Ca Lê Hiến, Nguyễn Hồ - những trái tim Bến Tre

“Anh là con sông chảy trước nhà em Em có nghe tiếng sóng vỗ ngày đêm..”

Anh là con sông chảy trước nhà em

Em có nghe tiếng sóng vỗ ngày đêm

Buổi sáng nước lên sông chảy êm đềm

Em có thấy nhiều lục bình hoa tím

Buổi chiều khi nắng vàng ngọt lịm

Em thấy không cuồn cuộn nước ròng

Anh đang về với bể cả mênh mông…

Những vần thơ ấy là của nhà thơ trẻ Ca Lê Hiến, một nhà thơ quê Bến Tre, học Đại học Tổng hợp trên đất Bắc. Rồi ít năm sau anh vượt Trường Sơn về quê hương chiến đấu với bút danh Lê Anh Xuân. Thuở là Ca Lê Hiến hay Lê Anh Xuân, tôi đều yêu thơ anh lắm. Và cũng từng được gặp anh trong căn nhà nhỏ của nhà thơ Nguyễn Trọng Định ở số 10 Nguyễn Chế Nghĩa (do một người bạn học thân thiết là anh Đinh Đức cho ở) và rồi căn phòng thành nơi quy tụ của rất nhiều nhà thơ trẻ ngày ấy: Ca Lê Hiến, Diệp Minh Tuyền, Lữ Huy Nguyên, Nghiêm Đa Văn, Phạm Tiến Duật…

Anh Diệp Minh Tuyền người Mỹ Tho Tiền Giang. Anh Ca Lê Hiến người Bến Tre. Những ngày ấy các anh náo nức trở về quê hương, như các anh Nguyễn Trọng Đinh, Phạm Tiến Duật náo nức ra mặt trận. Cùng là những nhà thơ đồng trang lứa, kể như là những “ tinh hoa” của tuổi trẻ, các anh tôn thờ thơ ca, yêu quý và trân trọng nhau lắm. Khi anh Ca Lê Hiến lên đường, anh Nghiêm  Đa Văn còn làm thơ tặng gửi theo, in trên báo Văn nghệ ai đọc cũng xúc động:

"Nhớ lắm Hiến ơi

 Những đêm mưa Hà Nội

 Trời gầm sấm dội

 gió giật cửa ngoài

Như bàn tay ai

Lay bừng giấc ngủ

 Cuộc đời sinh viên giường đôi nho nhỏ

Mày ngửa mình giường trên tao nghiêng tai giường dưới

 Cuốn sử chống xâm lăng đêm qua đọc vội

 Gối đầu lên nghe có tiếng gươm khua

 Sấm ngoài trời dóng dả gọi cơn mưa

 Tao ngóng về phương Nam mày nhớ về quê nội

 Như hạt thóc nẩy lên chồi mới

 Hẹn một mùa gieo hạt giữa quê hương…  ”

Người nghệ sỹ thứ hai quê Bến Tre tôi được quen và rồi yêu quý, là anh Nguyễn Hồ, dù anh không làm thơ mà viết văn và là biên kịch điện ảnh. Tôi biết anh khi chân ướt chân ráo từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, tham gia một đoàn văn nghệ sỹ TP Hồ Chí Minh đến với Trị An Mã Đà, với rừng Đồng Nai. Trong đoàn, sáng tác âm nhạc có các anh Tôn Thất Lập, Trần Tiến, Tôn Thất Thành, chị Trương Tuyết Mai. Văn  chương có nhà văn Trần Văn Tuấn, biên kịch Lâm Trân (Nguyễn Ngọc Quang), biên kịch Nguyễn Hồ… Anh Lâm Trân người An Giang, anh Nguyễn Hồ người Bến Tre, các anh đều sống rất hảo hán, nói theo từ Bắc là rất quân tử, phóng khoáng, tình cảm, nhân hậu, mà rồi với hai anh, tôi mãi mãi coi là những người anh ruột thịt của mình. 

