Tri ân nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Người mở đường của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam

Sáng 25/12, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Hào Nam, Hà Nội), Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức Lễ phát hành bộ tem kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận và Hội thảo chuyên đề “Đỗ Nhuận - Âm thanh cuộc đời".

Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng, nồng ấm với sự có mặt của ông Lã Hoàng Trung - Vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Nguyễn Minh Nhựt - Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương), Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng đông đảo hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, các nghệ sĩ đã tới để thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với người nhạc sĩ tài danh Đỗ Nhuận.

Tri ân nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Người mở đường của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam - 1

Toàn cảnh buổi lễ. Ảnh: Phạm Hằng 

Trăm năm âm thanh một cuộc đời

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận - vị Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thuộc lớp các nhạc sĩ cách mạng tiền bối, ông đã sống qua 3 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân ta.

Suốt quá trình vừa hoạt động cách mạng vừa hoạt động âm nhạc, ông đã để lại rất nhiều tác phẩm có giá trị thuộc ở nhiều thể loại khác nhau, từ ca khúc đến ca kịch, kịch múa, ca kịch múa rối, nhạc chèo, nhạc phim, các tác phẩm thính phòng cho các loại nhạc cụ, hai bản nhạc kịch, tổ khúc và tổ khúc giao hưởng… Nhiều tác phẩm của ông đến nay vẫn sống trong lòng nhân dân, là khối di sản văn học nghệ thuật của quốc gia, của nhân dân Việt Nam.

Tri ân nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Người mở đường của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam - 2

Biểu diễn những bài hát của nhạc sĩ Đỗ Nhuận trước buổi lễ. Ảnh: Phạm Hằng 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lã Hoàng Trung - Vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ: Để ghi nhớ, tri ân cuộc đời, sự nghiệp của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa - văn học nghệ thuật, trong đó có những giá trị bất hủ của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quyết định về việc phát hành bộ tem “Nhạc sĩ Đỗ Nhuận”, gồm 1 mẫu tem.

Tri ân nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Người mở đường của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam - 3

 Vụ trưởng Vụ Bưu chính Lã Hoàng Trung (thứ hai từ trái sang) trao bộ tem kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận cho nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Ảnh: Phạm Hằng 

Bộ tem “Nhạc sĩ Đỗ Nhuận” được thiết kế đồ họa, lấy ý tưởng từ bài hát “Việt Nam quê hương tôi”, với hình ảnh quê hương Việt Nam tươi đẹp, luôn nồng hậu đón tiếp bạn bè trên thế giới, qua lời mời kể về cảnh đẹp đất nước Việt Nam rất gần gũi, như những người bạn kể cho nhau chuyện thường nhật nơi mình đang sống. Chân dung nhạc sĩ được thể hiện bên trái cân đối với mẫu tem, bản nhạc phía bên phải với lớp trong, giúp tầm mắt có thể nhìn xa, bao quát một phần cảnh đẹp quê hương đất nước Việt Nam.

"Với hình ảnh chân thực, đậm chất nghệ sĩ và mang chút nghiêm nghị của ông đưa chúng ta nhớ đến một người nhạc sĩ - chiến sĩ tài năng và dũng cảm với nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng trong nền âm nhạc Việt Nam. Việc phát hành bộ tem là sự tôn vinh những đóng góp to lớn trong bước đường hình thành, xây dựng, phát triển Hội Nhạc sĩ Việt Nam và những thành tựu sáng tạo âm nhạc xuất sắc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận - cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam", ông Lã Hoàng Trung phát biểu.

Tri ân nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Người mở đường của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam - 4

Cận cảnh bộ tem “Nhạc sĩ Đỗ Nhuận”. Ảnh: Phạm Hằng

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận cho rằng đây là món quà vô giá đối với gia đình ông. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân hy vọng rằng, với cách ứng xử văn hoá của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc vinh danh các nghệ sĩ gạo cội, những năm tiếp theo, những thế hệ tiếp theo như nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Đình Thi... trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cũng sẽ được đón nhận những sản phẩm văn hoá ý nghĩa này.

Cũng tại buổi lễ, họa sĩ Đinh Quang Tỉnh (Ba Tỉnh) đã tặng bức tranh sơn dầu chân dung nhạc sĩ Đỗ Nhuận cho gia đình nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Họa sĩ Ba Tỉnh chia sẻ, trong bộ tranh "Bản diện kim cương bất hoại" ông vẽ 108 chân dung văn nghệ sĩ của Việt Nam, trong đó nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng lên như một ngôi sao lấp lánh giữa bầu trời nghệ thuật Việt Nam.

Tri ân nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Người mở đường của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam - 5

Cố vấn cao cấp Thời báo Văn học Nghệ thuật, hoạ  sĩ Ba Tỉnh tặng bức chân dung nhạc sĩ Đỗ Nhuận cho gia đình nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Ảnh: Phạm Hằng 

Người khởi sự âm nhạc cách mạng Việt Nam

Ngay sau Lễ phát hành Bộ tem “Nhạc sĩ Đỗ Nhuận”, Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề “Đỗ Nhuận - Âm thanh cuộc đời”. Hội thảo đi sâu vào sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Nhuận dưới góc độ khoa học, tập trung phân tích những yếu tố đã tạo nên con người và tác phẩm của ông.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, nhạc sĩ Đỗ Nhuận có cuộc đời rất sôi động, phong phú. Ông không chỉ là tác giả của những ca khúc bất hủ, những tác phẩm nhạc kịch, khí nhạc bề thế, mà còn là người tìm đường cho sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ XX.

