Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Nguồn nhân lực chất lượng cao để có năng suất cao

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chủ trương: “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”; khẳng định “Coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hoá, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong “ba đột phá chiến lược”

Trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra, khi nền kinh tế chủ yếu dựa trên nền tảng tri thức thì nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao thể hiện vai trò quyết định, nó vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Xu hướng thế giới hiện nay là chuyển hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực từ chỗ theo chiều rộng sang chiều sâu, cũng như kinh tế chuyển từ khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, năng lượng hoá thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo nhằm hướng tới sự bền vững trong tương lai phải đặc biệt coi trọng sự phát triển của khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài, các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia trong và ngoài nước…

Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra mục tiêu tổng quát là đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Để phấn đấu đạt mục tiêu đó phải thực hiện mạnh mẽ ba đột phá chiến lược, trong đó có chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trên cơ sở cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất bảo đảm hiệu quả và bền vững của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Nguồn nhân lực chất lượng cao để có năng suất cao - 1

Đại hội Đảng lần thứ XIII

Trước đây, tình trạng nghèo nàn và lạc hậu, sự thiếu nguồn vốn đầu tư phát triển là lực cản tốc độ phát triển kinh tế thì ngày nay trở ngại chủ yếu là sự yếu kém về trí tuệ và năng lực sáng tạo của con người. Cách mạng khoa học và công nghệ tạo ra sự bùng nổ mạnh mẽ và nhanh chóng trong phạm vi toàn cầu trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, tạo cơ hội cho các nước đang phát triển như nước ta lợi thế khắc phục sự tụt hậu, thông qua con đường hợp tác để có thể giải quyết các vấn đề khó khăn như thiếu hụt nguồn tài chính dựa trên quan hệ đầu tư, vay vốn, tiếp quản nguồn lực khoa học vàcông nghệ tiên tiến, hiện đại.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá, là bước ngoặt quan trọng nhằm nâng cao sức mạnh nội sinh về tri thức, trí tuệ của dân tộc, thích ứng trong một thế giới năng động của sự phát triển khoa học và công nghệ như vũ bão. Chỉ có như vậy, nền kinh tế nước ta mới có sự tăng trưởng nhanh, hiệu quả, bảo đảm chất lượng, bền vững. Từ đó, thoát ra khỏi nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp đang hiện hữu, sớm trở thành quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại.

Không có nguồn nhân lực chất lượng cao không thể có năng suất lao động cao

Năng suất lao động không chỉ phụ thuộc vào phương thức sản xuất và chính sách phù hợp mà nhân tố quyết định là con người với tư cách là chủ thể của phương thức sản xuất ấy, chính sách ấy. Nếu phương thức sản xuất lạc hậu và con người thụ động, không được đào tạo, trí tuệ non nớt, tay nghề, kĩ năng không có thì sản xuất không thể phát triển bởi năng suất lao động thấp.

Theo phương châm “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”, sẽ thấy năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu xa như thế nào so với các nước trong khu vực và thế giới. Theo báo cáo năm 2020 của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) thì năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm. Điều này cho thấy, mặc dù thời gian qua Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể nhưng tốc độ đuổi kịp của Việt Nam với các nền kinh tế thu nhập cao đã bị chậm lại. Do vậy, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để rút ngắn khoảng cách so với các nước.

Năm 2019 (trước đại dịch COVID-19) kinh tế nước ta có bước phát triển tốt. Năng suất lao động (theo giá hiện hành) đạt bình quân 110,5 triệu đồng/lao động (tương đương 4.792 USD) nhưng chỉ bằng 7,64% so với Singapore, bằng 20% của Malaysia, bằng 38% của Thái Lan, bằng 45% của Indonesia…

Năm 2021 năng suất lao động tăng 4,71%, đạt bình quân 171,3 triệu đồng/lao động (tương đương 7.398 USD) tăng 538 USD so với năm 2020 nhưng vẫn rất thấp. Cả giai đoạn 2011-2020, tốc độ năng suất lao động của Việt Nam tăng bình quân 5,1%/năm, cao hơn mức trung bình của các nước ASEAN (chỉ sau Campuchia), thấp hơn Trung Quốc (7%), thấp hơn Ấn Độ (6%)… Năng suất lao động của ta so với Singapore thấp hơn 26 lần, thấp hơn Malaysia 7 lần,  thấp hơn Trung Quốc 4 lần, thấp hơn Philippines 2 lần, thấp hơn Thái Lan 3 lần…

Muốn có năng suất cao không có con đường nào khác là phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát huy nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển, đồng thời lấy giá trị văn hoá, con người là nền tảng sức mạnh nội sinh.