Lúc này anh Lâm Trân đang là phó giám đốc và anh Nguyễn Hồ Trưởng phòng biên tập của Hãng phim Giải Phóng. Rừng Mã Đà không chỉ có một Trị An đang xây dựng công trình thủy điện, mà còn là một vùng rừng vốn là Chiến khu Đ oai hùng năm xưa, có một ông Tư Lợt vốn là Trưởng ban bảo vệ chiến khu Đ trong chiến tranh và nay là Giám đốc một lâm trường nổi tiếng mang tên Mã Đà “nhất chúa sơn lâm nhì đâm hà bá”, “ Mã Đà sơn cước anh hùng tận”. Anh Bảy Sanh Giám đốc lâm nghiệp Đồng Nai, anh Danh An phó giám đốc lâm trường Mã Đà muốn có những tác phẩm âm nhạc, văn học, điện ảnh…về Trị An, về Mã Đà, nên đã mời đoàn văn nghệ sỹ TP Hồ Chí Minh này đến với rừng. Và cũng bởi thế tôi có thêm hai người anh trong đời là anh Lâm Trân (Ngọc Quang) và anh Nguyễn Hồ.

 Lại năm trước tổ chức đoàn cựu chiến binh Cánh Đồng Chum trở lại chiến trường xưa. Trong đoàn có pháo thủ Phạm Ngọc Tiến, cùng trung đòan pháo cao xạ với tôi, sau là Nhà văn, Nhà biên kịch điện ảnh nổi tiếng. Ai dè đâu có một đêm đất Lào, hai thằng pháo thủ uống nước sông Hồng lại ngồi kể với nhau về một ông biên kịch Hàm Luông cả hai cùng rất yêu quý, là anh Nguyễn Hồ.

 Phạm Ngọc Tiến kể: “Anh biết không, anh Nguyễn Hồ đông bạn. Khi còn là quan chức chẳng kể, lúc đã về hưu năm 2003 thì cái sự hội ngộ mà Nguyễn Hồ làm chủ xị vẫn diễn ra thường xuyên. Anh hay gầy độ nhậu tại nhà. Mỗi lần như thế là một lần bạn bè tụ họp đông đủ. Tiến  gặp ở nhà Nguyễn Hồ nhiều tài năng đất Sài Gòn và Hà Nội, từ nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Ngô Thảo, đạo diễn Trịnh Lê Văn đến những nhà báo đình đám cỡ Tâm Chánh, Võ Đắc Danh...  Anh Nguyễn Hồ có những thành tựu về truyện ngắn và tiểu thuyết., như “Ông Năm cải tạo”, “Tám chữ O tròn”, “Chim phóng sinh” là những tập truyện ngắn, tiểu thuyết khẳng định bút pháp của một nhà văn Nam Bộ. Tiến  đặc biệt thích những truyện ngắn giản dị nhưng thấm đẫm tình người mảnh đất phương Nam của anh. Truyện của Nguyễn Hồ nghiêng về kể, với lối viết tỉ mẩn miêu tả chi tiết rất đặc sắc con người và đời sống Nam Bộ theo cách riêng. Anh là số ít trong các biên kịch có tên trong Hội nhà văn Việt Nam. Nhưng thành tựu lớn nhất của anh Nguyễn Hồ theo Tiến là ở mảng phim truyện và phim tài liệu. Kịch bản “Lưỡi dao” của anh về chiến tranh do đạo diễn Lê Hoàng thực hiện là một phim điện ảnh hay, tạo dấu ấn qua thời gian. Và kinh nhất ở Nguyễn Hồ là những phim tài liệu, phóng sự do anh trực tiếp chấp bút và chỉ đạo thực hiện. Thế mạnh này cũng chỉ có đài HTV, mà anh Nguyễn Hồ, trong cương vị giám đốc TSF thực hiện được. Một “Đất phương Nam” không chỉ thành công trong nước, khẳng định vị thế của phim truyện truyền hình mà còn gây tiếng vang ở nước ngoài khi sản xuất đĩa DVD phát hành ngoài biên giới. Khó có thể quên phim tài liệu dài tập “Mê Kông ký sự”, “Ký sự Tân Đảo”... Ngay cả khi rời TSF, anh  Nguyễn Hồ trong vai trò cố vấn của BHD là một công ty truyền thông mạnh, vẫn tiếp tục khai thác những đề tài khó và có ý nghĩa với đời sống và lịch sử. “Đi tìm dấu tích ba vua” là những tìm tòi nghề nghiệp hiếm có. Đề tài lịch sử được Nguyễn Hồ đau đáu bỏ công sức khai thác. Anh muốn viết về những vị vua của đất nước có sự trắc ẩn với lịch sử. Để làm được những gì Nguyễn Hồ tâm đắc, Tiến biết anh đã gặp vô vàn khó khăn trở ngại. Nhiều dự định của anh sau “Ngọn nến hoàng cung” như chủ trương sản xuất phim truyện về vua Thành Thái, Hàm Nghi và Duy Tân đều chưa thành. Lý do kinh phí và tính xác thực tư liệu lịch sử đã buộc Nguyễn Hồ phải chuyển sang làm tài liệu với những luận cứ đánh giá mở để khai thác thêm tư liệu về ba vị vua triều Nguyễn này”.

