Nhớ mùa xuân hòa bình đầu tiên

Ngày 5 tháng 8 năm 1964, không quân Mỹ bắt đầu cuộc tiến công xâm lược quy mô lớn vào miền Bắc Việt Nam. Khoảng 12 giờ 30 phút ngày hôm đó, thành phố Vinh - Bến Thủy (Nghệ An) là nơi đầu tiên trên miền Bắc bị máy bay Mỹ đánh phá. Kho dầu Vinh trúng bom địch bốc cháy. Làng tôi ở cách đó khoảng 15 cây số đường chim bay, đứng trên bờ đê vẫn nhìn thấy cột khói đen kịt, cuồn cuộn bốc lên tận trời cao. Đó là hình ảnh đầu tiên của chiến tranh mà tôi cũng như người dân quê được chứng kiến.

Trong ngày đầu tiên đánh phá miền Bắc, Mỹ đã huy động 64 lượt máy bay xuất kích từ hai tàu sân bay Constellation và Ticonderoga đánh phá các khu vực Vinh - Bến Thủy, Lạch Trường (Thanh Hóa), Hòn Gai (Quảng Ninh) và Cảng Gianh (Quảng Bình).

Nhưng trận ném bom miền Bắc đầu tiên ấy của không quân Mỹ đã thất bại thảm hại. 8 máy bay Mỹ bị ta bắn rơi, một giặc lái bị bắt sống. Tỷ lệ thiệt hại của Mỹ là 12% so với số lần máy bay xuất kích (64 lần xuất kích). Đây là điều hoàn toàn bất ngờ đối với không quân Hoa Kỳ, báo hiệu về một cuộc chiến mà Mỹ càng leo thang càng chuốc lấy thất bại thảm hại.

Tổng kết lại, trong hai cuộc chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ (lần I từ 5/8/1964 – 1/11/1968, lần II từ 6/4/1972 – 30/12/1972), quân và dân ta đã bắn rơi 4.181 máy bay các loại, trong đó có 68 máy bay B-52, 13 máy bay F-111, tiêu diệt và bắt sống hàng ngàn giặc lái; bắn chìm, bắn cháy 268 tàu chiến, tàu biệt kích Mỹ (Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập IV 1971 – 1976).

Đỉnh cao của chiến tranh phá hoại miền Bắc là cuộc tập kích chiến lược bằng “pháo đài bay” B-52 và nhiều loại máy bay khác vào thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng từ đêm 18/12 đến sáng 30/12/1972. Trong 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường, oanh liệt ấy, quân và dân ta đã làm nên một trận “Điện Biên phủ trên không” với chiến công vang dội: bắn rơi 81 máy bay các loại (trong đó có 34 máy bay B-52 và 5 máy bay F-111), tiêu diệt và bắt sống nhiều phi công Mỹ; đạp tan ý đồ đen tối của Ních-xơn “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” của quân và dân ta là đòn chí mạng giáng vào đầu giặc Mỹ. Chiến thắng lịch sử đó buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, tuyên bố ngừng  ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận quay trở lại bàn đàm 4 bên tại Paris.

Gần một tháng sau, ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được 4 bên tham chiến gồm Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa ký kết.

Điều 2 của Hiệp định Paris về Việt Nam nêu rõ:

“Một cuộc ngừng bắn sẽ được thực hiện trên khắp miền Nam Việt Nam kể từ hai mươi bốn giờ (giờ GMT) ngày hai mươi bảy tháng giêng năm một nghìn chín trăm bảy mươi ba.

Cùng ngày giờ nói trên, Hoa Kỳ sẽ chấm dứt mọi hoạt động quân sự của Hoa kỳ chống lãnh thổ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà bằng mọi lực lượng trên bộ, trên không, trên biển bất cứ từ đâu tới,...”.

“Việc chấm dứt hoàn toàn chiến sự nói trong điều này là vững chắc và không thời hạn”.

Thật khó mà diễn tả hết cảm xúc vỡ òa của mọi người trong giây phút hòa bình được lập lại trên cả hai miền Nam – Bắc khi Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần. Tết Quý Sửu, Xuân 1973 quả thật là một cái Tết, một mùa Xuân đáng nhớ đối với những ai từng được sống trong khoảng thời gian lịch sử ấy của đất nước. Hòa bình đã trở lại dẫu nước non vẫn còn đang trong cảnh chia cắt.

Nhớ mùa xuân hòa bình đầu tiên - 1

Một điểm bán hàng Tết năm 1973 tại Hà Nội.

