Họa sĩ Trần Văn Bình: Một hồn quê hồn hậu

ới đây, trong một chiều đông giữa tháng 12, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra một sự kiện đặc biệt ấm áp: Khai mạc triển lãm Quê hương của cố họa sĩ Trần Văn Bình. Rất đông bạn bè trong giới đã đến để thưởng thức tranh và nhớ về ông, một cây cọ tài năng, một tâm hồn hội họa rất hồn hậu luôn trăn trở về nhân sinh.

Họa sĩ Trần Văn Bình: Một hồn quê hồn hậu - 1

1. Họa sĩ Trần Văn Bình có một cuộc đời khá đặc biệt, điều này đã ảnh hưởng rất nhiều tới phong cách hội họa của ông sau này. 

Quê ông ở Quảng Ngãi, bố mẹ ông sớm phải chia ly vì hoàn cảnh chiến tranh. Hồi niệm về họa sĩ Trần Văn Bình, vợ ông - bà Đỗ Thị Hảo kể: “Tháng 3-1955, mẹ ông khi đó đang mang song thai một trai, một gái đã cùng cô con gái 9 tuổi tạm biệt chồng cùng 3 cô con gái nhỏ theo đoàn cách mạng Quảng Ngãi ra biển lớn trên con tàu chở người tập kết ra Bắc. Sau hơn một tháng lênh đênh ngoài biển cùng sóng gió, ông và em gái song sinh đã được sinh ra ngay trên chuyến tàu chở người tập kết. Chỉ tiếc là em gái ông đã không đủ sức khỏe để chống lại hoàn cảnh khắc nghiệt giữa biển khơi... Sau khi mẹ ông tập kết ra Bắc, bố ông bị Mỹ ngụy bắt và tra tấn, bị thương tích phải nằm liệt một chỗ hơn 10 năm. Mãi đến năm 20 tuổi, ông mới có dịp tìm về quê hương Quảng Ngãi và gặp lại cha mình. Chính tuổi thơ nhiều biến động và cuộc sống gắn với những sự kiện lịch sử thăng trầm của đất nước đã tạo nên cho ông góc nhìn về quê hương, con người rất tha thiết, hồn hậu.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, họa sĩ Trần Văn Bình vào học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) và tốt nghiệp hệ Trung cấp khoa Mỹ thuật truyền thống - ngành Sơn mài năm 1976. Sau khi tốt nghiệp, ông được phân công công tác tại phòng Tuyên truyền, Bộ Thủy sản (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Vừa là một họa sĩ, vừa là nhà báo, công việc chính của ông lúc bấy giờ là đi xuống các cơ sở của Bộ Thủy sản từ Bắc vào Nam để viết tin bài đăng lên báo của Bộ. Công việc này cũng là cái duyên để ông được khám phá các miền quê của Tổ quốc, là nguồn tư liệu quý cho các sáng tác của ông.

2. Không phải ngẫu nhiên mà trong triển lãm tưởng nhớ về họa sĩ Trần Văn Bình, cũng là triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mà ông vẫn ao ước khi còn sống, gia đình ông lại chọn chủ đề Quê hương bởi đây chính là đề tài lớn mà ông theo đuổi trong sự nghiệp hội họa của mình.

Nhưng Trần Văn Bình không phải là một họa sĩ vẽ tranh phong cảnh đơn thuần. Đánh giá về những tác phẩm phong cảnh của ông, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng viết: “Trần Văn Bình đã đi tìm những cấu trúc tự thân nó trong các tranh phong cảnh mà không dừng lại ở việc trực họa một cảnh vật nào, ông thường pha trộn kiến trúc, cảnh quan, cây cỏ và các chi tiết khác một cách phức hợp, đôi khi nhằng nhịt khó xác định hình thể thị giác. Có thể nói, ông không chịu là một người vẽ quá đơn giản”.

Trong tranh của Trần Văn Bình, người xem có thể thấy được cả âm hưởng quê hương Quảng Ngãi và cả cảnh sắc đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, miền Ngũ Quảng phía Nam và cả vùng Tây Nguyên nắng gió. Mái đình, cây đa, bến nước, núi non, trẻ chăn trâu... trở đi trở lại trong tranh ông như những biểu tượng. Nó vừa cho thấy một tâm hồn hồn hậu, vừa cho thấy những tìm tòi suy tư đầy trăn trở của ông trong cách khai phá nghệ thuật.

Tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1990, bức tranh Quê hương (120x200cm), tác phẩm mà ông gói ghém thành công hình ảnh của rất nhiều vùng quê đã được nhận Huy chương Bạc. Bà Đỗ Thị Hảo, người vợ, người bạn tri kỷ trong hội họa của ông nhận định: “Quê hương là hai tiếng luôn vang vọng trong trái tim của con người xa quê như ông. Không biết có phải như vậy mà trong cả ba giai đoạn sáng tác ghi dấu ấn trong cuộc đời, ông đều thể hiện đề tài này bằng ba bức tranh sơn mài khổ lớn và được đánh giá cao. Đó là các bức Quê hương (1990), Quê hương vào hội (2006), Cõi nhân gian (2014)”.

Họa sĩ Trần Văn Bình: Một hồn quê hồn hậu - 2 Quan họ Bắc Ninh (2008) - tranh sơn khắc của họa sĩ Trần Văn Bình.

