Chuyện làng văn nghệ: Phùng Khắc Bắc - Lặng lẽ giữa đời thường

Về học Khóa 2 Trường Viết văn Nguyễn Du, ngoài anh em ở các địa phương khác, còn có Hà Đình Cẩn, Phùng Khắc Bắc, Lê Hoài Nam, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Tính là các anh, các bạn viết trong quân đội. Chỉ có anh Phùng Khắc Bắc, trước đó chưa xuất hiện gì nhiều trên sách báo, nhưng khi nghe nói anh quê Bắc Giang là tôi thấy quý anh ngay. Anh vốn là người trầm lặng, ít vồ vập nhưng sống đằm, cần mẫn và cẩn thận trong giao tiếp và công việc.

Anh không ở trong khu nội trú của trường như những người khác. Hàng ngày anh đạp xe cà tàng từ Khu nhà tập thể Văn nghệ Quân đội ở Lý Nam Đế đến lớp học - rất ít khi đến chậm. Anh học giỏi môn tiếng Nga (mà đối với anh em chúng tôi đó là môn “hắc búa” nhất). Chẳng có buổi xê-mi-na nào là anh vắng mặt (xê-mi-na: một hình thức hoạt động sau bài giảng giữ một vai trò vô cùng quan trọng). Anh lặng lẽ ngồi ghi chép như tự bồi đắp những gì thiếu hụt để lấp đi lỗ hổng kiến thức do những tháng năm đi chiến trường anh không có điều kiện học. 

Về mặt sáng tạo, anh Bắc cần mẫn viết văn xuôi. Thực tế ở chiến trường ngổn ngang đầy ắp là thế mà chuyển hóa vào trang viết chưa được như anh mong muốn. Có lẽ vì mặc cảm nên anh rất ít tham gia vào các cuộc tranh luận văn chương như bọn tôi - “lũ người bị ma ám” và đôi khi hơi huyễn hoặc về mình. Nghe chúng tôi tranh luận, anh Bắc chỉ tủm tỉm cười và đôi khi chêm vào một vài câu nói hóm hỉnh. Tôi và anh Bắc mặc dù là người cùng quê Kinh Bắc nhưng ít khi ngồi hàn huyên với nhau. Đôi lúc anh em tâm sự, anh Bắc thường hỏi tôi về gia cảnh, đời sống... Giọng anh nhỏ nhẹ, không lên mặt dạy đời (mặc dù anh là người từng trải và cả nghĩ).

Chuyện làng văn nghệ: Phùng Khắc Bắc - Lặng lẽ giữa đời thường - 1

Nhà văn Phùng Khắc Bắc

Cái nét đáng quý ở anh là anh Bắc ít nói về mình và quan tâm đến người khác một cách tận tình, nhất là thói quen hay vê tai và hút thuốc lào vặt suốt buổi là ấn tượng tôi nhớ về anh. Bây giờ khi anh mất rồi, tôi mới thấy anh Bắc có lý... ! Cuộc sống trong khu nội trú của Trường Viết văn Nguyễn Du cứ trôi qua: Ngày lên lớp, chiều tự ôn và làm bài kiểm tra sau mỗi môn học, thì xảy ra một “sự kiện”: Anh Bắc được giải của Tạp chí Văn nghệ Quân đội với truyện ngắn Chiều xuân nắng hanh. Cả lớp chúng tôi đều mừng cho anh vì bước nhảy nghệ thuật này. Anh Bắc chỉ cười - cái nụ cười rụt rè - vẫn pha hơi hướng tự ti: “Một truyện ngắn thì có gì đâu, mình còn phải cố nhiều!”. Đấy, anh Bắc cứ khiêm nhường như vậy: Cố thu mình lại và... lặng lẽ viết. 

Học xong năm thứ 2, trường có tổ chức các nhóm đi thực tế. Tôi lại có dịp cùng đi thực tế với anh ở Nam Định, Ninh Bình (cùng với Đặng Ái và Lê Hoài Nam). Với cương vị là trưởng nhóm, anh Bắc rất tận tâm và kỹ càng trong chuyến đi. Anh Bắc luôn giữ được cân bằng trong nhóm không để xảy ra những gì đáng tiếc trong khi tiếp xúc với các cơ sở khi đi thực tế nên anh em rất quý và nể anh. Chúng tôi ở phòng khách của huyện Kim Sơn, sau đó xuống Cồn Thoi thâm nhập thực tế một đơn vị bộ đội lấn biển. Vốn là lính chiến trường nên anh Bắc liên hệ thế nào mà các đồng chí lãnh đạo đơn vị bộ đội xe đưa xe đón đàng hoàng, ăn ngủ tử tế. Chúng tôi vẫn thường đùa: “Nếu không có anh Bắc cùng đi thì chuyến thực tế này chúng mình mất duyên đấy”. Sau chuyến đi (anh còn nán lại theo lời mời về thăm quê Nghĩa Hưng của Lê Hoài Nam), anh dặn dò chúng tôi cặn kẽ như người thân trong gia đình khi nhóm thực tế trở lại trường. 

Có lẽ thật quá bất ngờ với anh em khóa 2 Trường Viết văn Nguyễn Du (1983 - 1985) là sau khi anh mất, trong di cảo ngoài bản thảo tiểu thuyết, truyện ngắn còn có hơn một trăm bài thơ mà anh viết tự lúc nào và rất ít công bố, dù chỉ là đọc cho bạn bè nghe. Nếu tôi nhớ không nhầm, ba năm học trong trường chỉ duy nhất một lần anh đọc thơ. Hôm đó, anh Bắc đọc bài Xô nát nhà dột (sau này khi in sách đổi thành Ngày hòa bình đầu tiên) và Một đôi Trống Mái. Không hiểu do không khí hưng phấn của anh em đọc thơ trong buổi ấy đánh thức phần đồng cảm trong anh hay anh muốn “công bố” tâm sự của mình, tôi cũng không biết nữa! Chỉ biết rằng, hôm ấy anh đọc thơ rất hay, mỗi từ cứ vung ra như những viên sỏi cọ xiết trần trụi của vùng đồi trung du quê anh. Và tôi thấy Phùng Khắc Bắc ướt nơi đuôi mắt vì phút “phát lộ” tình cảm ấy, biểu hiện ít thấy ở anh trong trường. 

Của tin gọi một chút này làm ghi - tập bản thảo thơ và tiểu thuyết của Phùng Khắc Bắc, nhà văn Xuân Thiều, Phạm Thị Minh Thư, Văn Chính và bạn bè văn thơ ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội được chị Tuất (vợ anh) trao lại biên soạn tập hợp hoàn thành cuốn Một chấm xanh và Đời thường, Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành (giải thưởng cả về thơ và tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam) phần nào ghi nhận một đời gắng gỏi sáng tạo của anh đóng góp vào nền văn học Việt Nam hiện đại và cũng là tấm lòng thành của bạn bè với anh Phùng Khắc Bắc - một nhà văn tài hoa mà mệnh yểu. Xin giới thiệu bài thơ Ngày hòa bình đầu tiên của anh.

NGÀY HÒA BÌNH ĐẦU TIÊN

I

Anh về lại ngôi nhà mình

Sau mười năm chiến tranh.

Mẹ đón anh buổi bình minh nhập nhoạng,

Cơn mưa đón anh buổi hừng đông chạng vạng,

Mưa… Mưa… Mưa…

Mưa ngoài trời

Khắp nơi,

Mưa ngoài sân,

Nhưng cũng mưa cả trong nhà…

Sau lời mẹ là lời mưa reo ca…

Nhà dột.

Chỗ nằm chỉ còn đủ độ dài giữa hai chiếc cột

Chiều rộng bằng khuôn chiếc tăng.

Mắc võng.

Lại mắc võng.

Vẫn là cây theo anh từ rừng về đây làm cột.

Võng đưa sẽ ướt,

Nhưng đã có con mọt trong cột làm âm thanh 

đung đưa

Ngày xưa,

Chỗ ướt mẹ nằm,

Sau mười năm

Vẫn chỗ mưa mẹ đứng

Mẹ trao cho anh chiếc đèn và bảo 

Đừng để ngọn lửa rụng!

Mẹ xếp những thùng, chậu, nồi, xoong…

Khúc nhạc mưa nhà dột tấu lên

Ru êm cánh võng,

Người lính nằm im,

Nghe âm thanh chiến tranh trong người mình 

cất giọng

Trong đêm hòa bình đầu tiên.

II

Không có trái bom nào rơi trúng mái nhà mẹ,

Không có viên đạn nào bắn thủng mái nhà mẹ

Chỉ có đứa con trai đi xa

Chỉ có sự chờ đợi nặng nề giọt xuống

Đã xuyên thủng mái nhà thành những lỗ to lỗ nhỏ 

khác nhau

Nắng mưa lọt vào sau

Xuyên 

Xối.

Những sợi nắng, những sợi mưa nếu có thể nối 

cũng chỉ dài bằng một phần sự mong đợi

Và những hạt nắng, những hạt mưa 

nếu đem xếp lại, có thể cao hơn mọi trái núi.

Mười năm, cũng chỉ là thoáng qua, 

Vì tuổi mẹ sáu bẩy lần hơn, 

Mẹ vẫn nói đời mình như nắng trận mưa cơn…

Mái rạ của mẹ cũng không thủng lỗ chỗ

Nếu con chỉ đi ra đồng, ra chợ

Chứ không phải đi vào chiến tranh.

Có phải những viên đạn vô hình trong ý nghĩ

Bắn lúc đêm khuya vào đứa con thơ bé

Đã để những lỗ thủng lốm đốm trên màu tóc mẹ

Như những hạt nắng hạt mưa giọt sót vào đây,

Để ai ai cũng phải nhìn và vội ngoảnh đi ngay…

Và đêm nào mẹ cũng khấn, để phập phồng 

một lần tin, một lần vui,

Nhưng tai ác hơn, mái nhà cứ thủng.

Chẳng có na-pan, lân tinh, phốt pho

Chỉ có mưa nắng, 

Sự xa vắng, 

Khiến mái rạ mục mủn, bạc như màu tóc bạc, 

Đôi sẻ tự tình bị hẫng hốt hoảng vù lên, bụi mù 

như tro bay…

Mong đợi

Yêu thương,

Giả định: sống chết

Của mẹ về con, làm cho con được sống.

Con trở về giản dị,

Cái ngõ nhỏ, mái nhà quê, biến thành cổng trời,

thành lâu đài trong mắt mẹ đón con.

Buổi sớm,

Nắng xiên nghiêng,

Anh nằm ngửa,

Mái nhà có mắt nhìn anh

Người lính

Lần đầu tiên giật mình…

Những hạt bụi nhảy múa rung rinh,

Những con đường sáng lên như nắng

Và mỗi người là hạt bụi lung linh

Mẹ vẫn lên nhà xuống bếp một mình,

Chiến thắng của mẹ là anh

Niềm vui của mẹ là anh.

Nỗi buồn của anh không phải trong chiến tranh…

Những sợi nắng xuyên qua nhà mình

Thành những mũi tên

Thành những viên đạn,

Bắn tiếp vào anh không gì che chắn

Phải nhận tất cả,

Vẫn anh.

Hôm qua chưa nhận một viên đạn

Hôm nay nhận những lỗ thủng

Anh về quê không mang súng

Vũ khí lúc này hai bàn tay.

Mẹ giục:

Ăn cơm, con!

Hòa bình trong canh cua, mồng tơi, cà

Và 

Mùi ổ rơm.

1985

Nguyễn Thanh Kim

Thơ Khuất Bình Nguyên
Thơ Khuất Bình Nguyên

Thời báo Văn học nghệ thuật trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 5 bài thơ trong tập "Người Tha hương" của nhà thơ...

Tin liên quan

Tin mới nhất