Trong chiến lược này, vai trò của giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ (là quốc sách hàng đầu) tập trung phát triển nguồn nhân lực kĩ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lí điều hành, quản trị doanh nghiệp, quản lí xã hội, trọng dụng nhân tài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, đội ngũ chuyên gia trong nước và nước ngoài trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Nguồn nhân lực chất lượng cao để có năng suất cao - 2

Ảnh minh họa 

Nước ta có 224 trường đại học, 236 trường cao đẳng, hàng nghìn cơ sở đào tạo nghề (trường trung cấp, sơ cấp, trung tâm dạy nghề, cơ sở hướng nghiệp). Riêng hệ đại học, hàng năm đào tạo từ 155.000 đến 200.000 sinh viên (bình quân 185 sinh viên/100.000 dân). Hiện nay, nước ta là một trong 6 quốc gia có số người đi du học cao nhất thế giới, nhiều nhất là ở Australia (30.000 sinh viên), Mỹ (29.000 sinh viên), Canada (21.000 sinh viên), Anh (12.000 sinh viên), Trung Quốc (11.000 sinh viên)…

Hàng năm, 80-85% sinh viên ra trường có việc làm, nhưng trong số đó 20-25% làm việc trái ngành, nghề đã học, phần lớn “bám trụ” trong các đô thị lớn. Nhiều sinh viên vào nghề vẫn phải đào tạo lại. Sinh viên, nghiên cứu sinh du học tốt nghiệp tỉ lệ khá cao không về nước làm việc, kể cả một số được Nhà nước cấp học bổng cho đi học, đi nghiên cứu sinh.

Nước ta cũng vào loại kỉ lục về số lượng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ nhưng thành tựu của họ phục vụ cho tăng trưởng kinh tế không nhiều do năng lực, trách nhiệm xã hội, tâm huyết không cao có thể còn do chính sách sử dụng, trọng dụng, đãi ngộ và tư duy hẹp hòi trong công tác cán bộ…

Nước ta vào loại đông dân (xấp xỉ 100 triệu người), đứng thứ 13 trên thế giới song về kinh tế đứng thứ 42 trong 177 nền kinh tế được World Bank xếp hạng. Lực lượng lao động chiếm 68,7% dân số (khoảng hơn 55 triệu người). Theo Tổng cục Thống kê, tỉ lệ lao động qua đào tạo chiếm 64,5% nhưng số người có bằng cấp, chứng chỉ đạt có 24,5%, còn lại là đào tạo dưới 3 tháng, tập huấn, hướng dẫn kĩ thuật sản xuất một vài tuần. Do đó, chất lượng đào tạo đạt thấp.

Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu nên được ưu tiên đầu tư 20% ngân sách (tương đương 5% GDP), nghĩa là hàng năm ngành giáo dục được giao khoảng 15-20 tỉ USD nhưng 80% trong số đó chi thường xuyên cho giáo viên, cán bộ quản lí, còn 20% đầu tư cho phát triển. Vì thế, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp là đương nhiên (Ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư cho giáo dục trên, dưới 3% GDP đã có hàng trăm tỉ USD).

Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nền kinh tế tri thức cần đổi mới cả mục tiêu, chương trình và phương pháp dạy học từ bậc phổ thông đến đại học nhằm cung cấp cho người học kiến thức cơ bản làm nền tảng cho hoạt động thực tiễn, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội, sản xuât, doanh nghiệp và đời sống.

Mục tiêu phát triển kinh tế trên cơ sở phát triển công nghiệp nền tảng, thúc đẩy tự động hoá, số hoá, thông minh hoá các ngành, lĩnh vực thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số, các công nghệ của cuộc cách mạng 4.0. Đồng thời không ngừng thực hiện chuyển đổi số để đưa khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính để phát triển nhanh, bền vững và bao trùm.

Nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế, tự chủ công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là cấp bách, mang tính then chốt và quyết định. Đó là nguồn lực cơ bản, nổi trội của mọi nguồn lực trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, bảo đảm phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế thành công.

Kim Quốc Hoa

Tin liên quan

Tin mới nhất