Thơ hiện nay với hôm nay – Đôi điều suy ngẫm

Không nên lo lắng

Tôi đọc nhiều các bài trên mạng than phiền về chuyện “lạm phát thơ”, “lạm phát câu lạc bộ thơ”. Những người viết cho rằng thơ hiện nay chất lượng yếu vì rằng người người làm thơ, nhà nhà làm thơ. Ai cũng có thể đưa thơ lên mạng; ai cũng có thể in thơ, một tập, hai tập, thậm chí nhiều tập. Miễn là không phạm điều cấm kỵ, miễn là có tiền. Bởi vì có một điều hiển nhiên là ta chưa và sẽ không có luật “Cấm in thơ dở”.

Thơ hiện nay với hôm nay – Đôi điều suy ngẫm - 1

Ảnh minh họa

Chính những bài thơ chưa đạt về nghệ thuật này đã lấn át những bài thơ hay, lấn át những nhà thơ chuyên chú vào thơ, quý hồ tinh bất quý hồ đa. Nói như thế là chỉ nhìn một phía, chỉ thấy một mặt. Tôi tự tin mà khẳng định rằng thời nào cũng có thơ dở và thơ hay. Tôi cũng cùng quan điểm với nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Bây giờ hay ở chỗ này: Ai cũng có thể công bố được tác phẩm của mình, ngày xưa in khó lắm ấy chứ! Phải xếp hàng bao nhiêu năm mới ra được tập thơ. Ai cũng đau khổ, cảm giác mình giống như thiên tài bị bỏ quên. Bây giờ tung xòe mới vui. Xuất bản dễ dàng là hay chứ không dở. Vì cái dở sẽ tự mất đi, cái hay sẽ còn lại. Chẳng có gì phải cuống lên hay báo động cả”.

Thời gian sẽ sàng lọc thơ dở và giữ lại thơ hay. Hơn nữa, mặt bằng văn hóa đọc của người đọc bây giờ khá cao. Không dễ gì đưa cái gọi là hiện đại, hậu hiện đại, tân hình thức để che đậy nội dung và nghệ thuật nghèo nàn của người thơ bất tài.

Một số người ủng hộ việc phát triển các Câu lạc bộ Thơ. Càng nhiều càng tốt vì đó là cái nền vững để có những cá nhân đỉnh cao. Một nước nhiều câu lạc bộ bóng đá, có phong trào bóng đá quần chúng rộng khắp, là một nước có nhiều cầu thủ giỏi và có nền bóng đá mạnh. Cũng như vậy với thơ. Sinh ra ai đã là nhà thơ đâu? Người ta sinh hoạt bút nhóm, câu lạc bộ người yêu thơ ở trường, ở phường, xã… rồi dần dần trưởng thành, thành nhà thơ lớp, nhà thơ xóm, nhà thơ xã, huyện, tỉnh, rồi thành nhà thơ có chân trong Hội Nhà văn Việt Nam.

Thơ hiện nay với hôm nay – Đôi điều suy ngẫm - 2

Tọa đàm "Thơ hiện nay với hôm nay" diễn ra vào sáng 5/2 thu hút đông đảo công chúng tham gia.

Nếu chúng ta thấm nhuần tư tưởng Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, thì thơ ca cũng là sự nghiệp của quần chúng. Từ quần chúng mà ra rồi trưởng thành. Chúng tôi tán thành bài viết và quan điểm của của nhà văn, nhà báo Cao Thâm: “Việc ra đời hàng loạt CLB thơ, “in tới tấp thơ” chắc chắn có nhiều tác phẩm kém chất lượng. Việc in ấn xô bồ, dễ dãi; thậm chí, có tác giả in thơ chỉ vì hư danh. Nhưng nếu chỉ nhìn vào hiện tượng đó mà các bác phán rằng “thơ Việt Nam đi giật lùi”, thậm chí còn miệt thị những “nhà thơ chân đất” (thơ quần chúng) thì e rằng phiến diện” (Nguồn: Facebook Chử Thu Hằng, 24/12/2022). 

Và cũng rất đồng ý với nhà thơ Ngô Nguyễn khi ông viết: “Đáng lẽ trước sự phát triển mạnh mẽ chưa từng có từ xưa đến nay các nhà thơ phải lấy đó làm mừng thì lại sinh ra bi quan. Một số còn không muốn nó phát triển bằng mọi cách ngăn cản bước phát triển của nó. Họ chê bai thơ trên mạng, coi nó là thứ thơ rác, đọc vào chỉ hại mắt. Họ có ngờ đâu văn hóa mạng đang phát triển, với thái độ này họ tự đánh mất mình. Nhiều nhà thơ còn không biết đánh máy, không hề hay trên mạng người ta viết gì trong khi đó từ đứa trẻ ba tuổi đã biết vào mạng chơi trò chơi. Điều này cho thấy nhiều nhà thơ quá lạc hậu nói chi đến việc đi tiên phong dẫn dắt quần chúng trong sự phát triển văn học đất nước”.

Cá nhân tôi cho rằng không nên lo lắng mà nên vui mừng với sự phát triển của các câu lạc bộ thơ. Từ đó sẽ có những bài thơ hay làm giàu cho kho tàng thơ ca đất nước. Thực tế đã chứng minh có không ít người làm thơ mạng, rồi in thơ tập, rồi trở thành Hội viên thơ của các Hội nhà văn địa phương. Sau đó vào Hội nhà văn Việt Nam. 

Một vài ví dụ minh chứng

Xin dẫn ra đây một vài ví dụ về thơ hiện nay với hôm nay. 

Ai đó nói bạn đọc quay lưng với thơ chỉ đúng một nửa. Bạn đọc quay lưng với thơ dở chứ không quay lưng với thơ hay. Dẫn chứng ư? Tuyển thơ Trần Mạnh Hảo năm 2022 là một ví dụ sinh động. Cũng có người kêu các nhà thơ chui sâu vào cái tôi, không quan tâm đến cuộc sống sục sôi hàng ngày. Đấy chỉ là phát biểu có tính chất cảm tính. Đợt chống covid 19 vừa rồi, có biết bao bài thơ cổ vũ chống dịch, ngợi ca tình nghĩa đồng bào nhường cơm sẻ áo. Thơ xuất hiện trên các trang mạng, trên các trang báo giấy, trên các cuốn thơ xuất bản năm 2001 đến 2022. Có cả trường ca chống covid. Một số nhà thơ đã không ngần ngại phê phán thói vô cảm của các vị quan tham. Đặc biệt là mảng thơ trào phúng. Như thế không thể nói là thơ xa rời đời sống chỉ ngâm vịnh với gió mây cây lá…

Thơ hiện nay với hôm nay – Đôi điều suy ngẫm - 3

Ảnh minh họa

Nhà báo, nhà văn Cao Thâm nhận xét công tâm: “Tôi được biết, trong những tập thơ của cá nhân, của các CLB thơ, chủ đề chủ yếu ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi thành tựu đổi mới của Đảng, ca ngợi người lính… Nhà nước không hề tốn kinh phí mà thơ của các CLB đã làm tốt chức năng tuyên truyền tới đông đảo các tầng lớp xã hội”.

Hãy đọc bài thơ “Dị quan” của nhà thơ Nguyễn Thành Phong trong tập “Đêm ngồi ngã ba sông” để thấy tinh thần công dân mạnh mẽ và nghiêm khắc phê phán những cán bộ thoái hóa biến chất. Hay các bài thơ của một cựu chiến binh Nguyễn Hồng Minh để thấy tác giả không hề khoan nhượng với những người lãnh đạo chỉ biết lợi ích gia đình mình, nhóm mình, coi thường nhân dân: Đó là các bài thơ Cái đinh gỉ cắm giữa lòng thủ đô, Gửi ông Lý Hiển Long, Tiếng kêu Thủ Thiêm (tập Bờ sông trăng), Anh hùng ngã ngựa, Tổ quốc mình anh để ở đâu, Góc khuất lịch sử (tập Cầu vồng kí ức), Vô cảm (tập Nửa vầng trăng đợi). Người lính thẳng băng phê phán:

Đừng mang quy hoạch lừa dối người dân

Bọn cướp đất lòng tham si hổ đói.

Lũ cẩu quan hùa nhau rỉa rói

Buộc dân lành bán giá rẻ như cho…

(Tiếng kêu Thủ Thiêm, tập Bờ sông trăng)

Xin ghé Trang thơ trào phúng Hà Thành để thấy các nhà thơ trào phúng đánh lũ quan tham, những kẻ bất tài, chỉ giỏi nịnh trên, nạt dưới và đục khoét.

Loại quan tham nhũng bất tài

Nếu không diệt: Chắc còn tai hại nhiều 

(Vũ Do)

Một ví dụ khác là trang Thi nhân Miền Cổ tích có hơn 500 thành viên. Câu lạc bộ đã in 3 tập sách “Thi nhân Miền Cổ tích” 1,2,3 với gần 2000 trang gồm thơ, truyện ngắn, tản văn, bình thơ, bình truyện… 

Trang mạng Đàn bà thơ đã in tập thơ thứ 2 gồm 100 tác giả với gần 300 bài thơ. Buổi ra mắt sách rất thành công ở số 9 Nguyễn Đình Chiểu.

Hội những người yêu thơ Việt đã hoàn thành việc xuất bản 5 tập thơ “Đất nước vào xuân”. Theo thông lệ, ban lãnh đạo đã trao giải thưởng cho các bài thơ xuất sắc nhất. Nhà thơ Bành Phương Lan người chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Trung Phụng, thành viên Thi nhân Miền Cổ tích đã được trao giải nhất với 2 bài thơ: “Tôi muốn vẽ chiến tranh” và “Đám cưới mẹ”. 

Ai đó vẽ chiến tranh bằng máu

Bằng tượng đài, bằng những tấm huân chương…

Tôi muốn thêm một nét vào bức tranh

Bằng những sợi tóc rơi trên gối…

Bằng hình ảnh chiếc cối xay lúa đêm đêm

xay mãi… vẫn chưa qua xuân thì

Bằng những chiếc gàu múc nước dội vào đêm,

đêm vẫn khát…

(Trích Tôi muốn vẽ một nét chiến tranh, Thơ Bành Phương Lan) 

Thay lời kết

Tôi là nhà giáo có quan tâm đến thơ và việc bình thơ. Do công việc nên theo dõi mảng thơ mạng và thơ in trên báo giấy, thơ in thành tập. Thú thực là sức đọc rất có hạn. Tuy nhiên ngày nào cũng xem mạng, có tham dự vào một số CLB thơ. Cũng được một số nhà thơ thành danh và đang thành danh đề nghị viết lời giới thiệu tập thơ in lên đầu sách, hoặc viết bài giới thiệu in lên báo. Vì thế tôi tự xếp mình vào độc giả chịu đọc.

Trước tình hình thơ ca hiện nay, như chủ đề của Tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay”, tôi lạc quan tin vào sự phát triển tốt đẹp của thơ ca nước nhà. Vui vì thơ ca phát triển. Nhất định sẽ có những mùa vụ thơ ca thành công, cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước trong thời kỳ đổi mới và cách mạng 4.0./.

Vũ Nho

Tin liên quan

Tin mới nhất