Thi ca không có tuổi...

“Thơ ca không có quá khứ. Không có hiện tại. Và cũng không có tương lai. Người ta gọi đó là thơ không tuổi. Nó hòa tan ba cái không có ấy vào một đơn vị thời gian”. Có thể coi “đề từ” này là sự dẫn dắt viết phê bình văn học của Khuất Bình Nguyên. Dường như là ngụ ý, tên sách (số chữ dài gần gấp đôi hai cuốn đầu Giọt nước trong lá sen, Giấu vàng trong gió thu) nảy nở khi viết về nhà thơ Thâm Tâm Giọt nước thầm giữa những thời đại thi ca. Trong đó câu chữ tượng hình: “Thơ Thâm Tâm như giọt nước thầm rơi xuống giữa dòng chảy bất tận của những thời đại thi ca. Ông là gạch nối làm nên ví dụ về sự liên tục của phong trào Thơ Mới (1930 - 1945) và Thơ kháng chiến chống Pháp”.

Hai mươi lăm “thiên”, tôi thích dùng chữ này thay cho chữ “bài”, trong tác phẩm mới này, tác giả thẩm thấu vào thế giới văn chương, đặc biệt thi ca, vốn tinh tế, bí ẩn, mênh mông như đại dương. Từ Giọt nước trong lá sen, qua Giấu vàng trong gió thu, đến Giọt nước thầm giữa những thời đại thi ca, như là bộ ba về đại lộ văn chương và thi ca Việt Nam hiện đại, đã không hề khước từ truyền thống, trái lại tiếp biến văn hóa tích cực để đơm hoa kết trái viên mãn. 

Trong số 25 thiên, tác giả luôn chí cốt tìm về vốn văn hóa của văn chương và thi ca truyền thống thông qua văn sản Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Trần Tế Xương. Đó là truyền thống văn chương, thi ca lâu đời. Nhưng lại có truyền thống văn chương, thi ca cận kề - Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Đông Hồ, Mộng Tuyết và cả những người thơ đương đại cùng thời chúng ta như Nguyễn Xuân Sanh, Thâm Tâm, Phùng Quán, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Hữu Thỉnh, Lưu Quang Vũ, Đặng Hiển; cả những người thơ sinh vào những năm 50 của thế kỷ trước (Vũ Đình Văn, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Đặng Huy Giang). Tác giả cũng không quên chia sẻ và đồng cảm với Văn trẻ khi nhìn thấu quy luật “tre già măng mọc” trong thiên tâm huyết Bình minh là của ta trước cả khi ta biết (viết nhân Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, năm 2022).

Rõ ràng, sở trường của Khuất Bình Nguyên, ngoài tư cách đầu tiên là nhà thơ đích thực, còn là chuyên gia bình thơ. Nhưng khi anh “chạm” vào văn xuôi, lại thấy vẫn đắc dụng sở trường qua hai thiên viết về Nguyễn Huy Thiệp (Chảy đi, Thiệp ơi!, Vàng lửa), một thiên về Nguyễn Trí Huân (Người lính mang thông điệp đoàn viên).

Ở tác phẩm mới này, Khuất Bình Nguyên còn thể hiện một nỗ lực có thể nói là táo bạo khi viết đàm luận văn chương, dẫu không có ý “lập ngôn”, nhưng có cao vọng tổng kết diễn trình văn chương/thi ca Việt Nam hiện đại bằng bảy thiên công phu, có tính khái quát, tổng kết (Nhà văn không ở Hội Nhà văn, Gõ cửa Hội Nhà văn, Các thi sĩ tài danh 100 năm 1932 - 2022 của thi ca Việt Nam, Bước qua tuổi tám mươi, Ba ngọn núi thiêng, 1948 - Mùa thơ hoa lửa, Bình minh là của ta trước cả khi ta biết).

