Những mảnh ghép từ đá Thất Sơn

Từ lâu, vùng Thất Sơn (An Giang) được xem là nơi chứa đựng những điều huyền bí, gắn liền với nhiều danh nhân, sự kiện và giai thoại, ngày nay thu hút đông đảo khách du lịch từ khắp nơi. Tuy vậy ít ai ngờ, từ nguyên liệu thô sơ của nơi đây là những viên đá, một dòng tranh độc đáo đã ra đời.

Tranh đá Bảy Núi là dòng tranh chỉ có riêng ở An Giang với chất liệu có sẵn tại địa phương là đá granite. Người “khai sinh” dòng tranh này là nghệ nhân Phan Võ Hoàng Nam (sinh năm 1967) ở thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Hiện nay, ông là giáo viên bộ môn Âm nhạc ở Trường THCS Cái Dầu, đồng thời là nhạc sĩ và nhà thơ, hội viên Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật huyện Châu Phú. Ông được cho là người đầu tiên ở miền Tây sử dụng đá để làm tranh.

Tác giả của dòng tranh này tâm sự, ông nhận thấy đá Thất Sơn có rất nhiều tiềm năng, nhưng trước nay chỉ được sử dụng để phục vụ cho xây dựng, chưa được sử dụng để làm nên các tác phẩm nghệ thuật. Từ băn khoăn đó, kết hợp với sự tìm hiểu về tranh đá quý ở các địa phương khác, ông nảy ra ý tưởng sử dụng đá granite địa phương để chế tác tranh.

Tự nhận mình là người không có chuyên môn về mỹ thuật, thầy giáo Phan Võ Hoàng Nam vừa mày mò thử nghiệm, vừa tự học. Năm 2008, ông bắt đầu rong ruổi khắp vùng Thất Sơn để tìm kiếm những viên đá ưng ý. Chúng được ông đập nhỏ, rồi cho vào cối giã nhuyễn thành những hạt đá li ti, lại sàng bằng rây để phân loại ra những hạt đá. Tiếp đến, chúng được rửa sạch và phơi khô, sau cùng cho vào từng hũ nhỏ để sử dụng dần.

Những mảnh ghép từ đá Thất Sơn - 1

Tranh đá Bảy Núi 

Để chế tác được một bức tranh đá Bảy Núi, đầu tiên tác giả phác thảo những đường nét trên giấy, rồi rải những hạt đá lớn làm nền, hạt vừa tạo sự chuyển màu, còn hạt nhỏ tạo sự tinh tế. Những hạt đá được bố trí hài hòa với những mảng màu trắng và đen, theo quy luật sáng tối, xa gần, nhằm thể hiện tối đa các hiệu ứng mong muốn. Công đoạn này đòi hỏi sự chỉn chu đến từng li từng tí, vì nếu chỉ có một sơ suất nhỏ thì phải bỏ toàn bộ bức tranh. Cuối cùng, tác giả sử dụng keo dán những hạt đá lại.

Buổi đầu, tác giả của tranh đá Bảy Núi gặp nhiều khó khăn khi thử nghiệm một chất liệu hoàn toàn mới. Không có người truyền dạy kỹ thuật, ông Phan Võ Hoàng Nam không chỉ phải tự hình dung ra những việc cần làm, mà còn phải tự chế tạo ra các dụng cụ phục vụ cho các công đoạn đó. Mặt khác, với đồng lương eo hẹp của một giáo viên trung học, ông còn phải rất đắn đo khi mua vật liệu. 

Nói về những tháng ngày gian nan này, ông tâm sự: “Ngoài những lúc đi dạy học, hầu như cả ngày tôi ở lì trong phòng, dồn toàn bộ tâm trí để thử nghiệm những bức tranh đá. Tranh vẽ vốn đã khó nhưng có thể học hỏi từ người đi trước, còn chất liệu đá thì tôi thật sự chỉ có thể mày mò thử nghiệm. Chỉ cần vài nét cọ với khoảng thời gian ngắn thì có thể biểu hiện được một bụi cỏ, nhưng khi xếp hạt đá có khi phải mất cả buổi sáng.”

Năm 2009, bức tranh đầu tiên được hoàn thành. Từ đó, ông Hoàng Nam tiếp tục sáng tạo nhiều bức tranh đa dạng, gặt hái những thành công nhất định, được sự đón nhận của công chúng thưởng ngoạn. Quả thật nỗ lực bỏ ra không uổng phí, những phiến đá granite thô cứng và gồ ghề của vùng Thất Sơn đã trở thành những bức tranh mang đậm hồn quê, có khi sống động, có lúc lại khắc khoải ưu tư…

Nghệ nhân Phan Võ Hoàng Nam đã có hai cuộc triển lãm tranh đá Bảy Núi tại huyện Châu Phú vào tháng 4/2010 với 33 tác phẩm và tại thị xã Châu Đốc (nay là thành phố) vào tháng 12/2010 với 44 tác phẩm. Năm 2012, tranh đá Bảy Núi đoạt Giải Ba trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh An Giang. Đến nay, ông đã sáng tác trên 150 bức tranh với nội dung và kích cỡ khác nhau.