Mới hôm qua bom gầm đạn rú; làng quê, phố xá lửa cháy ngút trời mà hôm nay đã ngập tràn không khí hồ hởi của người dân trở về từ nơi sơ tán, dựng lại (dù chỉ là một túp lều tạm) hoặc sửa sang nhà cửa, đường sá, chuẩn bị cho cái Tết hòa bình đầu tiên. Đâu đâu cũng thấy bừng lên sức sống mới đón xuân về.

Cờ đỏ tung bay trước mỗi nhà hay dọc đường đê Tả Lam quê tôi. Những câu khẩu hiệu viết bằng nước vôi trên nong phơi lúa, mỗi nong một chữ trắng toát, dựng dọc chân đê làng: “Chúc Mừng Năm Mới Xuân Quý Sửu”, “Năm Mới Thắng Lợi Mới”, “Quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, “Quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp”,…

Trên bờ đê, các anh chị đoàn viên thanh niên vừa kịp dựng lên một cổng chào đồ sộ bằng tre, kết cót và lá dừa. Trên đỉnh cổng chào là hai cái nia úp mặt vào nhau, sơn màu lên rồi vẽ hình bản đồ đất nước và ngôi sao vàng 5 cánh trên nền đỏ tươi. Hai bên cột cổng chào gắn những cái mẹt úp mặt vào nhau ghi đôi câu đối kiểu chữ tròn: “Vui Tết Bảy ba cả nước ra quân giành đại thắng/ Mừng Xuân Quý Sửu hai miền đánh Mỹ lập công to”.

Nhìn sắc xuân đang thắm lên từng phút từng giờ trên quê hương, lòng người không giấu được niềm xúc động lớn lao. Từng sống những ngày dài trong cảnh trên bom dưới đạn, chui rúc trong những căn hầm trú ẩn chật chội, ẩm thấp hàng năm trời, con người ta mới cảm nhận được thật sâu sắc những giây phút thiêng liêng vô giá của hòa bình.

Càng gần đến Tết, không khí làng quê càng nhộn nhịp. Nhà nhà chuẩn bị Tết. Nào nếp, nào gạo, nào lá chuối, lá dong và lạt buộc – những thứ dù khó khăn đến mấy cũng phải có, “đói giỗ cha, no ba ngày Tết”. Từ mờ sáng 29 Tết, đã nghe rộn ràng tiếng lợn kêu eng éc vang lên khắp làng trên xóm dưới. Thứ âm thanh ấy, mỗi năm chỉ có một lần, kết quả của những cuộc “đụng” thịt ăn Tết của các gia đình trong xóm.

Trong cái lạnh cuối mùa đông còn níu lại, đã thấy không khí ấm cúng bởi mùi hương trầm đang tỏa lan khắp xóm. Tết ở quê, không khí nhà nào cũng ngan ngát mùi hương đặc trưng này của xứ sở.

Nhớ mùa xuân hòa bình đầu tiên - 2

Ảnh minh họa

Tôi phụ giúp cha trang hoàng nhà cửa. Cũng đơn giản thôi. Một đôi câu đối (chính là câu đối treo ở cổng chào của làng) dán hai bên cột nhà nơi gian giữa do tôi tự viết và trang trí trên mặt sau tờ câu đối cũ. Cặp tranh độc bình hoa treo hai bên. Bức cuốn thư với câu “Chúc mừng năm mới” có in hình Bác Hồ gắn trang trọng phía trên bàn thờ gia tiên. Khung cảnh gian chính ngôi nhà nhỏ bỗng sáng bừng lên, ấm áp. Tết đã về trong nhà ngoài ngõ, xuân rạng rỡ trên những gương mặt trẻ già mà mới hôm nào còn đầy nét âu lo bởi chiến tranh, bom đạn, chết chóc.

Bọn trẻ chúng tôi thì vui hơn bao giờ hết. Không chỉ được đón Tết với những món ăn ngon, quần áo đẹp hay thỏa sức xem các trò chơi quen thuộc như đánh đu, cờ người,… mà còn háo hức và mong đợi nhất, từ nay sẽ được đàng hoàng đến lớp, không còn cảnh phải học ở nơi sơ tán: “Đến trường đầu đội mũ rơm/Vai mang xác vải mắt gờm tàu bay/Xung quanh hào lũy đắp dày/”Con ma” Mỹ rú, tiếng thầy vút cao”.

Xuân Quý Sửu năm Bảy ba ấy, tròn nửa thế kỷ đi qua rồi mà mỗi khi nhớ lại, lòng vẫn thấy bồi hồi, thiết tha.

Nguyễn Duy Xuân

Chuyện bên lề Hội nghị Paris
Chuyện bên lề Hội nghị Paris

Trong thời gian diễn ra Hội nghị Paris, tôi được NXB Văn hóa thông tin phân công sưu tầm biên soạn cuốn sách ảnh Hội nghị...

Tin liên quan

Tin mới nhất