Esenin – Một khổ thơ buồn nước Nga

Nhớ lại thời học phổ thông, lũ học sinh mới lớn chúng tôi có một thói quen mà không biết cho tới nay thói quen đó có còn tồn tại trong lớp trẻ học sinh sinh viên nữa không, đó là cái thú truyền tay nhau chép vào sổ tay những bài thơ hay của những nhà thơ trong và cả ngoài nước mà mình yêu thích. Trong cuốn sổ tay khá dầy tôi sưu tầm được thì thơ của Sergei Esenin, một nhà thơ Nga nổi tiếng, đã có tới ba bốn bài. Và bên cạnh chùm thơ chọn lọc đó lại còn kèm theo những dòng ghi chép tóm tắt về cuộc đời, sự nghiệp của người thi sĩ tài danh này. Rồi cuộc sống cứ thế trôi đi, bao nhiêu điều phải học, bao nhiêu điều phải suy nghĩ và cả bao nhiêu điều cũng còn phải nhớ, phải chốt lại trong đầu như những bản cửu chương, thì những kỷ niệm nhẹ nhàng như mây bay, như gió thổi của tuổi thiếu thời thật khó có thể giữ lại trong ký ức.

Năm 2004, trong một chuyến công tác tại Liên bang Nga với mục đích khảo sát thị trường và tìm kiếm cơ hội liên kết đầu tư, đoàn đại biểu doanh nghiệp chúng tôi đã tới làm việc với tập đoàn thương mại ASG, một doanh nghiệp lớn của người Việt đang hoạt động tại nước Nga. Nhờ đã chuẩn bị nội dung và tài liệu sẵn từ trong nước nên buổi làm việc sáng hôm đó tại trụ sở ASG trên Moskva, mặc dù thời gian ngắn gọn nhưng hai bên đã thu được nhiều kết quả thiết thực và cụ thể.

Esenin – Một khổ thơ buồn nước Nga - 1

Tượng đài nhà thơ Esenin tại công viên thành phố Riazan nước Nga

Kết thúc buổi làm việc, theo chương trình đã định trước, chúng tôi lại tranh thủ xuống khảo sát về năng lực thực tế của ASG tại cơ sở chi nhánh dưới thành phố Ryazan. Anh Nguyễn Nam Thắng - Phó Tổng giám đốc ASG cho chúng tôi biết, Ryazan là một thành phố cổ nước Nga, cách Moskva khoảng 200km về phía Đông, đây cũng là quên hương của nhà thơ Nga Sergei Esenin.

Anh bảo nếu thời gian cho phép và không có mưa gió bất thường xin được mời đoàn ghé thăm quê hương nhà thơ. Từ lúc được biết nơi mình sắp đến không ngờ lại gắn liền với tên tuổi của một nhà thơ mình yêu thích, lòng tôi thấy phấn khích hẳn lên.

Xuống tới Ryazan, đi thăm một nhà máy sản xuất mì ăn liền rất lớn ở đây, lớn tới mức có một con đường sắt chạy từ ga xe lửa thành phố nối thẳng vào sân nhà máy để có thể giao nhận sản phẩm và nguyên vật liệu tại chỗ. Nhà máy có gần 400 lao động, trong đó chỉ có 17 người Việt.

Công nhân người Nga trong các phân xưởng chủ yếu là nữ, mà hầu hết là người trẻ. Anh Thắng đồng ý để chúng tôi chụp ảnh ghi lại khung cảnh làm việc trong các phân xưởng. Khi tôi đưa máy lên kéo ống kính tele cận cảnh một vài cô gái Nga đang làm việc bên các băng chuyền thì hầu như các cô đều tỏ vẻ không đồng ý, người thì che mặt, người thì quay đi. Một vài bức chụp được thì cô nào cặp mắt cũng thấy buồn vời vợi.           

Sau khi đi thăm tiếp một cơ sở giết mổ gia cầm ở gần đấy thì đã quá trưa sang chiều, Phó Tổng giám đốc Thắng mời chúng tôi đi ăn tại nhà hàng mang tên Saigon Restaurant, một cơ sở kinh doanh của ASG mở trên một con phố lớn trung tâm thành phố Ryazan. Ăn trưa ở đây gặp lại cảnh nhân viên làm việc đều là người Nga, những cô gái chạy bàn người Nga trẻ măng chỉ độ mười tám đôi mươi, tất cả đều mặc áo dài Việt Nam. Ngắm nhìn những cô gái Nga trẻ đẹp lúc này, tôi chợt nhớ tới một bài thơ đẹp của nữ sĩ Anh Thơ, trong đó có câu :

“Đêm nay tôi gặp được những cô gái Nga

đẹp như tiểu thuyết.