Không chỉ được công chúng đón nhận, tranh đá Bảy Núi còn được giới chuyên môn đánh giá cao. Nói về dòng tranh có một không hai ở quê hương, họa sĩ Bùi Quang Vinh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang nhận định: “Mặc dù Hoàng Nam không được đào tạo qua trường lớp, nhưng với nhiệt huyết nghề và chất liệu đặc biệt, cách tạo hình và nét vẽ của anh đã làm nên những tác phẩm có hồn.”

Khả năng biểu hiện của đá granite có những hạn chế nhất định, nhưng vẫn không kém phần phong phú, có thể thể hiện được nhiều đề tài. Từ đôi bàn tay uyển chuyển của người thầy có hàng chục năm lướt trên phím đàn, những viên đá thô sơ đã trở thành những hình ảnh sống động của làng quê, muông thú, núi rừng… Mặc dù chưa khai thác hết những ưu điểm của chất liệu, nhưng các tác phẩm Cố lên, Chiều Bảy Núi, Lạc loài, Tĩnh và động, Bến lặng… của Phan Võ Hoàng Nam đã phần nào cho thấy sự đa dạng đó.

Những mảnh ghép từ đá Thất Sơn - 2

Tranh đá Bảy Núi 

Tranh đá Bảy Núi không lấp lánh như tranh đá quý, chỉ có thể sử dụng gam màu trắng đen làm chủ đạo, thay vào đó tác giả chú trọng vào chiều sâu của các tác phẩm, để người xem tranh tìm thấy sự bình yên sau những bộn bề cuộc sống. Đặc biệt, ưu điểm lớn nhất của tranh đá Bảy Núi là có thể giữ được màu sắc và độ bền với thời gian. Mỗi tác phẩm có thể bảo quản trong môi trường bình thường đến cả trăm năm.

“Một số người đề nghị nhuộm màu đá, nhưng tôi muốn sử dụng màu sắc nguyên thuỷ của đá Bảy Núi để làm nên nét đặc thù. Tôi mong mỏi chất liệu đá granite có thể góp mặt với các chất liệu như vỏ tràm, lá thốt nốt, gáo dừa… để làm nên những bức tranh mang tính riêng biệt của địa phương. Qua đó, chất liệu này có thể góp phần làm phong phú thêm diện mạo văn hóa của quê hương An Giang và đóng góp thêm một chút vẻ đẹp cho cuộc sống” - ông Hoàng Nam chia sẻ.

Tuy nhiên, hiện nay nghệ nhân Phan Võ Hoàng Nam gặp nhiều khó khăn để duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo này. Trước hết, khi tuổi tác càng cao, sức khỏe càng giảm, ông không còn thuận lợi trong việc lặn lội khắp các đồi núi để tìm đá, giã đá, ngồi hàng giờ để làm tranh… Bên cạnh đó, với đồng lương giáo viên eo hẹp, ông không có thể mở rộng quy mô sản xuất. Cuối cùng, do quy trình chế tác quá vất vả, tranh đá Bảy Núi chưa tìm được truyền nhân kế thừa. Hy vọng các ngành chức năng tại địa phương có phương án hỗ trợ để loại hình nghệ thuật đặc thù của vùng đất An Giang không bị mai một.

Có thể nói, tranh đá Bảy Núi là sự kết hợp giữa thiên nhiên vùng Thất Sơn kỳ bí với con người tài hoa Phan Võ Hoàng Nam. Đây không chỉ là một khám phá cá biệt của nghệ nhân, mà còn là một hướng đi mới cho mỹ thuật Tây Nam Bộ. Niềm đam mê, sự tận tâm với công việc, cộng thêm tài năng có sẵn đã giúp ông hoàn thành nhiều tác phẩm mang tính nghệ thuật cao. Qua những mảng màu của đá Thất Sơn, người xem dường như có thể hồi tưởng những ký ức về miền quê An Giang./.

Vĩnh Thông

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Tết, dẫu ngày thường không hay rượu thì, chí ít mỗi người dù già trẻ, gái trai, đều có thể nâng một ly rượu thơm nồng mừng xuân, mừng năm mới. Người ta nói đến “văn hóa rượu”, vì rượu là một trong những phát minh quan trọng của loài người (nhiều ý kiến còn cho là sau việc phát minh ra lửa!?). Muốn cảm nhận được cái nhã thú của văn hóa rượu, thiết nghĩ có một cách, hãy tìm đ