 Tiến nói say sưa lắm, chỉ đến lúc anh em vào gọi đi chợ đêm Viêng Chăn, Tiến mới uống nốt chén rượu, nhưng vẫn tâm sự về anh Nguyễn Hồ: “Giờ đây anh Nguyễn Hồ tuổi cao, cô đơn vì người vợ yêu quý ra đi sớm, nhưng vẫn đau đáu với nghệ thuật. Với anh em, bạn bè đồng nghiệp vẫn là một Nguyễn Hồ nặng lòng đầy nghĩa tình. Vừa rồi  anh nhắn cho thằng em rằng, vẫn còn một chai rượu quý dành phần Tiến đấy. Tiến không trả lời tin nhắn ấy vì biết, chai rượu đó anh đặt trên bàn thờ vợ. Hôm 49 ngày, anh đã chỉ vào nó, “em hạ xuống uống đi để nhớ chị”. Tôi không nỡ uống, đúng hơn là không thể uống”.

Tiến đi rồi, tôi ngồi lặng bên chén rượu. Mình cũng không thể uống được nữa, mà chỉ thấy trong lòng vang lên câu thơ năm xưa của anh Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến):

“Anh là con sông chảy trước nhà em

Em có nghe tiếng sóng vỗ ngày đêm..”

Anh Ca Lê Hiến đấy. Anh Nguyễn Hồ đấy. Những trái tim Bến Tre với tình yêu của mình.

Trương Nguyên Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Mỹ: Siêu bão Milton chạm ngưỡng cực đại của bão trên Trái đất, Florida đối mặt thảm họa

Mỹ: Siêu bão Milton chạm ngưỡng cực đại của bão trên Trái đất, Florida đối mặt thảm họa

Siêu bão Milton, một trong những cơn bão mạnh nhất lịch sử ở Vịnh Mexico, đã đạt tới ngưỡng cực đại của bão trên Trái đất với sức gió giật có lúc lên tới hơn 320 km/giờ. Bang Florida của Mỹ có thể đối mặt thảm họa khi các nhà khí tượng cảnh báo về sức tàn phá khủng khiếp mà siêu bão có thể gây ra.

Triển lãm Sách chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô giới thiệu hơn 500 tư liệu quý hiếm

Triển lãm Sách chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô giới thiệu hơn 500 tư liệu quý hiếm

Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10//2024), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Triển lãm Sách Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.