Lê Đại Chúc - Cây cọ tung hoành

Người trong nghề cũng như người am hiểu hội họa nước ta và thế giới đã từ lâu đánh giá cao hoạ sĩ Lê Đại Chúc.

Tại triển lãm năm 1995 ở Hà Nội, khi xem tranh của Lê Đại Chúc, nhạc sĩ, hoạ sĩ Văn Cao đã khẳng định: “Vẽ như thế này cũng coi là thầy rồi”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thuở sinh thời đã khẳng định: “Chúc là vua chân dung”. Danh hoạ Bùi Xuân Phái nói với hoạ sĩ Lưu Công Nhân khi chứng kiến nỗ lực trong hội hoạ của Lê Đại Chúc đã khẳng định: “Chúc nó sẽ trở thành một Grand Maitre (bậc thầy lớn)”.

Hoạ sĩ Trần Duy trong một lần xem triển lãm của Lê Đại Chúc đã thốt lên: “Ông Chúc ơi, ông đã tới đỉnh vinh quang rồi đấy”. Còn ngài Herbert P. Philips - Giáo sư nhân chủng học, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Henry Kissinger, Giám đốc Hội đồng Văn hoá châu Á vào ngày 25/7/1993 đã viết: “Tại TP Hồ Chí Minh, tôi đặc biệt ấn tượng về hoạ sĩ Lê Đại Chúc, người vẽ như được đào tạo tại Paris”…

Trong lần được bà Anabel Loyd - Tổ chức Trẻ em vô gia cư thế giới (Do Công chúa Diana thành lập) mời hoạ sĩ Lê Đại Chúc tổ chức triển lãm thật long trọng tại Luân Đôn. Trong triển lãm này, Ngài Edward Heath - cựu Thủ tướng Anh đã đến dự và mua bức Mưa trong nắng.

Lê Đại Chúc - Cây cọ tung hoành - 1

Họa sĩ Lê Đại Chúc

Đặc biệt trong thời gian Lê Đại Chúc ở Luân Đôn, hoạ sĩ Humphrey Ocean - Viện sĩ Viện Hàn lâm Mỹ thuật Hoàng gia Anh Quốc sau khi dự triển lãm của Lê Đại Chúc đã mời Lê Đại Chúc tới xưởng vẽ của mình để trong hai tiếng làm một cuộc thi nhỏ “vẽ chân dung của nhau”. Trong khi ngài Viện sĩ vẽ như nhập đồng, ông đã hoàn thành liền hai bức chân dung Lê Đại Chúc, thì hoạ sĩ Việt Nam vẫn cẩn trọng, thong thả và cũng hoàn thành bức chân dung trong thời gian cho phép. Nhìn bức chân dung vẽ mình, ngài Viện sĩ trầm trồ: “Bức chân dung ông Chúc vẽ tôi là bức chân dung đẹp nhất mà tôi được đồng nghiệp vẽ”.

Nhìn chân dung bà Anabel Loyd và chân dung Viện sĩ H. Ocean, nữ diễn viên nổi tiếng của Luân Đôn Sherry Lunghi đã mời Lê Đại Chúc vẽ chân dung mình. Sau hai tiếng bức chân dung của nữ diễn viên hoàn thành trong sự mừng rỡ tột cùng của người mẫu. Cũng thời gian này, Lê Đại Chúc còn vẽ chân dung cho một số gia đình thuộc gia tộc Nữ hoàng Anh và Thủ tướng Churchill.

Nhưng ngay cả khi đã quen với những cuộc vẽ chân dung của các nhân vật nổi tiếng của nước ngoài thì chính hoạ sĩ cũng thật ngạc nhiên khi vào năm 2010, Lê Đại Chúc nhận được thư mời của ông David Thomas - Giám đốc Tổ chức Indochina Art mời hoạ sĩ đi thăm nước Mỹ và vẽ chân dung các nhân vật nổi tiếng của Mỹ như Tổng thống Obama, tỉ phú Opra Winftrey, Bill Gates là những người mà ông cảm phục về lòng bác ái và tài lãnh đạo của họ.

