Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và việc chấn hưng sự nghiệp văn hoá, văn nghệ của đất nước trong thời gian tới

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia” - câu nói của Thân Nhân Trung thể hiện chân lý vĩnh cửu của mọi thời đại và quốc gia trên thế giới. Trong bất cứ một xã hội, một đất nước nào trên trái đất này, trí thức, văn nghệ sĩ đều là những tinh hoa làm nên bộ mặt khoa học và văn hóa của một nước. Tất nhiên họ là kết quả của sự hun đúc từ đông đảo tầng lớp nhân dân của một quốc gia, là đại diện cho mọi người dân nước đó. Họ là những người con của nhân dân, cơm họ ăn, áo họ mặc đều từ nhân dân mà ra, vì thế nghĩa vụ cao cả của họ là phục vụ nhân dân. Song cũng từ tài năng và sự nhạy cảm của họ nên không tránh khỏi có lúc này, lúc nọ họ thể hiện sự ngạo mạn hay kiêu ngạo làm tổn hại đến thanh danh của mình và làm những người xung quanh khó chịu. Vì thế, vấn đề của những người quản lý, sử dụng là làm sao biết khai thác điểm hay của họ mà gạt đi những điểm dở để có ích cho đất nước. Trong “Thư gửi các đồng chí bắc bộ” ngày 01 tháng 3 năm 1947 Hồ Chủ tịch đã nói: “Chúng ta phải nhớ rằng: người tài ai cũng có chỗ hay chỗ dở, ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở…”. Đó là thực tế cách dùng người của Bác và thời gian Người lãnh đạo đất nước đã chứng minh sự tài năng và thành công của Bác trong sự nghiệp cách mạng do Người dẫn dắt.

Ở góc độ quản lý, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (sau đây gọi tắt là Liên hiệp) là nơi tập hợp những văn nghệ sĩ trí thức của rất nhiều lĩnh vực thông qua các hội chuyên ngành của mình. Khác với tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức chuyên nghiệp hay tổ chức xã hội là các hội chuyên ngành tại đây tập hợp cả những văn nghệ sĩ trí thức đã nghỉ hưu, những người không thuộc diện biên chế nhà nước, những người hoạt động tự do và một số thành phần khác... Họ có thể là những người được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản, đồng thời lại có những người làm nghề tay trái hay chỉ có năng khiếu nhất định.

Nói như vậy để thấy sự phức tạp và khó khăn cho người quản lý. Với một tổ chức để tập hợp một thành phần đông đảo như vậy, để thấy tầm ảnh hưởng cũng như sự bao quát của Liên hiệp có quy mô như thế nào. Nó lớn hơn các cơ quan nhà nước theo các lĩnh vực chuyên sâu, lớn hơn các tổ chức xã hội nghề nghiệp chuyên biệt.

Mặt khác, các cơ quan, tổ chức nhà nước là những tổ chức quan phương, cho nên việc ứng xử hay xử lý một số công việc hoàn toàn theo định chế của luật pháp, những quy định của cơ quan chính quyền, không có việc thông cảm, uyển chuyển như ở các tổ chức mang tính chất đoàn thể, hội hè. Vì thế, các hội chuyên ngành trong Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thực sự là cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, một lĩnh vực hết sức nhạy cảm và tế nhị.

Do vậy, Liên hiệp cũng là nơi có thể giúp đỡ, tạo điều kiện để cho các văn nghệ sĩ, trí thức phát huy được sự sáng tạo rất tốt. Thông qua đó, Đảng và Nhà nước cũng có thể nắm bắt, tạo điều kiện hay chuyển tải những yêu cầu, mong muốn của mình trong lĩnh vực này. Cụ thể là thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng thông qua việc nắm bắt, quản lý đội ngũ văn nghệ sĩ trí thức một cách rất văn hóa bằng các hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật do đội ngũ này thực hiện. Bởi vậy, để chấn hưng văn hóa của đất nước thì việc “chấn hưng” đội ngũ này thông qua các tổ chức mà họ là thành viên, là điều cần được quan tâm.

