soạn từ những năm 90 thế kỷ trước cho đến nay.
Lê Đình Kỵ - bậc thầy nghiên cứu, phê bình thơ cổ điển và hiện đại dưới góc độ phong cách học và thẩm mỹ tiếp nhận
Tròn nửa thế kỷ hoạt động giảng dạy và nghiên cứu văn học cho đến khi mất (2009), Lê Đình Kỵ là tác giả của hàng trăm bài tiểu luận, phê bình đăng trên các báo, tạp chí chuyên ngành xuất bản ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ông thể hiện một tư duy lý luận minh triết, cách tiếp cận văn học với những tìm tòi đi sâu khám phá những nét đặc trưng tư tưởng - thẩm mỹ từ tác phẩm và tác giả, trào lưu văn học; tính loại biệt trong các phương thức thể hiện của ngôn từ nghệ thuật cùng các yếu tố thuộc phương diện hình thức nghệ thuật nơi văn bản tác phẩm, qua đó khẳng định bút pháp, giọng điệu và phong cách riêng của mỗi tác phẩm. Ông có những khám phá sâu sắc, mới mẻ về giá trị của thơ ca cổ điển và hiện đại, tài năng sáng tạo và cách tân của các tác giả thơ lớn: Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên…
Do có căn bản lý luận vững vàng và năng động tìm tòi cách tiếp cận tác phẩm kết hợp giữa xã hội học văn học mác - xít với thi pháp học lịch sử so sánh, ông đã cho ra mắt các chuyên luận được dư luận chú ý: Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực (1970), Thơ Tố Hữu (1979), Thơ Mới những bước thăng trầm (1989).
Các công trình này kết tinh sự chín muồi của tư duy học thuật và bút lực Lê Đình Kỵ. Ông chú trọng nghiên cứu tác giả, tác phẩm đặt vào trường thẩm mỹ văn hóa - lịch sử mà trong đó chúng sinh thành và phát triển, nhận rõ tác phẩm như một chỉnh thể, các mặt tư tưởng và cấu trúc nghệ thuật xuyên thấm vào nhau, không thể xem nhẹ hạ thấp một yếu tố nào.
Với Lê Đình Kỵ, ông không dừng lại xem văn học đơn thuần chỉ là một công cụ của hoạt động tư tưởng - giáo dục, một cách phô diễn tình cảm tự nhiên nhi nhiên của con người, là bức tranh phản ánh đời sống xã hội hiện thực, mà rộng hơn, văn học trước hết tồn tại và phát triển với tư cách là hoạt động thẩm mỹ đặc thù, đáp ứng nhu cầu và khát vọng tinh thần của con người về chân - thiện - mỹ. Biết làm chủ và sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật điêu luyện, dụng công trong bút pháp, nhà văn thực tài và tâm huyết với lý tưởng cao đẹp, sẽ có thể sáng tạo nên những tác phẩm để đời bằng sức mạnh của hư cấu nghệ thuật, giúp cho “con người như được giải thoát mọi ràng buộc và tự do tái tạo đời sống theo lý tưởng của mình… đánh thức người nghệ sĩ tiềm tàng trong mỗi con người”.
*
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thầy Lê Đình Kỵ, lớp Văn VIII khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội vô cùng kính nhớ người thầy tận tụy, say sưa truyền đạt những tri thức cơ bản, cập nhật về lý luận văn học và văn học Việt Nam hiện đại cho một thế hệ học trò từ giữa những năm 60 của thế kỷ trước.
Thầy như một người anh, người cha chăm chút bảo ban chúng tôi trau dồi nhân cách, bản lĩnh của người cầm bút, không ngừng khám phá sự huyền diệu của văn chương - nghệ thuật, tâm huyết lao động nghề nghiệp như những người phu chữ, những người thợ luyện kim, tinh lọc radium, dâng hiến cho đời những bông hồng vàng.
Sau ngày ra trường, trong các cuốn sách Kỷ yếu Lớp do chúng tôi biên soạn và cho xuất bản, chúng tôi đều dành những trang đầu của sách trân trọng in chân dung, tiểu sử sự nghiệp của các thầy cô đã gắn bó với lớp với khoa, cùng các tác phẩm tiêu biểu của các thầy cô, trong đó có thầy Lê Đình Kỵ.
Từ thẳm sâu trong lòng mỗi cựu sinh viên Văn VIII, hình ảnh Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ với gương mặt thân thiện, giọng nói xứ Quảng ấm áp, trầm lắng - vị đại sư giảng dạy văn chương tâm huyết, giàu sức thuyết phục, để lại sự nghiệp trước tác có giá trị với hàng chục công trình để đời, trong đó có những tác phẩm đoạt Giải thưởng Nhà nước cao quý - sẽ sống mãi với quê hương, đất nước, với đồng nghiệp, học trò và bạn đọc luôn quý trọng và biết ơn thầy.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Nhà lý luận - phê bình Văn học Lê Đình Kỵ (1923 - 2009), Trường...
Bình luận