Và tôi muốn làm thơ

Kể về những cô gái Việt

Tay mịn màng ủ kén ươm tơ…”

Bài thơ sau này được nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất phổ nhạc trở thành một bài hát trữ tình có thể gọi là “vang bóng một thời”, nhưng vì một lí do nhạy cảm mà bài hát đó không bao giờ thấy xuất hiện trở lại trên sóng vô tuyến nước nhà. Thật đáng tiếc!

Trước lúc vào bàn ăn, tôi có thắc mắc là sao chỉ thấy người Nga làm việc trong doanh nghiệp mà không thấy người Việt, Nguyễn Nam Thắng bảo đây là một câu hỏi rất hay rồi giải thích, tiền công của lao động Nga trong các phân xưởng hiện nay trung bình chỉ trên một trăm đô la mỗi tháng, lao động kỹ thuật cao mới lên tới 300 đô la. Mức thu nhập như vậy là đã khá hấp dẫn và họ chấp nhận.

Trong khi đó người lao động Việt Nam sang đây lạ nước lạ cái, sẩy nhà ra thất nghiệp, chỗ ăn chỗ ở cái gì cũng phải thuê mướn, cái gì cũng phải tiền, chưa kể cái món nợ chạy giấy tờ sang đây bất hợp pháp đè nặng trên vai… hàng tháng phải dành dụm, chắt bóp gửi về nhà vài trăm đô để bố mẹ trả nợ.

Trong hoàn cảnh như thế người lao động Việt tối thiểu phải kiếm được dăm bảy trăm đô la một tháng may ra mới tồn tại nổi. Đấy là lí do họ chỉ có thể lăn lóc kiếm sống ngoài chợ, tìm kiếm vận may thoát khỏi nợ nần và hy vọng dần dần có tích lũy.

Lời giải thích ngắn gọn của nhà doanh nghiệp trẻ đã nói lên tất cả. Tôi đã hình dung ra thân phận nổi trôi những người lao động việt Nam bươn chải kiếm sống nơi xứ người, và tôi cũng hình dung ra thân phận của người dân Nga, những người cựu chiến binh Nga phải đem quân hàm, quân phục, huân huy chương ra chợ trời bán lấy cái ăn; lớp người trẻ tuổi nước Nga không ít trong số họ trở nên thất nghiệp, sẵn sàng làm tất cả mọi việc, chấp nhận mọi rủi ro để mong kiếm về những đồng tiền ít ỏi… tất cả, tất cả đều bị cuốn đi như những chiếc lá khô trong trận cuồng phong chính trị sau khi Liên Xô sụp đổ.

Những ngày tháng này nếu bạn có việc đến nước Nga, được chứng kiến những cảnh tượng buồn thảm xuống cấp của một dân tộc, một quốc gia vĩ đại, thì chắc bạn cũng giống như tôi, chúng ta sẽ có chung một nỗi buồn u uẩn khôn nguôi về số phận con người!

Esenin – Một khổ thơ buồn nước Nga - 2

Bên bức tượng nhà thơ tại khu lưu niệm làng Konxtantina Novo

                                                       *

Khoảng ba giờ chiều chúng tôi ghé thăm công viên Esenin ở trung tâm thành phố Ryazan. Những hàng cây sồi, dẻ gai, thùy dương xanh mướt đứng trầm ngâm thẳng tắp. Tượng bán thân Esenin rất lớn bằng đồng, mô phỏng nhà thơ đang trong tư thế đọc thơ, hai tay dang rộng thanh thản hài hòa với khuôn mặt trẻ trung, đẹp đẽ. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ như thiên thần ai dám nghĩ là con người bạc mệnh.

Đắm chìm trước tượng Esenin, trong khoảnh khắc u hoài, tôi lại liên tưởng tới Puskin, Lermontov, rồi Maia, rồi Gorki, rồi Paustovsky…, những tác giả văn học thiên tài Nga mà dường như những âm hưởng thi ca của họ cứ luôn ngập tràn cảm xúc trên mọi nẻo đường năm tháng tuổi trẻ đời mình. Nhưng sao lại giống nhau đến thế? Phần lớn họ đều kết thúc cuộc đời mình bằng những cái chết bi thảm, để lại cho đời bao nỗi vương vấn tiếc thương!