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và việc chấn hưng sự nghiệp văn hoá, văn nghệ của đất nước trong thời gian tới - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Để thực hiện tốt được những mục đích đó trong thời gian tới, theo chúng tôi, trước hết là công tác tổ chức từ Liên hiệp Hội Trung ương là cơ quan cao nhất cho đến các hội chuyên ngành. Thời gian vừa qua Liên hiệp đã dần củng cố lại tổ chức của mình để bộ máy hoạt động trơn tru, song còn cần phải được củng cố nhiều hơn nữa. Thực tế nhiệm kỳ vừa qua cho thấy, mỗi khi có sự chuyển giao thế hệ nếu không có sự chuẩn bị một cách lâu dài, có bài bản, kế hoạch từ trước, sẽ xảy ra những trục trặc và bất cập không đáng có. Đây là một kinh nghiệm đáng nhớ để bộ máy của Liên hiệp cần phải rút ra để tiếp tục hoàn thiện trong nhiệm kỳ này và cho những nhiệm kỳ tiếp theo.

Trên cơ sở của các quyết định, chỉ thị của Đảng như 58…, gần đây nhất là Quyết định số 118-QĐ/TW, ngày 22 tháng 8 năm 2023 của Ban Bí thư về quy chế tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương sẽ là cơ sở để củng cố bộ máy tổ chức và các hoạt động của Liên hiệp cũng như các hội chuyên ngành trong thời gian tới.

Sau công tác tổ chức, thiết nghĩ cần có một cuộc đánh giá lại mọi mặt các hoạt động của Liên hiệp trong thời gian qua để từ đó tìm ra những phương hướng cho thời gian tới. Chúng ta vừa có những hoạt động kỷ niệm 75 năm sự ra đời của Liên hiệp với nhiều hoạt động phong phú.

Tuy nhiên, chưa có một cuộc đánh giá thật sự khoa học. Cuộc đánh giá này cần được thực hiện nghiêm túc, khoa học và thực sự cầu thị để tìm ra những mặt thiếu sót, cần phải nhìn nhận thực tế những vấn đề gì đang còn tồn tại trong hoạt động của Liên hiệp và các hội chuyên ngành, có như vậy mới tìm ra những nguyên nhân hướng tới sự phát triển. Chúng ta sắp bước vào kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, một lần nữa đây sẽ là dịp để chúng ta nhìn nhận lại những vấn đề đó một cách nghiêm túc nhất. Muốn làm trước hết phải đánh giá lại công tác Liên hiệp từ khi đất nước thống nhất đã đạt được gì và chưa đạt được gì, đặc biệt là cái gì đã cản trở sự phát triển của Liên hiệp? Để có thể tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay, xứng đáng góp phần vào việc chấn hưng sự nghiệp văn hóa văn nghệ của đất nước, thì việc chỉ ra những điểm yếu và tìm cách khắc phục trong thời gian tới là việc làm hết sức cần thiết.

Ngoài những hoạt động truyền thống, từ thực tế của Liên hiệp và các hội chuyên ngành hướng tới đề xuất những biện pháp, sáng kiến để tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và hoạt động sáng tạo vì sự nghiệp chung của đất nước. Bên cạnh những tổng kết, sáng tác về những giai đoạn lịch sử hào hùng đã qua của đất nước, thì những sáng tác mới, nghiên cứu lý luận, phê bình mới đối với sự phát triển đất nước hôm nay cũng cần được tổng kết. Những tác phẩm, công trình giúp cho đất nước hội nhập, đi lên và phát huy được các giá trị văn hóa của dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Có như vậy, bằng sự nghiệp và những hoạt động riêng của mình, Liên hiệp sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.

Hơn bao giờ hết, nhận thức của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương càng ngày càng có sự ủng hộ và nhất trí cao trong việc đề cao văn hóa và đội ngũ của nó. Đặc biệt từ sau Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24 tháng 11 năm 2021 với bài phát biểu quan trọng của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về vai trò của văn hóa và đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức. Nhận thức đó đã thực sự đi vào đời sống, vào công việc hàng ngày của các cấp chính quyền, coi văn hóa là động lực và là nguồn lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Điều này một lần nữa lại được khẳng định trong bài phát biểu gần đây nhất, ngày 30 tháng 9 năm 2023 của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại Hải Phòng: “Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo, phát huy vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình ấy, văn nghệ sĩ, nhà văn luôn được đặt ở vị trí trung tâm, có vai trò quyết định sáng tạo ra giá trị tinh thần cao đẹp cho xã hội”. Đây là cơ hội để Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật chúng ta tham gia vào mọi hoạt động của đất nước từ cương vị của mình.

Có một công việc vô cùng quan trọng mà thời gian vừa qua do nhiều lý do khác nhau không được phát triển tại Liên hiệp, đó là hoạt động quan hệ quốc tế. Nếu như thời kháng chiến, các hoạt động này không chỉ là sự trao đổi kinh nghiệm sáng tác của các văn nghệ sĩ, mà là kêu gọi sự ủng hộ của họ cho cuộc kháng chiến của đất nước. Ngày nay, công việc đối ngoại này cần được củng cố với mục đích giao lưu, học hỏi và hợp tác vì sự phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà. Bên cạnh kênh chính thống của nhà nước, thì Liên hiệp với tư cách là hội nghề nghiệp có thể tranh thủ được sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, các nhà văn hóa, các nghệ sĩ nổi tiếng cả về vật chất và tinh thần cho công việc của mình.

Thông qua các mối quan hệ quốc tế này để đẩy mạnh và cần có chiến lược đào tạo đội ngũ sáng tác, lý luận, phê bình trong tất cả mọi chuyên ngành của Liên hiệp theo con đường phi chính thống. Đó là việc đào tạo nhiều hướng từ nhà nước, tự thân, tư nhân và các doanh nghiệp các tổ chức xã hội. Bên cạnh sự đào tạo của các cơ quan nhà nước thông qua các trường đại học, các viện nghiên cứu, thì con đường mà Liên hiệp có thể khai thác bằng những sự hợp tác của các tổ chức nghề nghiệp trên thế giới.

Nhà nước cần có sự ưu tiên, bao cấp của nhà nước đào tạo những chuyên gia, những nghệ sĩ trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật truyền thống để giữ gìn văn hóa dân tộc. Với tư cách là một tổ chức nghề nghiệp, Liên hiệp, thông qua các hội chuyên ngành, có thể phát hiện, tìm người có năng khiếu, tài năng, lựa chọn được những người say mê, yêu thích, khao khát với sự bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc để giới thiệu họ đi đào tạo. Bằng kênh riêng, bằng các mối quan hệ cá nhân và tổ chức, Liên hiệp có thể tham gia tích cực vào công việc này vì sự nghiệp phát triển văn hóa của dân tộc.

Một nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Liên hiệp được Đảng, Nhà nước giao phó là sự tập hợp, hòa giải với tất cả các văn nghệ sĩ, trí thức ở khắp nơi trên thế giới vì sự đoàn kết và phát triển của đất nước. Đồng thời là sự vận động các văn nghệ sĩ trí thức ngay tại trong nước trước những sự tác động của mạng xã hội, của rất nhiều luồng tư tưởng, trường phái khác nhau, trước những tình hình phức tạp của tham nhũng, tiêu cực và cuộc đấu tranh giữa các thế lực trên thế giới. Tất cả những điều đó đã có ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của văn nghệ sĩ, trí thức trong nước, làm cho họ hoang mang, lo lắng và có thể mất phương hướng, nghiêng ngả…

Điều này cũng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã chỉ ra: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(*). Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam chính là một nơi để tập hợp, giúp đỡ cho các văn nghệ sĩ, trí thức thể hiện những tư tưởng của mình, trao đổi thảo luận, chia sẻ để tránh tạo nên những bức xúc dẫn đến những hành động không đúng đắn.

Con đường phía trước còn dài, công việc trước mắt còn nhiều và nặng nề đòi hỏi trí tuệ và sự hiểu biết cũng như sự đoàn kết, cố gắng của tất cả chúng ta vì một nước Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Hồ Chủ tịch./.

(*) Bài nói chuyện của Bác Hồ nói chuyện với cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương, ngày 18/6/1968.

Bài tham luận của GS. TS Lê Hồng Lý, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT- Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Hội thảo khoa học “Tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay; góp phần chấn hưng và phát triển văn hoá, văn nghệ của đất nước”.

GS. TS Lê Hồng Lý

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Sau nhiều năm lâm bệnh ung thư, khi thì qua, khi thì nặng trở lại, nhà thơ thương binh Hoàng Cát đã về cõi vĩnh hằng vào ngày 1 tháng 7 năm 2024, đúng vào đầu tháng có kỉ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, hưởng thọ 83 tuổi. Nhà thơ sinh năm 1942 tại quê nhà Nghệ An, nhưng đã cư trú liên tục tại Hà Nội từ năm 1960.

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), đồng thời Lễ truy điệu cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ủy vi