Một hồn thơ vững bền từ cốt cách người bác sĩ

Thơ của ông ra hoa kết trái từ cái gốc của nghề y, với những chiếc rễ cứng cỏi của tri thức, của hiểu biết và tư duy mạch lạc. Trên cái phông nền của nghề y ông đã cho ra đời nhiều bài thơ “chắt chiu tâm tưởng”, vỗ về những trăn trở của ông về những chuyện nghề, chuyện đời, về cái vô thường của thời gian. Thơ của ông được nhiều người biết đến, trong văn đàn ai thì cũng nghe danh Vũ Quần Phương - một người thơ, một tri thức lịch lãm và tử tế.

Những huyền thoại ngành y trong ký ức của một nhà thơ

Ít ai biết rằng tác giả của bài thơ “Áo đỏ” đã từng khoác áo blouse trắng chữa bệnh cho người. Ngay từ lúc ngoại cảnh dội vào hình thành nhân cách, nghề nghiệp buổi đầu đời đã cho ông gặp gỡ, thân thiết với rất nhiều bác sĩ, sinh viên ngành y tài giỏi, những kỷ niệm, những ấn tượng ngày đó đến nay vẫn luôn đong đầy trong ông.

Một hồn thơ vững bền từ cốt cách người bác sĩ - 1

Nhà thơ Vũ Quần Phương. (Ảnh: Huyền Thương)

Nhà thơ Vũ Quần Phương từng là sinh viên của Trường Đại học Y Hà Nội, khóa 1959-1965, một trong những ngôi trường danh giá và có bề dày lịch sử, tại đây ông trưởng thành hơn mỗi ngày qua sự dạy dỗ của những người thầy nổi tiếng về y đức và tài năng. Với ông, các thầy là những tấm gương rọi vào cho tâm hồn ông thêm sáng. Đó là những người thầy được đào tạo trong nền giáo dục của Pháp, từ cách ăn mặc, cách nói năng, phương pháp làm việc khoa học cho tới kinh nghiệm giảng dạy của các thầy đều toát lên sự chỉn chu, lịch sự, cao quý lại rất mực từ tốn, giản dị và gần gũi.

Ở tuổi 83 nhưng khi kể về những người thầy bác sĩ của mình ông vẫn kể một mạch mà chẳng hề ngập ngừng hay cần có thời gian để lục tìm trong ký ức, để có thể thấy rằng những ấn tượng mà họ để lại trong ông lớn đến nhường nào.

Một hồn thơ vững bền từ cốt cách người bác sĩ - 2

Những người thầy trong ký ức của nhà thơ Vũ Quần Phương.

Đến tận bây giờ, nhà thơ Vũ Quần Phương vẫn nhớ như in phong thái nhã nhặn, cử chỉ ân cần, gần gũi học trò khiến sinh viên chưa bao giờ có cảm giác xa lạ của người hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Y Hà Nội của nước Việt Nam độc lập - Hồ Đắc Di.

Ông cũng không quên một người thầy bằng sự hóm hỉnh của mình đã luôn mang tiếng cười đến cho mọi người - bác sĩ Tôn Thất Tùng, người trực tiếp giảng dạy bộ môn ngoại khóa cho ông. Ông bảo, thời ấy sinh viên đều coi thầy Tôn Thất Tùng như một huyền thoại, huyền thoại về cái tài mổ xẻ và huyền thoại về tính cách hoạt bát vui vẻ. Những giờ học tràn ngập tiếng cười ấy đã làm nên những ấn tượng và giúp cho sinh viên nhớ bài. Bác sĩ Tôn Thất Tùng còn là một người có tài quan sát, ông từng chẩn đoán bệnh từ tư thế nằm bất thường của người bệnh.

Nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ: “Quan sát trong ngành y là một kỹ năng cần phải học, từ những bài học đó sau này khi gắn bó với văn chương tôi áp dụng vào việc quan sát những tâm trạng của những con người qua dáng ngồi, dáng đứng cử chỉ của họ để hiểu họ vui buồn ra sao, họ đang tư lự hay lo âu điều gì”.