Thi ca không có tuổi... - 1

"Giọt nước thầm giữa những thời đại thi ca", Chân dung văn học - Đàm luận văn chương của Khuất Bình Nguyên

“Đến hiện đại từ truyền thống” là phép biện chứng phê bình văn chương, thi ca của Khuất Bình Nguyên. Không ngẫu nhiên tác giả đưa lên hàng đầu những thiên về Nguyễn Trãi (Một lần hoa Xoan nở), Nguyễn Du (Người duy nhất được nhận nửa vầng trăng), Trần Tế Xương (Tiếng gọi đò cuối cùng của thi ca trung đại). Tôi đã đọc kỹ công trình Các nhà thơ cổ điển Việt Nam của Xuân Diệu. Ba vị tên tuổi lẫy lừng đã “ngự” trong cuốn sách được viết kỳ khu, chuẩn chỉnh này. Tưởng là đủ. Nhưng khi đọc Khuất Bình Nguyên lại thấy cái nhã thú văn chương mới qua một nẻo lối khác thâm nhập vào thế giới thi ca. Nói cách khác là viết về những phong cách thơ lớn với phong cách riêng.

Nếu nói về hiện đại (như một tính chất) thì hậu duệ hãy cứ noi gương Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Trần Tế Xương trước đã, rồi nữa học các nhà thơ trong phong trào Thơ mới (1930 - 1945). Cứ thế tiệm tiến. Dĩ nhiên, theo tính biện chứng, truyền thống không phải là thứ bảo bối toàn năng, nhất thành bất biến, khả thủ toàn diện. Truyền thống phải đi liền nhịp nhàng với cách tân. Đó là tiếp biến văn hóa. Cứ xem chỉ viết về hoa xoan (Một lần hoa Xoan nở) đã thấy Nguyễn Trãi, Nguyễn Bính, Xuân Quỳnh (cách nhau năm trăm năm) viết mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười. Thi nhân viết về hoa xoan đã vừa gợi, vừa gây men liên tưởng. Đã đành. Người phê bình thơ lại cũng như “nhập đồng” (bằng cả năng lực thẩm và bình) mà thưởng thức cả sắc màu, cả hương vị hoa xoan lưu dấu văn hóa, thành ký ức sáng tạo:

“Hồi 1969 - 1970, tôi đã thấy hoa Xoan của Xuân Quỳnh bên bờ sông ấy và trong sân các ngôi chùa cổ ở xứ Đoài. Không hiểu sao lúc đó lại nghĩ loài hoa đó dành riêng cho người già thanh bạch, nhiều ẩn ức và những cô thôn nữ đã mơ hồ nhận biết được mình là ai. Đôi khi liên tưởng hoa Xoan trầm lắng kia cũng yên lặng giống như một hoài niệm hay lý thuyết của đạo Phật mà có lần Nguyễn Du đã nói: Phật vốn là không, không dính đến muôn vật. Mỗi lần đi xa, ngoảnh lại quê hương xứ Đoài lần nào cũng thấy hoa Xoan ấy im lặng như bóng người mẹ hiền thầm nhắn nhủ một điều gì và chờ đợi một điều gì ở đứa trẻ xa quê”.

Như đã nói ở trên, cũng có kiểu truyền thống gần, kề cận đương đại văn chương/ thi ca. Thẩm và bình văn chương, thi ca hiện đại dân tộc thời đại cách mạng và chiến tranh, tôi thấy 1948 - Mùa thơ hoa lửa, là một thiên được viết bằng bầu nhiệt huyết như chính bầu nhiệt huyết của thi ca thời điểm đó. Vì sao lại 1948, không phải trước và sau đó?

Theo dòng “sử văn” sẽ thấy rõ, năm 1948 là một dấu son đỏ trong biên niên sử các sự kiện lớn như Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, Đại hội Văn nghệ lần thứ nhất, Tạp chí Văn nghệ số đầu tiên (3-1948) ra mắt ở chiến khu Việt Bắc. Những tác phẩm có tiếng vang như Nhận đường (ký) của Nguyễn Đình Thi, Ở rừng (nhật ký) của Nam Cao; thơ Nhớ máu của Trần Mai Ninh, Nhớ của Hồng Nguyên, Đồng chí của Chính Hữu, Sớm mát trong như sớm năm xưa của Nguyễn Đình Thi, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm... đã làm khởi sắc văn chương/ thi ca kháng chiến. Khẩu hiệu “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (Hồ Chí Minh) đã hóa thân, thấm đượm vào chân tơ kẽ tóc đời sống văn chương.

