Chữ tâm bằng ba chữ tài

Vóc người tầm thước, vẻ mặt trung thực, nói năng thận trọng, Nguyễn Trí Huân dễ lẫn vào đám đông. Nhưng những ai đã sống gần mới biết, con người này vượt trội đám đông về lòng tốt và tính vị tha, lấy sự giúp đỡ người khác làm niềm vui.

Cách đây không lâu, tôi nhận được bức thư của một nhà ngoại giao của ta hiện đang công tác nước ngoài gửi về. Nội dung bức thư là một câu hỏi: "Ông Nguyễn Trí Huân hiện nay là Tổng biên tập Tuần báo Văn nghệ có phải là anh Nguyễn Trí Huân bộ đội, hồi chiến tranh biên giới đã đi bộ đến đồn biên phòng Lũng Cú và mang hộ giò phong lan của một chiến sĩ biên phòng nhờ chuyển về Hà Nội trao tận tay cô sinh viên trường Đại học Pháp Lý hay không?".

Nguyễn Văn Bổng - Nhà văn Chiến Sĩ hào hoa

Thì ra chiến sĩ công an biên phòng một phần tư thế kỷ trước, nay đã trở thành nhà ngoại giao. Trong thư, anh nhờ tôi chuyển lời cám ơn tới Nguyễn Trí Huân vì nhờ giò phong lan đó mà một chiến sĩ công an biên phòng mãi tít đồn Lũng Cú đã nên duyên cùng cô sinh viên Hà Nội...

Chữ tâm bằng ba chữ tài - 1

Nhà văn Nguyễn Trí Huân 

Bức thư của nhà ngoại giao nhắc tôi nhớ lại mùa xuân năn 1983, khi cuộc chiến tranh biện giới phía bắc còn xẩy ra ác liệt. Đoàn nhà văn quân đội đi thực tế vùng biên giới Hà Giang, nhưng xe của Tạp chí chỉ dừng lại ở thị xã, đường từ thị xã Hà Giang lên Đồng Văn chúng tôi phải đi xe khách mất trọn một ngày. Đến Đồng Văn, đoàn nghỉ lại một đêm ở huyện đội, hôm sau phải chia đôi, một số dùng xe của huyện đội để sang Mèo Vạc, số còn lại dừng ở  Đồng Văn để tự đi bộ lên các cao điểm và đồn biên phòng. Nguyễn Trí Huân rủ tôi ở lại Đông Văn, và được chấp thuân ngay, vì ai cũng biết ở lại để tự đi bộ mấy ngày trời sẽ vất vả hơn nhiều so với cùng đoàn đi tiếp theo xe.

Trước hết, từ thị trấn Đồng Văn, chúng tôi đi bộ lên đồn biên phòng Lũng Cú. Thấy khách nhà báo đến, đồn trưởng phát hoảng vì thực phẩm của đồn không có gì dự trữ ngoài...muối! Nhưng rồi đồn trưởng đã có sáng kiến cử một chiến sĩ đi bộ gần hai tiếng đồng hồ xuống bản người Mông mua được một ít thịt ướp muối cùng mớ rau cải. Đối với tôi, đó là một bữa cơm tuyệt vời, nhưng với Nguyễn Trí Huân, chỉ ngon nửa bữa! Bởi vì đang ăn nửa chừng thì anh xin phép ra ngoài, đi đến chỗ lính biên phòng đang ngồì ăn bên lối đi, thức ăn chỉ có muối trắng và một nồi canh rau dại nấu nước muối. Khi trở vào ngồi tiếp vào mâm, hầu như đũa anh không nỡ gắp vào món thịt rang và rau xào, trông anh như người cảm bệnh.

Tối hôm đó ngồi bên bếp lửa nghe đọc thơ và kể chuyện, một chiến sĩ biên phòng đưa ra một giò phong lan, nhờ chúng tôi chuyển về Hà Nội. Nhìn khúc gỗ tươi khá to mà giò phong lan dính vào, tôi ái ngại vì khoảng cách quá xa, hơn nữa, từ Lũng Cú chúng tôi còn đi bộ tiếp đến nhiều cao điểm nữa, chứ đã quay về Hà Nội đâu... Nhưng Nguyễn Trí Huân đã đứng dậy đón lấy giò phong lan từ tay người lính và hứa sẽ trao tận tay người nhận.

Hôm sau, từ đồn Lũng Cú, chúng tôi phải đi bộ ngót một ngày mới lên được cao điểm 1911. Suốt đường đi, ngoài tư trang của mình, Nguyễn Trí Huân khi nào cũng lè kè giò phong lan, khi cầm lâu quá mỏi tay, anh tìm dậy buộc vào rồi mang như mang ba lô. Thấy tôi có vẻ ái ngại, anh nói rằng, thương lính quá mà chẳng giúp được gì họ, nên bất cứ điều gì họ nhờ, nếu có thể giúp được thì khó mấy cũng cố làm.