“Không là nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, nhưng những tìm tòi, suy nghĩ, ý tưởng của ông có ý nghĩa lý luận nền tảng rất lớn. Đặc biệt là những trăn trở tìm tòi về mối quan hệ biện chứng giữa tiếp thu, phát triển vốn âm nhạc dân tộc và tiếp nhận, chuyển hóa nhuần nhuyễn giá trị âm nhạc hiện đại quốc tế. Đặc biệt hơn nữa là những tìm tòi trên, ông chứng minh thành công bằng chính các tác phẩm của mình. Dù trên lĩnh vực nào (sáng tác, lý luận, biểu diễn, sư phạm…),  con người Đỗ Nhuận - nhạc sĩ - chiến sĩ luôn hoạt động sáng tạo với mục tiêu vì nước, vì dân, lấy âm nhạc phục vụ Tổ quốc”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.

Tri ân nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Người mở đường của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam - 6

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Phạm Hằng

Tại Hội thảo, Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho đã có những lời phát biểu đầy tâm huyết về nhạc sĩ Đỗ Nhuận - “người thầy sáng tác thực thụ” mà nhạc sĩ Doãn Nho luôn kính trọng.

“Bí quyết mà nhạc sĩ Đỗ Nhuận gợi mở cho tôi là phải ngấm dân ca với tất cả tâm hồn của mình, cùng với nắm bắt tính độc đáo trong ngôn ngữ của từng vùng. Cho đến bây giờ tôi vẫn rất khâm phục ông đã sáng tạo ra một thủ pháp mang cá tính riêng biệt của ông nhưng hoàn toàn mới, không chỉ mới đối với nền âm nhạc trong nước, mà cả đối với nền âm nhạc thế giới qua nhận xét của thầy dạy sáng tác của tôi tại Nhạc viện Kiép”, nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ.

Nhạc sĩ Doãn Nho nhấn mạnh thêm, “chất Đỗ Nhuận” rất đậm đặc còn ở chỗ ông là người lính cách mạng trải qua tù đầy, cái sống cái chết liền kề nhưng luôn kiên định, thậm chí không ngừng sáng tác. Một loạt bài đã được viết ra trong hoàn cảnh đặc biệt này: “Chiều tù”, “Hận Sơn La”, “Tiếng gọi tù nhân”…

Tri ân nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Người mở đường của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam - 7

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ về "người thầy" Đỗ Nhuận. Ảnh: Phạm Hằng 

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cũng cho rằng, người khởi sự âm nhạc cách mạng Việt Nam chính là nhạc sĩ Đỗ Nhuận với những bài hát cách mạng trong tù. Với tinh thần yêu nước, Đỗ Nhuận không chọn con đường sáng tác những bài hát lãng mạn mà ông lại chọn con đường viết những bài hát yêu nước thông qua lịch sử.

Thời chống Mỹ, với vai trò là Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đỗ Nhuận lại vẫn là người khởi sự cho âm nhạc cách mạng một thời kỳ hoành tráng nhất trong Tân nhạc Việt Nam. Bên cạnh hàng loạt ca khúc độc đáo cả giai điệu lẫn tiết tấu, sau “Cô Sao” sừng sững, ông đã hoành thành và công diễn nhạc kịch “Người tạc tượng” bằng tinh thần quyết thắng của “Điện Biên Phủ âm nhạc” từ ngày nào.

Thời thanh bình, người khởi sự âm nhạc cách mạng Đỗ Nhuận vẫn tiếp tục chinh phục những đỉnh cao âm nhạc trong “Trận Điện Biên Phủ âm nhạc của riêng mình. Ông hoàn thành nhạc kịch thứ ba của mình “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” từ vở kịch cùng tên của người bạn nhà văn - nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi với trường ca “Người Hà Nội” nổi tiếng.

“Ông vẫn còn mơ ước viết vở nhạc kịch thứ tư cho đủ tứ quý, tứ tượng, tứ hình. Nhưng mơ ước mãi chỉ là mơ ước. Cũng đã quá đồ sộ cho một sự nghiệp âm nhạc của người khởi sự âm nhạc cách mạng”, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nói.

Hội thảo còn ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia xoay quanh cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của nhạc sĩ Đỗ Nhuận: PGS.TS Nguyễn Trọng Ánh với bài phân tích về thủ pháp vận dụng nguồn chất liệu thang âm ngũ cung trong ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận; PGS.TS Trần Thế Bảo phân tích trường ca hợp xướng “Du kích sông Thao” của Đỗ Nhuận; Tiến sĩ Haruka đến từ Nhật Bản với phần tham luận về hoạt động ngôn luận của nhạc sĩ Đỗ Nhuận và sự ra đời của nền nhạc kịch Việt Nam…

Tiếp nối chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận, tối 25/12, chương trình nghệ thuật “Đỗ Nhuận - Âm thanh cuộc đời” sẽ được tổ chức tại Trung tâm Phát thanh truyền hình Quân đội QPVN (Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội).

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất