Một nhạc sĩ tài ba là… kỹ sư hóa chất

Đó là nhạc sĩ Trương Quang Lục, từ lâu đã trở nên rất quen biết với công chúng yêu âm nhạc. Rất nhiều người thuộc hoặc ít nhất cũng đã từng nghe và thích thú bài hát rất nổi tiếng của ông có tên “Vàm Cỏ Đông”: “Ở tận sông Hồng em có biết/Quê hương anh cũng có dòng sông/Anh mãi gọi với lòng tha thiết/ Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông!…”.

Ngoài ra, ông còn có nhiều bài hát hay khác, có sức lan tỏa rộng rãi: “Hoa sen Tháp Mười”, “Quảng Ngãi đất mẹ kiên cường”… Nói đến sự nghiệp sáng tác âm nhạc của Trương Quang Lục, không thể không nói đến hàng trăm bài hát dành cho thiếu nhi được tuổi thơ rất yêu thích như “Trái đất này là của chúng em” (thơ Định Hải), “Màu mực tím”, “Xỉa cá mè”, "Tuổi 15"…

Một nhạc sĩ tài ba là… kỹ sư hóa chất - 1

Nhạc sĩ Trương Quang Lục. 

Năm 1979, hưởng ứng lời kêu gọi của tổ chức UNICEF, Ủy ban Năm Quốc tế thiếu nhi Việt Nam phát động cuộc thi sáng tác bài hát mới cho trẻ em. Cuộc thi gồm hai phần: Phần thi viết lời bài hát và phần thi phổ nhạc các bài thơ ấy, trong đó có bài thơ “Trái đất này là của chúng em” của nhà thơ Định Hải. Đã có tới gần 300 người tham gia. Cuối cùng, Trương Quan Lục giành giải nhất. Bài hát của ông nhanh chóng lan tỏa rộng rãi, được thiếu nhi cả nước rất ưa thích.

Thường thì người ta cứ hay nghĩ cái từ “nghiệp dư” là gắn với sự không chính quy, là tay trái, “tay ngang”. Và nếu là nghệ thuật thì dễ hồ nghi chất lượng, cho rằng dẫu có giỏi đến đâu cũng không thể bằng chuyên nghiệp mà không nghĩ “chuyên nghiệp” chẳng qua chỉ là ăn lương để làm một công việc nào đó còn chất lượng, hiệu quả lại phụ thuộc vào tài năng. Không ít người chuyên nghiệp mà cả đời chằng để lại được gì đáng nói.

Ngược lại, nhiều người không chuyên nghiệp mà tác phẩm của họ nổi tiếng, được khắp bàn dân thiên hạ biết đến và ngưỡng mộ. Điển hình nhất cho điều này là Nguyễn Đình Thi với hai bài hát bất hủ là “Diệt phát xít” và “Người Hà Nội”. Trương Quang Lục cũng ở vào trường hợp tương tự. Cả đời ông chưa bao giờ làm việc ở một cơ quan âm nhạc hay văn nghệ nào mà từng là kỹ sư hóa chất ở nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao (Phú Thọ) và từ năm 1977 thì chuyển vào miền Nam làm giám đốc nhà máy Hóa chất ở Thủ Đức rồi cuối đời công chức chuyển sang làm báo ở Sài Gòn giải phóng.

Một nhạc sĩ tài ba là… kỹ sư hóa chất - 2

Nhạc sĩ Trương Quang Lục với bài nhạc “Hoa sen Tháp Mười”.

Trương Quang Lục quả là một trường hợp thật độc đáo. Ông sinh năm 1933 ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, trong một gia đình có cụ cố, ông nội làm quan cho triều Nguyễn. Hồi nhỏ cũng say mê âm nhạc và phát lộ năng khiếu sáng tác từ nhỏ nhưng sau 1954, ra Bắc tập kết lại không thi vào trường âm nhạc như nhiều người mà học ngành hóa chất Đại học Bách khoa rồi ra làm việc tại nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao như đã nói.

Có lần tôi hỏi vì sao lại như vậy thì được ông cho biết: “Mình nghĩ trước hết phải đắm mình vào thực tế, vào đời sống của người lao động mới có thể có vốn sống, cảm hứng sáng tác, còn học thì sau, lúc nào mà chẳng được”.

Sau 4 năm học ở Đại học Bách khoa, ông về Phú Thọ làm việc ở nhà máy trên. Tại đây ông sáng tác được 3 bài hát hay về vùng quê này: “Tiếng hát bên rừng cọ đồi chè”, “Cô gái Lâm Thao” và “Chuối ngọt Trung du”. Những ai sống giai đoạn này ở vùng trung du Phú Thọ sẽ rất biết những bài này.

Đến nay, tôi vẫn còn nhớ được mấy câu mở đầu bài “Tiếng hát bên rừng cọ đồi chè”: “À ới! Mênh mông rừng cọ. À ới! Xanh xanh đồi chè. Ta yêu làng ta đồi nương bát ngát cô gái đẹp hái chè xanh bên sườn đồi. Cô ngắm đồi nương càng thêm yêu đời. Đẹp tô màu nắng má cô thêm hồng tươi…”. Cũng tại đây, ông sáng tác nên bài hát bất hủ Vàm Cỏ Đông.

Trương Quang Lục kể: Sống trên miền Bắc nhưng tôi và nhiều anh em quê ở miền Nam ra Bắc tập kết luôn ngày đêm đau đáu nhớ về quê hương. Tôi trăn trở, nghĩ mình phải viết một bài hát biểu hiện tình cảm này. Đang suy nghĩ, tìm tòi ý tứ thì bỗng một hôm vào năm 1966, tình cờ nghe buổi Tiếng thơ trên Đài Tiếng nói Việt Nam ngâm bài thơ khiến tôi rất xúc động có tên “Vàm Cỏ Đông”. Liền sau đó, tôi lại đọc được bài thơ này của nhà thơ Hoài Vũ trên báo Văn nghệ. Thế là tôi quyết định phổ thành ca khúc. Tràn đầy cảm xúc, hứng khởi, tôi phổ một mạch là xong sau chỉ 1 giờ rồi lập tức gửi về Đài phát thanh và được chấp nhận ngay. Một dàn đồng ca với phần lĩnh xướng của ca sĩ Trần Thụ đã thể hiện rất thành công. Chỉ một thời gian ngắn sau, tôi rất đỗi hạnh phúc khi thấy bài hát lan tỏa rộng rãi. Các nhạc sĩ ở Đài như Phạm Tuyên, Lê Lôi, Phan Nhân… cho biết bài hát được rất nhiều thính giả khắp nơi gửi về yêu cầu phát lại...

Năm 1977, Trương Quang Lục vào làm Giám đốc một nhà máy hóa chất ở huyện Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức) TP Hồ Chí Minh. Ông chỉ đảm đương việc này một thời gian ngắn rồi xin chuyển sang báo Sài Gòn giải phóng – cơ quan ngôn luận của Thành ủy Sài Gòn. Ông muốn được làm ở Ban Văn hóa văn nghệ nhưng người Tổng biên tập phân ông làm Trưởng ban Khoa Giáo với lý do: Ông là kỹ sư hóa chất, có hiểu biết về khoa học trong khi anh em khác ở Ban này đều hạn chế. Về sau, báo này có tờ Phụ san cuối tuần, ông được đảm nhận thêm phần văn nghệ.

Nghe sáng tác của Trương Quang Lục, ta thấy ông rất có nghề viết ca khúc với một bút pháp vững vàng. Đó là việc khai thác rất nhuần nhuyễn chất liệu dân ca Nam Bộ để đưa vào hai bài giá trị là "Vàm Cỏ Đông” và “Hoa sen Tháp Mười”. Giai điệu ngọt ngào, đằm thắm, mới nghe đã bắt tai và càng nghe càng ngấm, càng thấy thích thú. Tuyền điệu (mạch nhạc) tuôn chảy một cách rất tự nhiên, không cầu kỳ uốn lượn. Có cảm giác ca khúc của ông như những lời thủ thỉ tâm tình một cách chân thành, sâu sắc và lắng đọng.