Trong ký ức của ông bây giờ vẫn còn đó bóng dáng của người thầy Đặng Văn Ngữ với vẻ ngoài tươm tất, nề nếp, ăn nói từ tốn, một tấm gương yêu nước đáng khâm phục vì ông đã từ bỏ nước Nhật yên ổn để về Việt Nam kháng Pháp, mang theo nấm kháng sinh Penicillin để điều trị chống nhiễm khuẩn cho thương binh và nhân dân trong chiến tranh.

Bác sĩ nội khoa tiêu biểu của Việt Nam Đặng Văn Chung cũng là một người thầy để lại nhiều kỷ niệm với nhà thơ. Ông kể:

- Trong một lần thầy giáo Đặng Văn Chung bảo tôi lấy mạch bệnh nhân. Thấy tôi trả lời nhanh. Thầy hỏi. Tôi thưa: em đếm 15 giây rồi nhân 4 ạ. Thầy cười:  Em còn nhiều thời gian hơn tôi chứ, 15 giây nhân 4 chưa chắc đã là 1 phút đâu. Em thử làm lại xem. Tôi đã làm lại, và sau này, tôi có bài thơ "Đếm nhịp tim" để nhớ lại kỷ niệm này và nó không đơn thuần chỉ là chuyện ngành y: Thuở còn là sinh viên trường thuốc / đếm mạch mười lăm giây / rồi nhân lên thành phút. //  Nay tuổi ngoài năm mươi / anh biết / bốn lần mười lăm giây không hẳn là một phút // Nhịp đập trái tim người / khác biệt / qua từng giây thời gian.

Nói về các thầy bằng đôi mắt lấp lánh hoài niệm, nhà thơ Vũ Quần Phương tâm sự: “Đó là những nhân cách cao đẹp mà tôi học được, ở môi trường ngành y, bên cạnh học các thầy tôi còn học các anh lớp trên xuống làm trợ giảng, bạn bè đồng môn. Tôi học được chuyên môn, học cách hiểu con người, học được cách đối xử việc đời và tôi tin những điều đó đã âm thầm ảnh hưởng tới đời viết của tôi sau này”.

Một thi sĩ xuất thân từ bác sĩ

"Từ thuở niên thiếu, dưới sự dạy bảo của thầy dạy văn trung học, nhà thơ Nguyễn Xuân Huy, lần đầu, đó là năm 1952, tôi biết cái hay của thơ, từ bài “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu. Tôi đã giật mình tự hỏi rằng sao chỉ có ngần ấy chữ mà lại tác động đến như thế. Tôi đã giữ lại quyền vở ghi bài giảng ấy, đã 70 năm rồi, như một cái mốc trong đời tôi. Tôi đến với thơ chậm, ngoai hai mươi tuổi mới có thơ đăng báo vì đã định nghề y cho mình. Những bài đầu còn vụng dại lắm", nhà thơ họ Vũ tóc bạc xóa, nói như đang đuổi theo ký ức.

Một hồn thơ vững bền từ cốt cách người bác sĩ - 3

Những điều ông học được từ nghề y đã giúp ông có được những câu thơ mạch lạc, giàu triết lý nhân sinh và mang hơi thở thời đại.

Chắc hẳn trong những ngày tháng miệt mài cùng bạn bè đi tới khắp các bệnh viện lớn ở Hà Nội để thực tập ông vẫn dành một vị trí đặc biệt cho thơ. Phong cách thơ của ông trưởng thành cùng tố chất của một bác sĩ, hai điều tưởng chừng như chẳng có sự liên quan lại lại bổ trợ, đan xen và thôi thúc nhau phát triển. Nhờ có sự ảnh hưởng từ nghề y mà sau này người ta thấy Vũ Quần Phương có một hồn thơ không những lịch lãm và sang trọng, mạch lạc và sâu sắc mà còn chứa đựng cả những triết lý nhân sinh.

Sau này tình yêu thơ trong ông lớn lên mãnh liệt quá, ông chia tay nghề y để tập trung thời gian cho thơ. Lựa chọn này được quyết định sau nhiều lần lưỡng lự và dẫu biết lựa chọn điều này cũng sẽ mang tiếc nuối cho điều kia nhưng Vũ Quần Phương là một người chỉn chu và biết thời gian như cái hành lang một chiều, đi rồi không còn quay lại được. Sự lựa chọn này của ông đã đánh dấu một sự phát triển ngoạn mục.