Dạo ấy trường đại học Pháp Lý còn ở Thường Tín, cách Hà Nội mười bảy cây số. Vừa về Hà Nội một ngày, hôm sau trời mưa dầm, anh đã rủ tôi đạp xe mang giò phong lan đi...Chuyện đó lâu rồi tôi ngỡ đã quên, không ngờ bức thư của nhà ngoại giao đã nhắc nhớ lại, đồng thời biết được khúc kết có hậu của mối tình của anh lính biên phòng mãi tít đốn biên phòng Lũng Cú với cô sinh viên Hà Nội mà giò phong lan trên tay Nguyễn Trí Huân là cầu nối!

Cuối năm 1982, Nguyễn Trí Huân đưa vợ về ở một căn phòng của khu tập thể Vân Hồ. Đây là một khu tập thể tự phát nên thiếu thốn đủ thứ, đặc biệt đường dây điện cũ nát, cứ đến giờ cao điểm là đứt. Bữa cơm tối đang ăn  nửa chừng thì điện tắt, tối đen, mọi gia đình dừng lại tìm diêm, châm đèn ăn tiếp nhưng Nguyễn Trí Huân thì đặt bát đũa, đứng dậy lấy "bộ đồ nghề" gồm đèn pin, cái kìm và cán sào tre. Vốn không hề có kiến thức về điện đóm, nhưng chữa nhiều thành quen, trong đêm tối anh vẫn phát hiện ra dây điện đứt chỗ nào và nhanh chóng nối lại.

Một số gia đình chuyển về sau không biết anh là nhà văn, chỉ biết tên không biết họ, cứ tưởng anh là thợ điện của khu tập thể, nên hễ mất điện là tìm đến gọi cửa. Có lần anh đi công tác xa, trong một tối mất điện, cô Trâm vợ anh không biết bao lần phải mở cửa để thanh minh rằng chồng không có nhà, và tất nhiên đêm đó cả khu phải dùng đèn dầu, vì ngoài anh ra, không ai coi nối dây điện trong đêm là việc của mình!

Rồi chuyện một cháu bé sáu tuổi bị lạc. Bố mẹ cháu là người cơ quan khác, chuyển về đây chưa lâu, nên khi cháu bị lạc, các gia đình xung quanh chỉ đến hỏi thăm để tỏ vẻ cảm thông mà thôi. Nguyễn Trí Huân thì không thế. Anh hỏi thăm để biết một lượng thông tin cần thiết như cháu học ở đâu, có hay chơi với con nhà ai và đi học thường về theo đường nào...rồi anh lặng lẽ đạp xe đi. Hơn một tiếng đồng hồ sau anh đạp xe về và nói cho gia đình cháu bé bị lạc biết rằng anh đã đến những đồn công an nào, để người nhà đừng mất công đến những đồn công an đó mà nên tìm nơi khác. Nói xong, anh lại đạp xe đi và đến gần sáng, khi cháu bé đã được người quen đưa về cho bố mẹ cháu thì anh mới trở về nhà mình.

Sau khi tốt nghiệp khoá I của trường Viết Văn Nguyễn Du, Nguyễn Trí Huân cùng một số anh em sáng tác được bổ sung cho Tạp chí Văn nghệ quân đội. Dạo đó cuộc sống thật khó khăn, thi thoảng mới được phân phối một số thứ như lốp xe, vỏ chăn và cả mấy cái bát ăn cơm. Nguyễn Trí Huân luôn nhường nhịn cho người khác, và nếu như phải bắt thăm, anh cũng quen nhường nhịn. Đó là lần anh và tôi cùng bắt thăm trúng chung một chiếc vỏ chăn, mỗi người nửa chiếc, nhưng anh đã đem chiếc chăn lại bảo tôi sử dụng, với lý do nhà tôi đông người hơn nhà anh!

Chữ tâm bằng ba chữ tài - 2

Nhà văn Nguyễn Trí Huân (phải) trò chuyện với nhà thơ Hữu Việt. Ảnh Nguyễn Đình Toán

Một dịp tết, tạp chí có ra một tờ phụ trương để anh em trong cơ quan tự phát hành cải thiện đời sống. Anh và tôi, mỗi người một xe đạp chở báo đi bán theo đường qua trường Cao đẳng sư phạm, Đại học Sư phạm rồi đạp ngược lên Phùng...Anh cố ý nhường tôi đạp xe đi trước để có ai mua thì tôi sẽ bán được, cũng may tôi sớm phát hiện ra điều đó, nếu không, anh sẽ chẳng bán được tờ nào.