Một cơn mưa nặng hạt chợt ào qua khiến chẳng ai kịp phản ứng gì. Công viên thì rộng không nơi tránh trú, xe đỗ lại xa, mọi người còn mỗi cách là cứ đứng nguyên tại chỗ ngắm nhìn bức tượng Esenin mịt mùng qua làn mưa lạnh. Cơn mưa kết thúc thật nhanh giống như cách nó xuất hiên. Nhìn mọi người vuốt tóc, vuốt mặt cho trôi sạch nước mưa mà tôi cứ nghĩ nó tựa như cái cách họ tỏ lòng thương cảm trước lúc tạm biệt nhà thơ vậy.

Lòng tôi trĩu nặng khi rời công viên. Con đường mang tên 1-5 là đường chính dẫn ra cửa ô thành phố nham nhở những vũng lớn nhỏ ngập tràn nước mưa, loang loáng in hình những đụn mây loang lổ một màu xám nhạt. Hai bên đường những tòa nhà ba bốn tầng kiến trúc theo lối trung đại châu Âu, thật đẹp, nhưng nhìn thoáng qua cũng biết là đã xuống cấp rất nhiều.

Sau cơn mưa những bức tường xũng nước thẫm nhạt nhiều màu, hằn rõ những vết nứt kéo dài chia cắt… tất cả như đang đợi chờ một sự sửa sang, tu chỉnh trên qui mô lớn. Tôi biết, những biểu hiện chỉ bên ngoài thế thôi, nhưng muốn trả về cho nó vẻ đẹp ban đầu là cả một việc làm không nhỏ về mặt tài chính, mà với nước Nga lúc này, điều đó như là một thứ xa xỉ.

Từ thành phố cổ kính Ryazan về đến làng Konstantinovo, quê hương của Esenin đường dài chỉ khoảng già ba chục cây số. Con đường tỉnh lộ vắng ngắt không một bóng người. Hai bên đường lúa mì đã được gặt sạch trên khắp cánh đồng, nhưng gốc rạ vẫn phủ vàng tít tắp chân trời, thân cây lúa mì được se lại rồi cuốn tròn thành những cuộn rơm khô tròn trịa đường kính cỡ 2 mét lăn lóc khắp cánh đồng, đó là khoản thức ăn chủ lực dự trữ mùa đông cho gia súc. Trời ngả dần về chiều, không gian chuyển dần sang màu sương khói xa xăm, tô vẽ nên một bức tranh phong cảnh buồn đến nao lòng của những cánh đồng Nga.

Từ đầu làng tới ngôi nhà gỗ của nhà thơ là một con đường nhựa rộng khoảng mươi mét, hai bên thảm cỏ mọc đều, tiếp nối những thảm cỏ là những bức hàng rào gỗ thâm thấp chạy thẳng tắp. Nhà nông dân Nga xây cất giữa vườn bên trong, hầu hết đều là nhà gỗ, chạm khắc cầu kỳ, màu sắc rực rỡ.

Thoạt đầu tôi tưởng chỉ có vài căn nhà tượng trưng phong cách Nga cổ để phục vụ khách tham quan du lịch, nhưng tất cả đều như thế, nông dân Nga vẫn sống trong những căn nhà cổ tích như xưa, hết nhà này đến nhà khác, san sát kéo dài suốt con đường làng dài tới hai cây số. Trước cửa nhà nhiều người mang hàng vặt vãnh ra bán, một ít đồ chơi bằng gỗ, mấy con búp bê vải, lại các túi bỏng ngô, rồi cá muối Astrakhan, rồi rau quả, trứng gà…

Gần đến nhà lưu niệm Esenin lại lác đác xuất hiện các quầy bán đồ lưu niệm, các con búp bê gỗ Matryoshka, tranh sơn dầu phỏng theo phong cách Levitan, những chiếc côc và thìa bằng gỗ… Nghèo nàn, đơn sơ và rời rạc đến lạ lùng, đấy là cái cảm nhận ào đến rất nhanh trong lòng tôi. Chao ôi! những người nông dân Nga chân chất, củ mỉ cù mì phảng phất chất muzik trong Lev Tolstoy, trong Puskin, trong Lermontov bước ra từ những trang giấy ố vàng màu thời gian để học cách tồn tại với nền kinh tế thị trường sau cơn địa chấn sụp đổ nhà nước Xô Viết.

