Danh họa Nguyễn Gia Trí

Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí sinh năm Kỷ Dậu 1908 tại làng An Trạch, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương khóa VII (1931-1936) cùng khóa với họa sĩ Trần Văn Cẩn. Năm 1965, theo lời kể của họa sĩ Trần Quang Trân (tức Ngym), Nguyễn Gia Trí học cùng ông khóa IV, đang học dở dang năm thứ hai thì bỏ, đến khóa VII lại tiếp tục vào học cùng khóa với Trần Văn Cẩn, Lưu Văn Sìn.

Người cha đẻ những bức tranh sơn mài tân thời của Việt Nam

Có người đưa ra lý do của việc Nguyễn Gia Trí bỏ học, ấy là do Hiệu trưởng của trường - họa sĩ Victor Tardieu - tuy phục tài nhưng không ưa cá tính của người họa sĩ trẻ. Những lần có khách tới thăm trường, ông này thường cố tình đứng che tranh của Nguyễn Gia Trí.

Bản thân Nguyễn Gia Trí sau này cũng tiết lộ: "Học đến năm thứ hai, tôi không chịu được nhà trường nên bỏ. Sau vì có khoa sơn mài nên học lại. Giờ académique (vẽ hàn lâm) buổi sáng là một cực hình. Chỉ mong đến chiều để làm sơn mài". Như vậy, bên cạnh lý do "không chịu được nhà trường" thì lý do cơ bản dẫn tới việc Nguyễn Gia Trí không tha thiết với việc học là vì ông  thích làm tranh sơn mài hơn. Chính thiên hướng độc đáo này đã giúp Nguyễn Gia Trí trở thành người đi đầu trong việc mở ra một khuynh hướng nghệ thuật mới cho Việt Nam mà sau này ta gọi là nghệ thuật sơn mài

Danh họa Nguyễn Gia Trí - 1

Danh họa Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993)

Nguyễn Gia Trí thường vẽ phụ nữ và phong cảnh, đồng thời có phong cách xây dựng bố cục tranh theo hình thức bình phong, bố trí các hình tượng trên nhiều tấm rời nhau rồi ghép lại. Các tác phẩm của họa sĩ được đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật tranh sơn mài, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cũng vào thời kì này, tác phẩm Lưu Nguyễn nhập thiên thai khổ lớn của ông được người Pháp mua, bày tại dinh Toàn quyền của người Pháp ở Hà Nội - nay là Phủ Chủ tịch- hiện vẫn được treo ở đó. 

Ông là người đi đầu trong việc chuyển những bức tranh sơn mài từ trang trí thành những tuyệt phẩm nghệ thuật và từ đó ông đã được mệnh danh là "người cha đẻ những bức tranh sơn mài tân thời của Việt Nam". Nguyễn Gia Trí là một trong những họa sĩ nổi tiếng đi đầu trong việc tạo ra một khuynh hướng nghệ thuật mới cho Việt Nam, với những đường nét vẽ thanh lịch và những tư tưởng mới về nghệ thuật sơn mài. Ông phối hợp lối in khắc với những phương thức sơn mài mới, đồng thời áp dụng các nguyên tắc cấu trúc tranh vẽ phương Tây, để tạo những bức họa hiện đại mang đầy tính chất dân tộc.

Danh họa Nguyễn Gia Trí chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa ấn tượng của châu Âu cho tới phong cách thủy mặc, dân gian, truyền thống mỹ nghệ của châu Á và Việt Nam. Thập niên cuối đời, ông còn đi sâu vào chủ nghĩa trừu tượng, một phong cách mà ông từng thể nghiệm qua vài tác phẩm từ sau năm 1954. 

Trong ghi chép đề ngày 28/3/1976, Nguyễn Gia Trí viết: “Cái chính là hướng vẽ đúng. Kỹ thuật cũng giống như xe đạp anh dùng để đi. Chú ý nhiều đến xe thì sẽ trở thành thợ máy. Phải có xe riêng của mình, tất cả kỹ thuật đều chỉ là phương tiện. Khi vẽ phải vứt bỏ mọi thành kiến. Thành kiến đầy rồi thì rót gì vào cũng chỉ tràn ra. Mỗi chất liệu có sở trường, sở đoản riêng. Phải biết tận dụng nó”(trích Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo, họa sĩ Nguyễn Xuân Việt ghi, NXB Văn học, 1998)

Một số tranh sơn mài đáng chú ý của Nguyễn Gia Trí trong giai đoạn 1938 đến trước 1945 là: Chợ Bờ, Dọc mùng, Bên hồ Gươm, Đêm Bồ Tùng Linh, Khỏa thân, Cảnh thiên thai, Chùa Thầy, Đèn Trung thu, Thiếu nữ bên hồ sen, Giáng sinh… Đặc biệt bức Thiếu nữ trong vườn, gồm 6 tấm, tổng cộng 12m2, bán cho ông Giám đốc Sở Điện - Nước miền Bắc Đông Dương.