Sau mười năm công tác ở Tạp chí Văn nghệ quân đội, anh được đề bạt lên Tổng biên tập. Có người lo cho anh vì còn quá trẻ so với các Tổng biên tập tiền nhiệm, nhưng phần đông tin anh sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao bởi đức độ  của anh. Theo thông lệ, trước ngày nghỉ tết âm lịch, cơ quan có bữa liên hoan và thủ trưởng nói lời chúc tết. Và lời chúc tết của tân Tổng biên tập cũng khá đặc biệt:

  - Tết này ta nên dành cho gia đình, họ hàng và những người ngày thường ta khó gặp. Tôi đề nghị các anh chị không nên đến nhà các đồng chí phụ trách làm gì, ra giêng ta gặp nhau ngay thôi mà!

Để nói được câu đó, anh đã nắm chắc tâm lý những người trong cơ quan, đặc biệt bộ phận hành chính, trị sự. Đối với họ, việc đến chúc tết thủ trưởng vốn được coi như bổn phận, mặc dù ngày tết còn bận bao việc khác, nếu vì lý do nào đó mà không đến được thì tự cho là thất lễ. Lời nói của tân Tổng biên tập như giải toả được tâm lý đó, và suốt 13 năm anh làm Tổng biên tập, hầu như không có nhân viên nào đến nhà anh theo nghĩa chúc tết thủ trưởng.Còn anh thì dành thời gian đến thăm những thủ trưởng cũ đã về hưu, đặc biệt là những người già yếu, ốm đau.

Nhà văn Từ Bích Hoàng, nguyên là Phó Chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ quân đội, về hưu đã lâu, sức khoẻ yếu là địa chỉ đầu tiên năm nào anh Huân cũng tìm đến, khi thì một cành đào, khi thì cây quất hoặc cây mai...anh mua đem đến biếu anh Hoàng trước, sau mới trở lại mua cho nhà mình. Anh là người luôn ghi ơn những người đã giúp mình. Có lần tôi thấy anh bị nhà văn Đỗ Chu mắng xơi xơi, tôi hỏi tại sao anh lại có thể làm thinh thế được, anh tâm sự:

  - Tính bác Chu thích nói năng thế thôi, chứ là một người cực tốt. Những năm em ở chiến trường, tết năm nào bác Chu cũng về tận nhà em thăm hỏi và động viên mẹ em...Em coi bác Chu như anh trai vậy!

Nguyễn Trí Huân nhận chức Tổng biên tập được vài tháng thì nhà thơ Duy Khán qua đời ở Hải Phòng. Anh dẫn đầu một đoàn nhà văn xuống Hải Phòng tổ chức lễ tang. Vừa qua tết âm lịch, trời rét căn cắt, đoàn được bố trí nghỉ trong nhà khách của Thành đội Hải Phòng. Dạo ấy, cơ quan này vừa qua "biến cố", nên điều kiện ở nhà khách hết sức thiếu thốn, giường ngủ như một sạp liền nhau, đệm không và mỗi người một chiếc chăn chiên mỏng.

Đêm, Nguyễn Trí Huân phải thức liền mấy tiếng đồng hồ để viết điếu văn, khi viết xong, quay lại phần giường mình không thấy chăn đâu, nhìn sang bên cạnh mới biết một nhà văn trong đoàn sử dụng hai chăn đang ngủ say, thế là anh mặc luôn bộ quân phục, chịu rét nằm thâu đêm chứ không nỡ đánh thức người đã vô tình lấy mất chăn mình!

Nguyễn Trí Huân là thế, luôn tự nguyện nhận phần thiệt về mình, như lần một truyện ngắn đăng trên tạp chí bị cấp trên phê phán và dự định có hình thức kỷ luật từ người biên tập, trưởng ban Văn trở lên, nhưng anh đã nhận tất cả trách nhiệm về mình, kết quả là chỉ một mình anh bị kỷ luật, còn hai nhà văn cấp dưới được "thoát hiểm"!

Những chuyện tương tự có thể kể suốt nhiều trang báo. Bởi vậy, mỗi lần nhắc tới anh là tôi nhớ câu Kiều "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Khi viết câu thơ này, Đại thi Hào Nguyễn Du không hề coi nhẹ chữ tài mà chỉ muốn nhấn mạnh chữ tâm; cũng như vậy, nhà văn Nguyễn Trí Huân không hề kém tài, bằng chứ là các tiểu thuyết Chim én bay và Năm bảy lăm họ đã sống như thế của anh đầy lòng nhân ái, được đông đảo bạn đọc yêu thích, đưa anh nhận Giải thưởng Nhà nước danh giá.

Nhà thơ Vương Trọng

Tin liên quan

Tin mới nhất