Kết quả chuyến đi, Lê Đại Chúc đã hoàn thành được hàng loạt bức chân dung các nhân vật danh tiếng của xứ sở cờ hoa. Nói về chuyến đi tuyệt vời này, ông cho biết: “Trong những ngày tôi ở Mỹ, tôi đã ngộ ra rằng. Trong các thứ nghệ thuật thì nghệ thuật sống mới là nghệ thuật quan trọng nhất. Và đấy chính là những nghệ sĩ lớn, tiêu biểu cho nghệ thuật này. Tôi hãnh diện vì có một sưu tập chân dung họ”.   

Lê Đại Chúc - Cây cọ tung hoành - 2

Tác phẩm Chân dung Lê Đại Thanh 

Đối với giới hội hoạ trong nước, hơn 40 năm nay, từ những tác phẩm đầu tay đang trong giai đoạn học nghề vào những năm giữa thập niên 60 của thế kỉ trước đến nay với các chùm sáng tác gần đây nhất như Chư ngã vô pháp, Hai vũ nữ, bộ hai bức Lên đường, bộ hai bức Kị sĩ, bộ hai bức Người và ngựa…

Lê Đại Chúc đã trở thành một thương hiệu lớn trong hội hoạ Việt Nam. Thương hiệu này không chỉ bởi hoạ sĩ đang là người vẽ tranh nhiều nhất nước ta với khối lượng khổng lồ là hàng nghìn tác phẩm, trong đó không thiếu những bức khổ lớn mỗi chiều lên đến hàng mét mà còn vì phong cách đặc biệt của ông thể hiện ở việc sử dụng những mảng mầu rực rỡ, cùng ánh sáng được sử dụng tài tình với bút pháp phóng túng, ngang tàng gần như bỏ qua tất cả mọi quy định, thói quen về hội hoạ.

Đề tài trong tranh Lê Đại Chúc khá đa dạng, bao gồm chân dung, phong cảnh, tĩnh vật… Nhưng có lẽ nổi bật nhất và cũng bộc lộ rõ nhất tài năng của ông với đề tài chân dung, xứng danh là “vua chân dung” như cố nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn đã phong cho ông.

Ở mảng chân dung này, trước tiên ta thấy hiển hiện ra những người thân của ông. Đó là bố mẹ ông, vợ, con trai, anh chị em, các cháu. Mỗi nhân vật ông thường trở đi trở lại và tạo nên không chỉ một mà con số nhiều với các gam mầu và sự thể hiện khác nhau. Sau những người thân là đến những người bình dị xung quanh, những nhân vật nổi tiếng trong nghệ thuật và trong các lĩnh vực khác. Từ con người bình dị, các danh nhân Lê Đại Chúc đã vươn tới những nhân vật kì vĩ trong tôn giáo như Chúa Giê-Su, Đức Phật…

Lần đầu tiên khi cùng NSƯT Lê Chức, em trai Lê Đại Chúc về căn nhà nổi tiếng của gia đình ông trong một ngõ hẻm phố Cầu Đất, Hải Phòng, tôi thực sự bàng hoàng khi đối diện những bức hoạ sĩ vẽ về Chúa. Những mảng mầu đan nhau bạo liệt cùng những nét phẩy tung tẩy của bút vẽ, Chúa Giê-Su trong tranh Lê Đại Chúc hiện ra vừa gần gũi vừa cao siêu, mang đủ triết lý nhân sinh, tâm linh và lẽ sống trên đời. Còn trong mảng chân dung những người thân thì mỗi bức chân dung đều được hoạ sĩ thể hiện đúng tính cách điển hình của các nhân vật với độ khái quát cao.

Lê Đại Chúc - Cây cọ tung hoành - 3

Tác phẩm Tranh phong cảnh 

Tiện nói về tranh chân dung, ở nước ta hiện nay cũng có không ít họa sĩ thể hiện đề tài này, nhưng có thể nói rất ít hoạ sĩ khiến chân dung của họ thành các tác phẩm nghệ thuật. Vẽ chân dung tưởng như dễ mà lại khó. Nếu tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc tả thực thì hầu hết chân dung theo lối vẽ này chỉ là những bức truyền thần đơn giản. Còn ở tranh Lê Đại Chúc, mỗi chân dung của ông đều là những tác phẩm nghệ thuật mang chiều sâu khái quát.

Không phải ngẫu nhiên tranh chân dung của Lê Đại Chúc nằm trong nhiều sưu tập trong nước cũng như trên thế giới. Nguyên nhân tranh chân dung của ông hầu hết trở thành những tác phẩm nghệ thuật bởi vì ở mỗi bức tranh người ta lại nhận thấy tài năng của Lê Đại Chúc và sự tìm tòi không biết mệt mỏi của ông trong sáng tạo nghệ thuật. Những tác phẩm của ông, từ tạo hình đến bố cục và mầu sắc đều tràn đầy sự biến ảo.