Danh họa Nguyễn Gia Trí - 2

Kiệt tác "Vườn hoa Trung- Nam".

Lúc sinh thời, danh họa Nguyễn Gia Trí có tâm nguyện giữ lại 3 bức sơn mài khổ lớn là Hoài niệm xứ Bắc, Trừu tượng, Múa dưới trăng (sáng tác giai đoạn 1968 - 1969).

Ngoài ra, danh họa Nguyễn Gia Trí còn có một số tác phẩm tiêu biểu sau năm 1954 như Hai Bà Trưng, Trận Bạch Đằng, Địa linh hoán tượng, Ba Vua… Ông còn là nhà biếm họa sắc sảo, nhà đồ họa quan trọng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam

Năm 2012, danh họa Nguyễn Gia Trí được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho 5 tác phẩm sơn mài gồm “Vườn xuân Trung Nam Bắc”; “Thiếu nữ bên hoa phù dung”; “Bên đầm sen”; “Trong vườn” (8 tấm) và “Cảnh nông thôn”. Tên của ông đã được đặt cho một con đường ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Những giá trị tồn tại vĩnh viễn

Sinh thời, các tác phẩm của danh họa Nguyễn Gia Trí đã được các nhà sưu tầm tranh ở khắp nơi trên thế giới yêu thích và đặt hàng. Những tác phẩm tranh được ưa thích nhất là các tác phẩm sơn mài khổ lớn. Ở những tranh sơn mài có kích thước lớn, ông luôn mở rộng tầm nhìn thẩm mỹ, đặt cái cổ kính bên cạnh cái tân kỳ, cái lộng lẫy sang trọng cạnh sự giản dị mộc mạc, ý tưởng hy vọng đặt bên cạnh sự hoài niệm… 

Danh họa Nguyễn Gia Trí - 3

Kiệt tác "Lễ hội đầu năm".

Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa là bức sơn mài khổ lớn“ Vườn xuân Trung Nam Bắc” được sáng tác vào giai đoạn đất nước còn trong khói lửa chiến tranh. Năm 1990, kiệt phẩm được Ủy ban Nhân dân TP HCM mua để trao tặng cho Bảo tàng Mỹ Thuật TP HCM. Tranh được trưng bày và lưu giữ tại đây từ đó đến nay. Năm 2013, Chính phủ ra quyết định công nhận kiệt phẩm của danh họa Nguyễn Gia Trí là "Bảo vật quốc gia". Rất tiếc trong quá trình tu sửa năm 2017, hiện nay bức tranh đã không còn được nguyên vẹn, bị hư hỏng khoảng 30%.

50 tác phẩm sơn mài đặc sắc của hội họa Việt Nam các thời kỳ đang được trưng bày tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước qua Triển lãm trực tuyến: Tranh sơn mài Việt Nam - một sự kiện được Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO - Bộ Ngoại giao phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Tiến vào sảnh chờ của triển lãm, người xem đi theo một hành trình tuyến tính vào chiều dài lịch sử của tranh sơn mài Việt, với các tác phẩm chia làm hai nội dung là Đất nước và Con người được lựa chọn từ bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Khi cần, khách tham quan có thể dừng trước từng tác phẩm, tiến lại gần, lùi ra xa để ngắm nhìn, và nghe thêm thuyết minh từ hộp thông tin bên cạnh.

Trong số các tác phẩm có bức Bình phong của danh họa Nguyễn Gia Trí - một trong những tác phẩm được công nhận là bảo vật quốc gia, được đặt trang trọng ở ngay đầu triển lãm.

Bình phong gồm 8 tấm vóc ghép, với hai tác phẩm nghệ thuật trên hai mặt. Mặt Thiếu nữ trong vườn mô tả khung cảnh rực rỡ sắc vàng với 7 nhân vật nữ ở các độ tuổi khác nhau như một ẩn dụ về cuộc đời người phụ nữ.

Mặt Phong cảnh diễn họa một khu vườn nhiệt đới với các chi tiết sáng trên nền sẫm, với bút pháp khỏe khoắn, mạch lạc, giàu tính trang trí.

Khán giả nước ngoài có thể tìm thấy trong tác phẩm lối tạo hình đậm chất phương Tây, trong khi người xem Việt lại vô cùng thân thuộc với hình ảnh cây môn, cây chuối được thể hiện tinh xảo qua nghệ thuật khắc, mài, dát vàng truyền thống.

