Đấu giá tranh họa sĩ Vũ Cao Đàm tại Doyle New York (Mỹ)

Vũ Cao Đàm (1908 - 2000) tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và rời Việt Nam bắt đầu hành trình viễn du năm 1931. Ông nhận học bổng du học tại Trường Mỹ thuật ở Bảo tàng Louvre Pháp (L'École du Louvre) năm 1932. Trong sự nghiệp nghệ thuật của Vũ Cao Đàm, có hai địa hạt ông nhận được nhiều đánh giá cao của giới chuyên môn là điêu khắc (tượng đất nung, tượng đồng khắc họa chân dung thiếu nữ, bè bạn, các giảng viên, con vật,...) và tranh vẽ trên chất liệu đa dạng, chịu ảnh hưởng từ nhiều nguồn văn hóa khác nhau.

Bức họa “Divinite” được thực hiện vào năm 1965, trong khoảng thời gian Vũ Cao Đàm cộng tác với phòng trưng bày Wally Findlay tại Mỹ. Đấu giá tại nhà đấu giá Doyle New York, Mỹ, ngày 17/5/2023 gõ búa 70.000 Đô la chưa thuế phí. Theo thông tin tại Doyle New York thuế phí bảo hiểm 31% và kèm thuế doanh thu qua Sàn là 11,5%. Tổng giá trị bức tranh trị giá 99.750 Đô la (khoảng 2,3 tỷ đồng). 

Đấu giá tranh họa sĩ Vũ Cao Đàm tại Doyle New York (Mỹ) - 1

Tác phẩm "Divinite", sơn dầu trên vải, 1965. Phòng trưng bày Wally Findlay, Chicago

Trên con đường nghiên cứu hội họa, đặc biệt trong khoảng thời gian sau năm 1952 khi chuyển về làm việc ở Vence thuộc miền Nam nước Pháp, Vũ Cao Đàm đã có cơ hội gặp gỡ những người bạn đồng nghiệp mới. Và theo đó, sáng tác của ông cũng phần nào chịu nhiều ảnh hưởng từ danh họa Bonnard và Marc Chagall. Và quả thực, không khó để nhìn ra những tư tưởng được tiếp nối từ hội họa của Marc Chagall trong bức vẽ của Vũ Cao Đàm. Quá trình ấy của danh họa Việt chính là cách đan cài các thành tố thụ hưởng từ văn hóa nghệ thuật Tây phương để đưa vào các đề tài mang đậm nét dân tộc.

Mốc chuyển giao giữa hai chất liệu này diễn ra trong khoảng những năm 1938 - 1945 khi ông đang ở Pháp. Thời điểm đó việc đổ khuôn đồng để điêu khắc bị cấm, dẫn đến quá trình sáng tác gặp nhiều hạn chế nhưng cũng bởi vậy mà Vũ Cao Đàm đào sâu thêm về tranh vẽ. Thời gian đầu với tranh, ông chủ yếu vẽ lụa với một bảng màu tối, bố cục có chiều sâu, nhân sự tác động từ hội họa đời Tống và về sau là hội họa Phục Hưng Ý. Ông đi nhiều, xem nhiều và nghiên cứu cũng nhiều để phát triển ngôn ngữ hội họa trên một nền tảng hình khối của điêu khắc.

Từ tranh lụa, ông chuyển sang vẽ sơn dầu từ khi chuyển về làm việc ở vùng Vence thuộc miền Nam nước Pháp vào năm 1952. Tại đây, ông sống tại biệt thự “Les Cadrans Solaires” và trở nên thân thiết với hàng xóm là họa sĩ Morris Kestelman (1905-1998) - người từng giảng dạy tại Đại học Nghệ thuật Hoàng gia. Tháng 11 cùng năm, ông chuyển tới biệt thự “Les Heures Claires” gần biệt thự “Le Rêve” và “Les Collines”, nơi Henri Matisse và Marc Chagall từng sinh sống.

Lê Quang

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Sau 8 năm kể từ ngày công diễn vở opera Lá đỏ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trở lại ấn tượng với opera Vầng trăng Him Lam, tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 – 2025.