Về bài “Vàm Cỏ Đông”, Trương Quang Lục kể rằng về sau ông được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu kể cho nghe một chuyện: Ngay sau khi bài hát được phát trên làn sóng, một vài đồng chí lãnh đạo tỉnh ủy nghe được, khen hay. Phan Huỳnh Điểu lúc đó có ở bên cho biết tác giả quê ở Quảng Ngãi. Các vị này nói: “Thằng cha này hỏng. Quê Quảng Ngãi mà không viết về quê mình, lại viết về Nam Bộ. Không được!”. Cần thấy rằng hồi ấy, người Nam Trung Bộ có phần cục bộ nên lời trách của mấy vị lãnh đạo cũng là dễ hiểu. Mãi tới về sau, khi đã vào sống ở TP Hồ Chí Minh, Trương Quang Lục mới nghe Phan Huỳnh Điểu nói điều này. Ông lập tức “sửa sai” bằng việc sáng tác nên bài “Quảng Ngãi đất mẹ kiên cường”.

Một nhạc sĩ tài ba là… kỹ sư hóa chất - 3

Ngay ở tuổi thiếu niên, tôi đã rất thích hát bài “Tiếng hát bên rừng cọ, đồi chè”. Về sau lại mê bài “Vàm Cỏ Đông” nên tôi rất mong tiếp xúc được với Trương Quang Lục. Nhiều lần vào TP Hồ Chí Minh có ý định tìm gặp nhưng rồi vẫn chưa thực hiện được.

Cho mãi tới mấy năm gần đây, gặp ông ở một Đại hội Hội Nhạc sĩ, chúng tôi mới tiếp xúc được với nhau. Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là một người giản dị, hiền hòa, khiêm tốn, dễ mến, nhẹ nhàng và vui vẻ. Thường thì các đại hội cứ đến phần đọc báo cáo tổng kết dài hàng giờ là anh em lại kéo ra ngoài chuyện trò, thăm hỏi nhau.

Tôi và Trương Quang Lục cũng như vậy. Tuy lần đầu tiên mới gặp nhưng vì đã biết rõ về nhau nên nhanh chóng trở nên thân tình, không có khoảng cách. Ông kể chuyện rất chân thành, thoải mái về cuộc sống, hoàn cảnh của mình. Tôi hỏi vì sao năm 1957 khi thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, lúc này ông đang học ở Khoa Hóa chất, trường Đại học Bách khoa mà lại là một trong những hội viên đầu tiên của Hội, còn được coi như người có công xây dựng Hội?

Ông cho biết chính là do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu giới thiệu với nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát là trước năm 1954, ở Quảng Ngãi, có Trương Quang Lục cũng có nhiều sáng tác tốt, được bà con trong đó ưa thích, lan truyền. Khi đó, cả Hội mới chỉ có 40 người. Nguyễn Xuân Khoát là người cao niên nhất cũng mới chỉ 47 tuổi. Có thể nói cho đến hôm nay, Trương Quang Lục là một trong số rất ít ỏi hội viên đầu tiên vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Còn lại, đều đã lần lượt quy tiên.

Rồi ông kể về những ngày mới vào học trường Đại học Bách koa. Trong lớp có chừng 10 cô gái đều con nhà khá giả người Hà Nội, ít nhiều đỏng đảnh. Họ chẳng để ý gì đến mấy sinh viên người miền Nam tập kết. Nhưng riêng một cô tên Vân rất yêu âm nhạc, thích nghe chàng trai tên Lục đánh đàn và hát mấy bài của anh ta sáng tác.

Rồi tình yêu nảy sinh và cô không ngần ngại làm vợ chàng trai trai xứ Quảng. Chồng tên Lục, vợ tên Vân. Hai người hẹn nhau khi sinh con sẽ đặt tên là Tiên (để thành Lục Vân Tiên là tên một nhân vật nổi tiếng trong truyện của Nguyễn Đình Chiểu), nhưng con đầu lại là con trai nên không thể đặt là Tiên. Phải đợi đến đứa sau là gái, lời hẹn mới thành.

Chỉ là tự học về âm nhạc, chẳng những Trương Quang Lục sáng tác ca khúc hay mà ông còn biết phối khí. Có một số bài ông đã gửi cả tổng phổ đến Đài, được dàn nhạc diễn tấu đúng ý tác giả, không sai một nốt.

Nhạc sĩ nổi tiếng mà không một ngày chuyên làm công việc âm nhạc, văn nghệ. Trương Quang Lục thật độc đáo thay./.

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất