Trở về bên Dòng Sông của Mẹ

Nhân dịp kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 (8/3/1910 - 8/3/2023), Thời báo Văn học Nghệ thuật xin giới thiệu bài thơ "Trở về bên Dòng Sông của Mẹ" của PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Nguyên Phó Chủ nhiệm VPCP.

Trở về bên Dòng Sông của Mẹ - 1

Ảnh minh họa

Mẹ ơi,

Con trở về bên Dòng Sông của Mẹ,

Sau quá nửa đời phiêu dạt,

Bồi hồi cát dịu mát dưới chân.

Bến xưa - Mẹ vai trần gánh nước,

Ánh Trăng vàng theo nhịp bước đung đưa.

Con lon ton tựa vào bóng Mẹ,

Hương lúa đồng nghe thoảng đâu đây.

Con trở về những ngày xưa ấy,

Bến Sông này biết mấy thân thương.

Những chiều hè Mẹ thường ra bến,

Tắm cho con trên dòng nước trong xanh.

Suối tóc dài – Mẹ thành nàng tiên cá,

Dìu con bơi trên sóng cả - sông đời.

Con vẫy vùng làm nước rơi lấp lánh,

Tiếng mẹ cười vang thành khúc nhạc

Vọng Bến Sông; còn man mác đậu đây.

Khi 7 sắc cầu vồng “bắc” trên dãy núi phía đầu Sông,

Mẹ bảo, cầu vồng đi đón cơn mưa.

Con hân hoan đón chờ mưa giăng ngoài ngõ,

Để được reo hò - chạy nhảy dưới mưa.

Mẹ lại lo mưa to rồi Sông lũ,

Nước ngập trắng đồng chẳng đủ cơm ăn.

Ôi! Lòng mẹ bao nhọc nhằn gánh hết,

Dành cho con một Bên Sông Thơ.

Suốt đời con, thành bến chờ - bến đợi,

Thành nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi.

Mai chợ phiên rồi, chiều nay, Mẹ lại về ra Bến,

Khỏa từng mớ cải xanh - một gánh trên vai.

Vợi vợi tuổi thơ - suốt đêm dài thổn thức,

Ngóng Mẹ chợ về - rạo rực cốm hương.

Đi khắp muôn phương, con vẫn thường mơ về bên Mẹ.

Bến Sông có khúc bồi khúc lở;

Nước dòng Sông có lúc vơi, đầy.

Chỉ Lòng Mẹ tháng ngày thắm mãi,

Tình yêu thương gửi lại cho con.

Con mong ước lại một lần gánh nước,

Lại một lần được trèo Bưởi hái hoa,

lấy lá rừng thơm sau nhà, nấu nước;

Để Mẹ gội đầu trước mái hiện xưa.

Trở về bên Dòng Sông của Mẹ - 2

Tác giả Trần Quốc Toản.

Trần Quốc Toản

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.