Đại diện ban tổ chức, ông Trần Quốc Khánh - phó vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO - cho biết: "Lần đầu tổ chức một triển lãm hội họa trực tuyến trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19 là điều rất thách thức, song chúng tôi rất háo hức vì nó thể hiện tinh thần sáng tạo và chủ động thích ứng của Việt Nam.

Chúng tôi hy vọng triển lãm sẽ góp phần đưa sơn mài - một nghệ thuật rất độc đáo của Việt Nam - tới gần hơn với công chúng và bạn bè quốc tế, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài".

Danh họa Nguyễn Gia Trí - 4

Mặt “Phong cảnh” bức “Bình phong” (họa sĩ Nguyễn Gia Trí) diễn họa một khu vườn nhiệt đới với các chi tiết sáng trên nền sẫm.

Danh họa Nguyễn Gia Trí - 5

Mặt “Thiếu nữ trong vườn” của bức “Bình phong” (họa sĩ Nguyễn Gia Trí) mô tả khung cảnh rực rỡ sắc vàng với 7 nhân vật nữ ở các độ tuổi khác nhau như một ẩn dụ về cuộc đời người phụ nữ.

Ngoài ra còn có rất nhiều các tác phẩm có giá trị cao như bức bình phong ”Dọc mùng” hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam. "Dọc mùng" được danh họa trình bày theo dạng bức sơn mài kiểu bình phong có kích thước lớn thể hiện tranh ở hai mặt.

Cùng với đó là nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Đình làng vào đám, Thiếu nữ bên cây phù dung, Hoàng hôn trên sông, Phong cảnh Móng Cái… Kiệt tác “Lễ hội đầu năm” được đưa ra trong buổi đấu giá nghệ thuật lần này cũng là một bức sơn mài hiếm của danh họa Nguyễn Gia Trí. 

Bức bình phong sơn mài "Làng quê giữa rặng chuối" của Nguyễn Gia Trí được bán với giá 1,08 triệu USD (25,5 tỷ đồng) tại Drouot Estimations.

Con số cao gấp hơn năm lần ước tính ban đầu, được ấn định trong phiên Art classique, moderne et contemporain của Drouot Estimations hồi tháng 12/2022. Villageoises parmi des bananiers (Làng quê giữa rặng chuối) là bức bình phong sáu tấm, chất liệu sơn mài trên bảng gỗ, kích thước 195x100 cm.

Trên nền đen, họa sĩ mô tả những ngôi nhà tranh, nhóm phụ nữ mặc áo tứ thân đang quảy quang gánh, một nhóm đứng mua bán bằng gam màu nâu đỏ đậm nhạt. Tiền cảnh là những cây chuối được sơn son thếp vàng, tạo sự tương phản mạnh mẽ. Họa sĩ xử lý nhẹ nhàng, tinh tế. Những chi tiết như phụ nữ mặc áo tứ thân, con bò, ngôi nhà, cây cối... đậm chất thôn quê.

Danh họa Nguyễn Gia Trí - 6

Bức "Làng quê giữa rặng chuối", kích thước 195x100 cm.

Theo Drouot, tác phẩm đặc biệt với hai lý do: Hình nổi khá rõ nét của những cây chuối - hiếm thấy trong tranh Gia Trí, và chữ ký khác thường. Góc phải bên dưới tác phẩm có một chữ G - một trong ba chữ cái đầu tên họa sĩ - được viết hoa tích hợp ba chữ cái IAT, và năm 1937. Theo nhà đấu giá, đây cũng là một yếu tố góp phần đưa tác phẩm đoạt giá cao. Ngoài ra, họa sĩ sử dụng nhiều kỹ thuật sơn mài phức tạp, đòi hỏi kỹ năng tinh tế.

Bức Làng quê giữa rặng chuối được bà của chủ sở hữu hiện tại mua từ nghệ sĩ vào năm 1937. Sau đó, tranh được lưu giữ trong gia đình cho đến khi đưa ra đấu giá hồi tháng 12/2022.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận xét tác phẩm đẹp, kích thước lớn cộng tên tuổi của Nguyễn Gia Trí thì mức giá triệu USD không quá bất ngờ, thậm chí là thấp. Ông kỳ vọng tác phẩm đạt trên mức hai triệu USD.

"Sắc vàng trên nền đen làm cho bức tranh có chiều sâu. Ông không cẩn trứng mà dát vàng tạo vẻ lộng lẫy. Phong cách vẽ tiền cảnh là cây, phía sau là chùa, ngôi làng thường thấy trong tranh của các họa sĩ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Họa sĩ cũng xử lý tốt từng tình tiết đậm chất Việt Nam như: phụ nữ mặc áo tứ thân đang quẩy quang gánh...", ông Khôi nói.

PV (Tổng hợp)

Tin liên quan

Tin mới nhất