Chuyện làng văn nghệ: Người quẩy đôi bồ dân ca

Nhạc sĩ Hồng Thao quê Hà Nội. Ông là người trầm tĩnh, dáng dong dỏng cao, gầy, tóc bạc, ăn nói chậm rãi, từ tốn. Có gì bức xúc ông chỉ nói ra hành vi đó, rồi bỏ lửng, không bộc lộ ý cá nhân, hình như để người nghe nói hộ mình, nếu không ai chia sẻ, ông chuyển sang chuyện khác…

Có lần, tôi gặp ông ở thị xã Bắc Ninh (nay là TP Bắc Ninh). Trông xa tưởng như cán bộ xã, quần áo mặc tuềnh toàng, bụi đỏ gấu quần. Chỉ có cái máy ghi âm to cộ xệ bên vai. Tôi hỏi nhạc sĩ: “Ông đi đâu mà vội thế?”. Đáp: “Xuống đoàn Quan họ. Chiều nay có cuộc tổng duyệt chương trình Quan họ, phải có mặt. Mình đi nhớ!”. Rồi người ấy lại hối hả đạp xe, như lúc nào cũng sợ muộn.

Nhạc sĩ Hồng Thao đã từng rời bỏ Hà Nội lên vùng cao Tây Bắc sống với đồng bào dân tộc, nhất là người H’mông để nghiên cứu dân ca vùng này, sống với đá núi trập trùng, hơi sương buốt lạnh, leo dốc vượt đèo lên tận bản xa mù tăm, hơ tay bên bếp lửa, vị đậm mèn mén lan cả vào trong giấc ngủ. Giai điệu dân ca H’mông tình tứ đắm lòng đã hút hồn ông. Rồi bất ngờ nhạc sĩ cho ra công trình dân ca H’mông có tiếng…

Chuyện làng văn nghệ: Người quẩy đôi bồ dân ca - 1

Công trình nghiên cứu Tìm hiểu Dân ca Quan họ của NS Hồng Thao.

Khi hoàn chỉnh xong công trình Dân ca Mèo (H’mông), ông trở về Hà Nội để “cày ải” – dân ca Quan họ Bắc Ninh- một việc chưa ai làm thì may mắn ông gặp “chân chủ”: Trưởng ty văn hóa Hà Bắc Lê Hồng Dương và cùng nhau hội ngộ bởi cùng chí hướng.

Với chiếc xe đạp lọc cọc, ghi đông buộc khăn mặt ướt, bên hông kè kè chiếc máy ghi âm, đầu đội mũ cát, nhạc sĩ Hồng Thao đến từng nghệ nhân của 49 làng Quan họ để sưu tầm, thu thập, ghi âm hàng trăm bài hát quan họ. Quen đến mức, người Quan họ các thôn làng Kinh Bắc coi ông như người nhà, không phân biệt lạ quen, không phân ngôi chủ khách…

Sau đó, ông lại dày công chuyển hóa thành những nốt nhạc sát thực, giàu âm sắc, lược bỏ những âm thanh rậm rạp, cũ kỹ, lấy cái tinh để hợp thành những bài Quan họ dễ thuộc, dễ hát, dễ phổ cập nhằm cung cấp cho các liền anh liền chị trong đoàn dân ca Quan họ trình diễn. Tuy nhiên đó chỉ là bề nổi, còn hàng nghìn trang tự nghiên cứu lâu dài đang còn nằm trong hòm được nhạc sĩ khóa lại - theo ông, nó còn hơn cả cẩn trọng tiền bạc, con cái đừng có hòng sờ đến… Ông có nộp cho Phòng tư liệu của Ty Văn hóa Hà Bắc để ghi lại hàng trăm đĩa kim loại lưu trữ lâu dài và được nhận chút thù lao ít ỏi…

Chuyện làng văn nghệ: Người quẩy đôi bồ dân ca - 2

Biểu diễn Dân ca Quan họ.

Có lúc, nhạc sĩ Hồng Thao tâm sự với tôi: “Kim có hiểu bài Ra ngõ mà trông như thế nào không? Tôi thì hiểu thế này, có một dị bản là Ra ngó vào trông miêu tả tâm trạng bồn chồn của người quan họ đón bạn “Nửa trông bên nọ, nửa chờ bên kia”. Nghiên cứu văn bản không đào sâu là dễ trượt theo lối hát thông thường lắm”. Tôi thầm phục ông kỹ lưỡng về mặt học thuật.

Có lúc tôi nói với nhạc sĩ: “Ông chỉ sắm một cái đòn gánh quẩy hai bồ dân ca quan họ và dân ca H’mông thì chẳng có nhà nghiên cứu nào dám đọ với ông”. Người ấy cười hiền.

Nhạc sĩ Hồng Thao bây giờ đã khuất núi hơn hai mươi năm rồi. Anh từng là hội viên của hai Hội sáng giá: Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (truy tặng). Toàn bộ công trình của nhạc sĩ Hồng Thao mà bất cứ nhà nghiên cứu nào về dân ca H’mông và dân ca quan họ đều không thể bỏ qua trong tìm hiểu và khai thác vốn cổ quý giá ấy.

“Mình đi nhớ” - với tôi - nhạc sĩ Hồng Thao vẫn là một người lặng lẽ, hơi mang chút mặc cảm tự ti, bao giờ cũng như sợ lỡ thời gian, như sợ “lỡ tàu” cho bất cứ công việc nào mình theo đuổi, kiếm tìm.

Người ấy là nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc với tôi thân thiết một thời.

Nguyễn Thanh Kim

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tiếp tục nêu cao tinh thần, vai trò và trách nhiệm của văn nghệ sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa

Tiếp tục nêu cao tinh thần, vai trò và trách nhiệm của văn nghệ sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa

Với những kết quả đạt được trong năm qua, văn học nghệ thuật tiếp tục góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hoá, xây dựng con người, đấu tranh với những biểu hiện sai trái, tạo bầu không khí lành mạnh trong xã hội, tạo niềm tin vào tiền đồ của đất nước, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ trong nhân dân.

Nguyễn Tư Nghiêm – dòng chảy, mạch nối bất tận

Nguyễn Tư Nghiêm – dòng chảy, mạch nối bất tận

Sinh năm 1922 tại Nam Đàn, Nghệ An - mất năm 2016 tại Hà Nội… Cách duy nhất thầm thì để hiểu ông, thích tranh ông… nhận ra giá trị vượt thời gian - vượt tiến - cách tân - chốt vị thế định danh bậc thầy - những ý tưởng không chỉ chuẩn mực mà còn gây ảnh hưởng thống trị - thán phục - tạo động lực lan tỏa rộng - góp phần đa dạng hóa phương ngữ thị giác “ngôi nhà lớn” khó gi