Nhà văn Chu Lai khi xem tranh của Lê Đại Chúc đã có một nhận xét khá hay và chính xác: “Dường như tất cả những khắc khoải, vui buồn nơi trần thế đều được hội tụ đậm đặc ở đây. Bằng tài hoa táo bạo đượm chất tâm linh huyền hoặc, tranh của anh đã đưa cảm nhận của người xem bay lên khỏi cõi tục huyền để hoà nhập với những lấp lánh của trời đất, thiên nhiên, vũ trụ bí hiểm, rộng dài”.

Trong giới hoạ sĩ thường cho rằng “vẽ nhiều quen tay”. Tôi từng chứng kiến một hoạ sĩ kí hoạ trong năm giây chân dung của chính ông. Nhưng nhìn cách ông ấy vẽ người ta dễ nhận ra đường mòn, thói quen của sự lặp lại. Còn hai năm nữa Lê Đại Chúc vào tuổi 80 song những tác phẩm mới nhất của ông người xem không nhận ra sự quen tay vô hồn của lối vẽ thủ công mà các tác phẩm ấy vẫn tràn đầy sức sáng tạo nghệ thuật, hiển hiện một nỗ lực đi tìm cái mới.    

Hội hoạ cũng như âm nhạc, để sáng tác được đòi hỏi một sự tụ nghiệp, học tập một cách nghiêm chỉnh để nắm vững được quy luật phối cảnh, xa gần, tính cân đối, sự xử lý mầu sắc. Hiện nay không ít người kì công, tốn nhiều tiền của để bày ra những triển lãm tranh của mình. Đáng tiếc người trong nghề biết ngay những bức tranh đó của những người vẽ không có chuyên môn, nói nôm là không biết vẽ.

Người ta rất ngạc nhiên khi Lê Đại Chúc là một hoạ sĩ được không ít người trong giới chuyên môn cả trong lẫn ngoài nước đánh giá là một trong 14 hoạ sĩ tiêu biểu cho hội hoạ Việt Nam đương đại cùng Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm… nhưng dường như ông chưa học một trường, lớp đào tạo hội họa nào.

Vì sao Lê Đại Chúc lại trở thành một hoạ sĩ có thể nói là kì tài và xuất chúng như vậy?

Điều may mắn tự nhiên của Lê Đại Chúc là ông được sinh ra trong một gia đình nghệ thuật có truyền thống. Thân phụ ông là nhà thơ, kịch sĩ Lê Đại Thanh, mẹ ông, bà Đinh Ngọc Anh là một diễn viên tài ba. Thuở thiếu thời ông chứng kiến nhiều các văn, nghệ sĩ đến chơi ở nhà mình. Trong số khách đó có hai hoạ sĩ bậc thầy của nước ta là Bùi Xuân Phái và Nguyễn Sáng. Bằng con mắt xanh hai vị hoạ sĩ lớn này đã nhận ra tài năng hội hoạ bẩm sinh của Lê Đại Chúc. Mỗi bận đến nhà hai ông đều chỉ bảo tận tình cùng như truyền sự say mê hội hoạ cho Lê Đại Chúc. Kiến thức về chuyên môn hội họa Lê Đại Chúc đều lĩnh hội qua hai người thầy này.

Năm 1978, Lê Đại Chúc quyết định vào TP Hồ Chí Minh để được gần gũi hoạ sĩ Nguyễn Sáng. Những năm tháng gần người thầy tận tâm của mình, Lê Đại Chúc đã tiếp thu được sự đam mê và kĩ thuật sáng tác hội hoạ. Cùng với lời chỉ bảo tận tình của thầy Sáng, ông chịu khó tham kháo tài liệu nên Lê Đại Chúc tiếp thu được lịch sử hội hoạ thế giới và Việt Nam, khiến ông trở thành một trong những hoạ sĩ uyên bác không chỉ với nghề mà còn cả kiến thức. Lê Đại Chúc lại học được ở thầy Bùi Xuân Phái kiến thức về cảm giác, màu sắc và không gian trong hội hoạ.

Nguyễn Hiếu

Tin liên quan

Tin mới nhất