Lúc này là văn hóa cứu quốc, văn hóa yêu nước. Ngày nay văn hóa là văn hóa kiến quốc. Thiết nghĩ, thiên này được viết không chỉ bằng nền kiến văn vững chãi, mà còn bằng cả tình yêu dạt dào di sản thi ca dân tộc thời đại cách mạng và chiến tranh. Nghệ sĩ ngôn từ lĩnh sứ mệnh cao cả: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao” (Xuân Diệu - Những đêm hành quân, 1966).

Tác giả viết chân dung văn học và đàm luận văn chương từ tâm thế, tình cảm của thi sĩ bởi yêu tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt - “như bùn, như lụa” (Lưu Quang Vũ). Hai mươi lăm thiên trong tập sách, tác giả cố gắng viết theo nhiều giọng, nhiều nhịp khác nhau, tạo nên hấp dẫn với người đọc. Viết về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Trần Tế Xương với tinh thần chiêm bái, giọng văn cung kính, nhịp văn tự tại, đĩnh đạc. Viết về Lưu Quang Vũ như trong Sẽ còn lại phù sa,  với tâm thế liên tài, ngưỡng mộ, đồng cảm.

Hai thiên viết về Nguyễn Huy Thiệp (Chảy đi, Thiệp ơi!, Vàng lửa), theo tôi, độc đáo giữa cả trăm bài viết về một cây bút truyện ngắn từng khuynh đảo văn đàn những năm 80 - 90 thế kỷ trước, với ý nghĩa là một hiện tượng văn học. Hơn ở đâu hết, trong hai thiên về Nguyễn Huy Thiệp, “phép thi thoại” của phê bình văn học được vận dụng triệt để và hiệu quả thẩm mỹ cao.

Bộ ba bình văn được tác giả viết trọn trong vòng 10 năm, đã cho phép nói đến một phong cách phê bình đáng chú ý của làng văn Việt Nam, nó nói lên nhiều điều về tình yêu văn chương chưa bao giờ vơi cạn cũng như lao động nghệ thuật kiên trì và nghiêm túc của “người văn”. Ba tác phẩm “chạm” đến các văn nhân chủ yếu nhất trên văn đàn Việt Nam hiện đại. Bộ sách là kết quả của sự huy động khối lượng kiến thức văn chương lớn, đã đành, còn là năng lượng và nền tảng văn hóa dồi dào và vững chắc. Phong cách phê bình nhịp đôi giữa bác học và nghệ sĩ tạo nên hấp dẫn, quyến rũ của trang viết giúp người đọc có được một hình dung khá đầy đủ diện mạo văn học dân tộc thế kỷ XX. Đọc phê bình Khuất Bình Nguyên, ta như được gặp một ví dụ về con người gửi phận mình vào cõi văn chương.

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Việt kiều ở Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ

Việt kiều ở Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ

Do những điều kiện lịch sử cụ thể, nhiều thập kỷ qua, dân tộc ta luôn có một số lượng không nhỏ – với các nguyên nhân khác nhau – đã đến sống và lập nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới, được gọi chung là “Việt kiều”; trong đó, Việt kiều tại Pháp đã đóng vai trò đáng kể, góp phần vào thắng lợi của đất nước qua hai cuộc kháng chiến. Trên con đường

Chiến thắng Điện Biên Phủ dưới góc nhìn hội hoạ của cô bé 12 tuổi Nguyễn Đăng Vân Châu

Chiến thắng Điện Biên Phủ dưới góc nhìn hội hoạ của cô bé 12 tuổi Nguyễn Đăng Vân Châu

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc Gia Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm chuyên đề “Lịch sử dưới góc nhìn của thế hệ trẻ” nhằm bồi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu lịch sử dân tộc và phát huy vai trò của thanh – thiếu niên trong sáng tạo nghệ thuật.

Những trang sử bằng tranh sống động của hoạ sĩ, đại tá Lê Huy Toàn

Những trang sử bằng tranh sống động của hoạ sĩ, đại tá Lê Huy Toàn

Hoạ sĩ - Đại tá Lê Huy Toàn là một trong những nghệ sĩ - chiến sĩ có công lớn trong việc ghi lại những khoảnh khắc dấu ấn của chiến tranh. Tác phẩm của ông chứa đựng những ý nghĩa cao đẹp, trong kháng chiến nó thổi bừng lên ngọn lửa nhiệt huyết trong lòng quân và dân ta, trong thời bình nó đem đến niềm xúc động to lớn cho những người được may mắn được sống trong hòa bình.