Esenin – Một khổ thơ buồn nước Nga - 3

Ngôi nhà tuổi thơ của Esenin

Đã có thời người ta tôn vinh họ là những nhân vật chính của thời đai, những người làm nên lịch sử vinh quang cho đất nước. Có lẽ họ chẳng quan tâm tới những lời xưng tụng theo kiểu kích động của những chính trị gia mang đầu óc Dân túy nhưng khoác áo vô sản, bởi khi những trang sách đó khép lại thì họ hiểu ngay rằng, cuộc sống thực của họ là ở đây, ở những ngôi nhà gỗ ven đường làng với những túi bỏng ngô, chục trứng gà và những con búp bê bằng vải…

Khi chúng tôi tới được khu nhà lưu niệm của nhà thơ Esenin thì cũng đã năm giờ chiều, khách tham qua đã hết. Ngôi nhà gỗ tuổi thơ thi nhân đã đóng cửa. Ngôi biệt thự của quí bà Ana Xnhêghina, người đàn bà quí tộc có một chỗ đứng quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp ngắn ngủi của nhà thơ cũng đã đóng cửa. Ngôi trường tiểu học Esenin học tập ngày xưa cũng thế! Chúng tôi chỉ có thể ngắm nhìn tất cả từ bên ngoài. Bức tượng bán thân bằng đá cẩm thạch trắng muốt  tạc hình nhà thơ trong tư thế cúi xuống, trầm mặc trong góc vườn nhà, mảnh vườn mà trong nhiều thi phẩm bất tử lưu lại cho đời sau, thi nhân đã không ít lần nhắc tới.

Chúng tôi chụp ảnh lưu niệm, rồi kể cho nhau nghe những điều tản mạn mà mình biết về nhà thơ. Trong phút giây hoài cảm tôi nhớ đến bài Thư gửi mẹ của Esenin và nhẩm đọc thành lời, vừa đủ cho người bên cạnh cùng nghe, như một sự sẻ chia tằn tiện những giọt nước trong mát nơi đầu nguồn.

“Mẹ có còn sống chăng thưa mẹ?

Con cũng còn sống đây xin chào mẹ của con.

Ánh sáng diệu kỳ vào lúc chiều hôm.

Xin cứ tỏa trên mái nhà của mẹ.

…………

Con sẽ về khi vào độ xuân sang

Mảnh vườn ta trắng cây cành nẩy lộc.

Chỉ có điều mẹ nhé, mỗi ban mai.

Đừng gọi con như tám năm về trước.

……….”

Rồi tất cả chúng tôi cùng đi bộ ra bờ sông Oka, dòng sông nhỏ nước trong xanh chỉ cách ngôi nhà Esenin chừng dăm trăm mét. Từ chỗ này tới nơi dòng Oka hợp lưu với dòng sông mẹ Volga cũng không xa lắm. Phong cảnh nơi đây khoáng đạt thênh thang. Trên bờ sông một căn nhà gỗ cổ, nhỏ như một cái điếm canh đê, bên trên có dựng cây thánh giá gỗ, nhìn vào biết ngay là Nga. Chất Nga La Tư trong không gian, trong kiến trúc, trầm buồn mà xa vắng không thể lẫn vào đâu được.

Có một đôi trai gái Nga đứng sát bên nhau dưới chân ngôi điếm cổ. Tôi cho ống kính tele hết cỡ bấm một kiểu làm kỷ niệm. Cũng không ngờ bức ảnh đó sau này cho bạn bè ở Hà Nội xem, không cần một lời chú thích mà ai cũng đoán là cảnh nước Nga.

Và tôi, đôi khi thư thả ngắm lại bức ảnh đó, cứ thấy như mình đang đứng bên bờ sông Volga ngày nào để nghe bên tai tiếng gió thổi từ những cánh đồng Nga vọng lại, ngập tràn những âm hưởng thi ca ngọt ngào dung dị mà cũng buồn thăm thẳm của nhà thơ tôi vô cùng yêu mến -  Xergei Esenin, để rồi sau chuyến về thăm Ryazan lần ấy, tâm hồn tôi sao cứ mãi vấn vương nỗi niềm, rằng Esenin, một khổ thơ buồn nước Nga!

                                                                         

Nguyễn Đắc Như

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.