3. Họa sĩ Trần Văn Bình có sự đóng góp đáng kể trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thiết kế đồ họa và sơn mài. Năm 1978, ông sáng tác biểu trưng của Tổng công ty Thủy sản Việt Nam, ngoài ra ông còn thiết kế logo Bộ Thủy sản vào năm 1978 và logo Hội Người cao tuổi vào năm 2003.

Sau một thời gian công tác, ông trở lại theo học hệ Đại học, Khoa Mỹ thuật truyền thống, ngành Sơn mài khóa 1983-1988 của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Nhà phê bình hội họa Phan Cẩm Thượng đánh giá: “Có thể nói Trần Văn Bình được đào tạo bài bản để trở thành một nhà thiết kế ứng dụng và trở thành một nghệ sĩ sơn mài độc lập. Sự nghiệp design của ông nằm trong tình hình chung của sản xuất công nghiệp Việt Nam lúc đó còn rất sơ khai, hầu hết các mẫu mã đều mang tính thủ công và cũng hầu hết sáng tác bao bì, nhãn mác, tranh áp phích, logo đều thuộc khu vực của thiết kế đồ họa. Song cũng chính điều đó đã thúc đẩy ông sáng tác hội họa sơn mài cho riêng mình. Sự qua lại về thẩm mỹ giữa design và hội họa cũng rõ nét qua từng tác phẩm”.

Riêng với sơn mài, ông có những sáng tạo đã được ghi nhận. Bức Quê hương vào hội của ông được trưng bày tại Trung tâm Hội nghị quốc gia với chiều ngang 9m, chiều cao 2,4m. Họa sĩ Quách Đại Hải nhận xét: Họa sĩ Trần Văn Bình từ trước đã nổi tiếng là một “thép sơn” cừ khôi nên anh còn được bạn bè gọi thân mật là “Bình sơn mài”. Trần Văn Bình rất “ăn duyên” với các chủ đề lễ hội, nơi đó thể hiện sự thuần khiết dân tộc. Là một họa sĩ giàu mỹ cảm dân tộc, biết cách “vịn vai cha ông mà đứng dậy, học xưa mà ví nay, học ngoài mà ví trong”..., Trần Văn Bình đã thu lại trong tác phẩm của mình những nét tinh hoa độc đáo của nghệ thuật dân gian Việt Nam, cần mẫn siêng năng như con ong bay đi mọi miền hút mật và qua cái “máy lọc” của riêng mình trả lại cho đời chất mới và dạng mới. Quê hương vào hội là một thành công trong sáng tác của Trần Văn Bình.

Từ những năm 2000, Trần Văn Bình chú ý nhiều hơn đến sáng tác sơn mài đen trắng, tức là tranh thuần vỏ trứng và sơn then. “Ông giảm dần màu sắc trong tranh nhưng tăng cường tính phức hợp của nhịp điệu, những hình thể nhân gian đi lại, múa may, uốn lượn, đôi khi đượm một sắc thái buồn”, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nhận xét. Những tác phẩm này tạo nên một dấu ấn Trần Văn Bình rất riêng trong thế giới sơn mài đầy màu sắc.

Năm 2015, như dự cảm trước được cái chết, ông lao vào sáng tác. Hàng loạt tác phẩm ra đời trong 1-2 năm cuối đời nhưng vẫn thể hiện nguồn năng lượng dồi dào, bút lực mạnh mẽ. Giai đoạn này ông tập trung sáng tác các tác phẩm đầy suy tư về con người, về số phận và kiếp nhân sinh theo góc nhìn đượm màu Phật giáo.

Bà Đỗ Thị Hảo chia sẻ: “Ông là người thích vẽ, buồn vẽ, vui vẽ, cả đời vẽ, vẽ và vẽ cho đến lúc ông lâm bệnh, chỉ ao ước được sống thêm một năm nữa để được vẽ những điều ông cần vẽ. Nhưng rồi sức khỏe đã buộc ông buông bút từ đây. Năm Ất Mùi là năm đón ông ra đời và cũng năm Ất Mùi đón ông về với đất trời”. 

Họa sĩ Trần Văn Bình đã đi xa, nhưng nhờ tình yêu với hội họa, công chúng vẫn được gặp ông qua những bức tranh đầy tình yêu và trăn trở với nghệ thuật, với đời.

Họa sĩ Trần Văn Bình (1955-2015) đã gặt hái nhiều thành công. Ông có nhiều tác phẩm đoạt giải, được trưng bày tại các triển lãm trong và ngoài nước. Có thể kể đến tác phẩm Hội họa (1978) trưng bày tại Bảo tàng Phương Đông (Đức), Bạch tuộc (1984) được trao bằng Diplome cuộc thi vẽ áp phích quốc tế về chủ đề hòa bình tổ chức ở Mátxcơva (Nga), Quê hương (1990) - Huy chương Bạc Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1990...

Theo HNM

Tin liên quan

Tin mới nhất

Mỹ: Siêu bão Milton chạm ngưỡng cực đại của bão trên Trái đất, Florida đối mặt thảm họa

Mỹ: Siêu bão Milton chạm ngưỡng cực đại của bão trên Trái đất, Florida đối mặt thảm họa

Siêu bão Milton, một trong những cơn bão mạnh nhất lịch sử ở Vịnh Mexico, đã đạt tới ngưỡng cực đại của bão trên Trái đất với sức gió giật có lúc lên tới hơn 320 km/giờ. Bang Florida của Mỹ có thể đối mặt thảm họa khi các nhà khí tượng cảnh báo về sức tàn phá khủng khiếp mà siêu bão có thể gây ra.