Ban đầu, 1972-1984, ông công tác tại buổi "Tiếng thơ" của Đài Tiếng nói Việt Nam, với ông, đó là một cơ may vì người dân Việt Nam lúc đó dù ở thôn quê, thành phố hay nơi chiến trường đều nhờ nghe đài mà biết được thơ. Ông được tiếp xúc trực tiếp với những bạn nghe đài, được nghe, được học cách trình bày thơ, đạo diễn một chương trình thơ.

Nghề y dạy ông cách quan tâm con người, nghề văn chương bồi dưỡng cho ông cách chăm sóc tâm hồn con người. Bằng việc chịu khó quan sát, lắng nghe tỉ mỉ học được ở ngành y đã giúp ông nắm bắt được thị hiếu của khán giả. Độ tuổi nào thích nghe thơ nào, tầng lớp nào thích đọc bằng mắt, từ đó ông thu hoạch được rất nhiều kinh nghiệm, ông còn mở một “gian hàng phụ” khá “đắt hàng" ấy là viết bình luận thơ và đi nói chuyện thơ.

Thơ của ông ra hoa kết trái từ một cái gốc của nghề y, với những chiếc rễ cứng cỏi của tri thức, của sự hiểu biết và tư duy mạch lạc. Trên cái phông nền của nghề y ông đã cho ra đời nhiều bài thơ “chắt chiu tâm tưởng”, vỗ về những trăn trở của ông về những chuyện nghề, chuyện đời.

Một hồn thơ vững bền từ cốt cách người bác sĩ - 4

Trong những tứ thơ treo leo của nhà thơ Vũ Quần Phương người ta thường tìm thấy những trăn trở, tiếc nuối của ông về thời gian.

Ông có nhiều bài thơ viết về trái tim, về thầy thuốc tim mạch và bệnh nhân tim- mà ông cũng là một "Trái tim ăn đời anh / Đến phút cuối nó còn nhay nhá mãi / Cỏ ngoài vườn sau mưa lên xanh". Ông trăn trở vì thấy ai hồi trẻ cũng từng tự hào về trái tim mình, nó trong sáng nó biết yêu thương nhưng đời người thì ngắn ngủi, vô thường, điều người ta tự hào khi về già lại là mầm của cái chết.

Từ câu chuyện bệnh trong ngành y ông mở ra nhiều suy tư trước những bất công trong cuộc đời, vừa nói đến bệnh của con người lại vừa phản ánh vấn đề của xã hội. Dù chẳng trực tiếp chữa bệnh nữa nhưng ông chữa tâm bệnh, ông đồng cảm với những người bệnh, trong hành trình đó ông nhận ra nhà thơ cũng giống như những người đau tim, họ cũng đau – nỗi đau của họ trong những câu thơ ở lại như một  trái tim nhoi nhói đập ngoài lồng ngực.

Nhà thơ Vũ Quần Phương, tên khai sinh là Vũ Ngọc Chúc, sinh năm 1940, quê quán Hải Hậu, Nam Định. Hiện sinh sống tại Hà Nội.

Ông làm bác sỹ ở Bộ Y tế (1965-1974). Biên tập thơ Đài Tiếng nói Việt Nam (1972-1984).Trưởng ban Văn học hiện đại NXB Văn học (1984-1991). Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, Tổng biên tập báo Người Hà Nội (1991-1997). Đại biểu Quốc hội khoá IX (1992-1997). Ông từng là Phó tổng biên tập tạp chí Văn chương Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng thơ, Phó Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, Hội Nhà văn Việt Nam.

Các tác phẩm chính đã xuất bản: Cỏ mùa xuân (thơ in chung, 1969); Hoa trong cây (thơ, 1977); Những điều cùng đến (thơ 1983); Cát sáng (thơ in chung, 1985); Vầng trăng trong xe bò (thơ, 1988); Vết thời gian (thơ, 1996); Quên chữ quên câu (thơ, 2000); Giấy mênh mông trắng (thơ, 2003); Thơ với lời bình (phê bình 1989); Đọc thơ Hương Tích (phê bình 1990); Cưỡi ngựa máy xem Hoa Kỳ (2005).

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống